(HNMO) - Băng vĩnh cửu ở hai đầu cực trái đất ẩn chứa bên dưới nó rất nhiều CO2 và khí mêtan - những thứ nằm sâu bên dưới các khối băng khổng lồ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiệt độ hai Cực đều tăng lên, tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu sẽ không thể giữ kín những túi khí độc hại khổng lồ này lâu hơn nữa.
Một khi phát tán, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính này sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng nề - với những tính toán ban đầu có thể lên tới 43 nghing tỷ USD từ giờ tới năm 2200. Đây là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại trường đại học Cambridge và trường đại học Colorado đưa ra. Như thế, mỗi năm chúng ta sẽ thiệt hại khoảng 230 tỷ USD - tương đương với 26,5 triệu USD mỗi giờ.
Để tính ra con số khổng lồ như vậy, các nhà nghiên cứu trước tiên xem xét tốc độ tan băng cũng như lượng khí nhà kính được giải phóng tương ứng. Từ đó, họ tính ra chi phí dự trên những tác động của khí nhà kính đang gây ra đối với kinh tế toàn cầu hiện nay. Trong đó, có thể kể tới những thiệt hại trực tiếp như về nông nghiệp, chi phí năng lượng sử dụng cho điều hoà nhiệt độ… cho tới gián tiếp như sức khoẻ cộng đồng, hệ sinh thái, nước biển dâng và thiên tai. “Những hệ quả có thể tác động tới mọi nơi trên thế giới” - tiến sĩ Chris Hope của trường Cambridge chia sẻ.
Thực tế, các các điểm cực trái đất đã nhận được sự chú ý trong các buổi thảo luận về biến đổi khí hậu khi con người nhận ra việc tan băng đã khiến nước biển dâng cao gây thiệt hại cho các quốc gia - hệ quả trực tiếp của việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên do hiệu ứng khí thải nhà kính. Tuy nhiên, khi các tầng đất đóng băng vĩnh cửu cũng tan chảy, hậu quả sẽ còn kinh khủng hơn rất nhiều.
Lý do nằm ở chỗ những tầng đất này - vốn là vật chất hữu cơ bị đóng băng - đang "giấu" tới 1,700 tỉ tấn carbon. Khi tan chảy, nó sẽ thải lượng carbon này vào không khí - song song cả với khí mêtan. “Khi tầng đất đóng băng vĩnh cửu bị tan chảy, đó sẽ là hậu quả tồi tệ nhất của những biến đổi khí hậu tại điểm Cực” - tiến sĩ Hope nhận định.
Cũng theo Hope, việc “quy” các tác động này ra con số cụ thể đối với nền kinh tế là điều hữu ích bởi lẽ nó giúp con người đánh giá được những hiệu quả cụ thể trong việc chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nhà khoa học cũng tin rằng những thiệt hại đối với nền kinh tế cũng có thể được hạn chế nếu con người nỗ lực hơn nữa trong việc cắt giảm khí thải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.