Chuyện đó đây

Sốt xuất huyết tại Bangladesh: Bài học cho các quốc gia nhiệt đới

Hoàng Linh 21/11/2023 - 18:47

Sự kết hợp của nhiều nguyên nhân đang khiến Bangladesh phải trải qua đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử, với các bệnh viện chật cứng và số người tử vong tăng lên từng ngày.

Ca bệnh phân tán rộng khắp

Theo Al Jazeera, tính đến ngày 20-11, Bangladesh đã ghi nhận ít nhất 1.549 người - bao gồm 156 trẻ em, từ trẻ sơ sinh đến 15 tuổi - chết vì sốt xuất huyết. Nước này cũng ghi nhận tổng cộng 301.255 trường hợp sốt xuất huyết trong năm nay.

dengue_1.jpg
Trẻ em là nạn nhân nhiều rủi ro nhất của bệnh sốt xuất huyết.

Như vậy, số ca tử vong kỷ lục cao gấp khoảng 5 lần so với con số 281 ca tử vong của năm ngoái - mức cao nhất trong một năm trong lịch sử Bangladesh. Số trường hợp cao nhất trước đó trong một năm - 1,01,354 - đã được báo cáo vào năm 2019.

Các chuyên gia y tế lo ngại vì sốt xuất huyết thường giảm ở khu vực Nam Á khi mùa mưa dừng lại vào cuối tháng 9 hằng năm, nhưng giờ đây không còn như vậy. Cùng với đó, các đợt bùng phát sốt xuất huyết trước đó tại Bangladesh chủ yếu ở các trung tâm đô thị đông dân cư như Thủ đô Dhaka, nơi sinh sống của hơn 23 triệu người.

Tuy nhiên, căn bệnh năm nay đã lan đến mọi quận, huyện, bao gồm cả khu vực nông thôn. Dữ liệu của DGHS xác nhận, có tới 65% trường hợp được báo cáo trong năm nay là từ bên ngoài Dhaka. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ đô của Bangladesh ghi nhận ít trường hợp mắc bệnh hơn phần còn lại của đất nước.

"Tôi chưa bao giờ chứng kiến một đợt bùng phát sốt xuất huyết với tỷ lệ này. Thật bất thường khi thấy một số lượng lớn bệnh nhân sốt xuất huyết như vậy vào tháng 11", Giám đốc Bệnh viện Mugda, Tiến sĩ Mohammed Niatuzzaman nói. Trong khi đó, chuyên gia y tế công cộng và là cựu Giám đốc DGHS, Tiến sĩ Anm Nuruzzaman nhận định, đợt bùng phát năm nay không kém gì một dịch bệnh.

Khó khăn kiểm soát dịch lây lan

Các quan chức chính phủ Bangldesh tuyên bố đã làm mọi thứ có thể để kiểm soát sự lây lan của sốt xuất huyết, đồng thời khẳng định việc tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp hoặc dịch bệnh công cộng không tạo ra nhiều khác biệt.

"Tất cả các bệnh viện công lập trên cả nước đã được hướng dẫn mở các khoa đặc biệt về sốt xuất huyết vào đầu tháng 8. Bộ Y tế cũng phân bổ ngân sách khẩn cấp để chống dịch", Tiến sĩ Mohammad Robed Amin, Giám đốc bộ phận bệnh không lây nhiễm tại DGHS cho biết.

dengue_2.jpeg
Bệnh viện trên khắp Bangladesh đều trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết.

"Vấn đề là hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước chúng ta có những hạn chế nghiêm trọng, chưa kể dân số đông khiến việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe và điều trị cho tất cả mọi người là bất khả thi", ông nói.

Tiến sĩ Amin cũng lưu ý, các trường hợp mắc bệnh và tử vong trong năm nay "cao bất thường" vì nhiều lý do, mà lý do đầu tiên và quan trọng nhất là tỷ lệ mắc chủng sốt xuất huyết loại Den-2 áp đảo ở các bệnh nhân.

Sốt xuất huyết có 4 loại: Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Trong vài năm qua, Bangladesh chủ yếu có chủng Den-3 và người dân đã phát triển khả năng miễn dịch chống lại nó. Nhưng năm nay, hơn 75% bệnh nhân được chẩn đoán mắc Den-2 và gần như tất cả các bệnh nhân tử vong đều bị ảnh hưởng bởi chủng đặc biệt này.

Một lý do khác đằng sau số ca tử vong cao là sự bùng phát bệnh ở khu vực nông thôn.

Tác nhân gây bệnh sinh sôi quanh năm

Các nhà côn trùng học đã tìm ra một lý do khác nằm sau đợt bùng phát kỷ lục của bệnh sốt xuất huyết tại Bangladesh trong năm nay.

Giáo sư côn trùng học Kabirul Bashar tại Đại học Jahangirnagar của Bangladesh cho biết, mô hình sốt xuất huyết giảm dần vào tháng 9 đã thay đổi từ năm ngoái, khi căn bệnh này đạt đến đỉnh điểm vào tháng 10 và khiến 86 người tử vong. Mức này cao gấp bốn lần “đỉnh” của một năm trước đó.

"Bây giờ sốt xuất huyết không còn là một căn bệnh liên quan đến gió mùa nữa, mà kéo dài cả năm" - Giáo sư Bashar, người cũng là chuyên gia khoa học trong Ủy ban chống sốt xuất huyết quốc gia của Bangladesh nói.

Theo nhà khoa học này, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi mô hình nhiệt độ, lượng mưa và các hiện tượng tự nhiên khác, dẫn tới thay đổi sự sinh sản và vòng đời của quần thể muỗi Aedes mang bệnh sốt xuất huyết.

Mặt khác, sốt xuất huyết trước đây chủ yếu phổ biến ở Nam và Đông Nam Á giữa tháng 6 và tháng 9, giai đoạn nước tù đọng cung cấp môi trường sống lý tưởng cho muỗi Aedes. Nhưng giờ đây, muỗi sinh sản ngay cả trong cống rãnh bẩn và thậm chí là trong nước biển. Nói cách khác, muỗi đã có môi trường sinh sản “trái vụ”.

Các nhà côn trùng học cũng phát hiện, hai loại thuốc diệt muỗi được sử dụng rộng rãi nhất là malathion và temephos đã trở nên "vô dụng" đối với muỗi Aedes ở Bangladesh, vì chúng phát triển sức đề kháng.

dengue_3.jpg
Hệ thống y tế còn yếu của Bangladesh khiến việc kiểm soát bệnh trở nên khó khăn.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia đều chung quan điểm rằng, Bangladesh cần nhanh chóng thực hiện một kế hoạch tổng thể, kéo dài 5 năm, để kiểm soát sự lây lan của sốt xuất huyết và loại bỏ quần thể muỗi Aedes.

"Bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới nếu một kế hoạch như vậy không được triển khai ngay lập tức” - Giáo sư Kabirul Bashar nêu rõ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sốt xuất huyết tại Bangladesh: Bài học cho các quốc gia nhiệt đới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.