(HNM) - Ngày 25-12, Đội tuyển Bắn súng Việt Nam đã lên đường, bước vào đợt tập huấn nước ngoài cuối cùng trước thềm vòng loại Olympic dành cho các nước Châu Á.
Trưởng Bộ môn Bắn súng, Tổng cục TDTT Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: "Mục tiêu của bắn súng Việt Nam là giành thêm 1 - 2 suất dự Olympic, ngoài 2 suất mà Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường đã giành được". Nếu làm được điều đó, bắn súng sẽ đi vào lịch sử với tư cách là môn đầu tiên của thể thao nước nhà có 3 suất chính thức dự một kỳ Olympic.
Rất khó giành vé dự Thế vận hội năm 2016, trong bối cảnh nhiều quốc gia hàng đầu Châu Á đang rất khát khao có thêm đại diện được góp mặt tại đấu trường thể thao lớn nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên HLV Nguyễn Thị Nhung trở thành một trong các gương mặt rất nổi tiếng của làng bắn súng thế giới với biệt danh "đi hai, giành hai". Đó là ở Cúp Bắn súng thế giới tại Tây Ban Nha năm 2014.
Do hạn hẹp về kinh phí, bắn súng Việt Nam chỉ cử 2 xạ thủ hàng đầu dự giải, do HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung làm trưởng đoàn, vậy mà thật xuất sắc khi cả 2 xạ thủ đều thi đấu thành công, giành vé dự Olympic (Hoàng Xuân Vinh đạt được ở nội dung súng ngắn thể thao 50m, Trần Quốc Cường đạt được ở nội dung súng ngắn hơi 10m).
Là bộ môn giành 2 suất chính thức dự Olympic 2016 sớm nhất, nhưng bắn súng Việt Nam không "giậm chân tại chỗ", tự hài lòng với mình, mà luôn nỗ lực tìm kiếm cơ hội giành thêm "vé" vào thẳng VCK Thế vận hội. Tại Giải vô địch Bắn súng Châu Á diễn ra tại Kuwait, xạ thủ Phạm Thị Hà đã thi đấu xuất sắc, xếp hạng 7 chung cuộc nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ.
Do 4 đối thủ phía trên đã có vé dự Olympic nên theo loại trừ, Phạm Thị Hà lẽ ra nằm trong nhóm được trao suất dự Olympic tại Brazil. Đáng tiếc, do đại diện của Liên đoàn Bắn súng thế giới (ISSF) trục trặc trong việc xin visa, không thể vào Kuwait theo dõi giải nên kết quả tại Giải vô địch Châu Á không được tính để xét vé dự Olympic (theo quy định, các giải đấu phải có sự giám sát của đại diện ISSF mới được tính).
Phương án khắc phục của ISSF là tổ chức thêm vòng loại bổ sung xét dự Olympic khu vực Châu Á, diễn ra từ 25-1 đến 3-2 tại Ấn Độ. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, HLV trưởng Đội tuyển Bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung cho biết: "Đây là vòng loại cuối cùng xét dự Olympic cho Châu Á, bắn súng Việt Nam sẽ cố gắng tận dụng tốt cơ hội này để phấn đấu giành thêm 1-2 suất".
Được thế thật quá tuyệt vời, nhưng thầy trò đội tuyển bắn súng sẽ phải đương đầu với vô vàn khó khăn cho mục tiêu ấy. Bởi mỗi nội dung chỉ có 2 suất dự Olympic. Cơ hội không nhiều, trong khi đó bắn súng Nhật Bản, hay chủ nhà Ấn Độ… đều mới có một suất dự Olympic. Cả Thái Lan, Kazakhstan đều đang khát khao có thêm đại diện tại Thế vận hội. Nội dung súng trường, chúng ta đang thua khoảng cách khá xa về trình độ so với các nước bạn, nên hy vọng chủ yếu đặt vào các nội dung mạnh của súng ngắn nam, nữ. Sự cạnh tranh chắc chắn sẽ rất lớn.
Thật tiếc khi lẽ ra bắn súng đã "lập kỷ lục" giành 3 suất chính thức dự Olympic, nay lại phải khởi động mục tiêu, trong bối cảnh đã bước vào thi đấu là "5 ăn, 5 thua". Chúng ta phải làm gì để bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho VĐV? Trả lời câu hỏi này, vị "nữ tướng" của bắn súng Việt Nam cho biết: "Thứ nhất, đây là đợt tập huấn nước ngoài cuối cùng chuẩn bị cho Olympic, nên chúng tôi sẽ cử lực lượng hùng hậu nhất, gồm hơn 20 xạ thủ, tập huấn theo 2 đợt tại Hàn Quốc và Thái Lan.
Thứ hai, do BTC đài thọ toàn bộ lệ phí, chi phí ăn, ở, các nước tham dự chỉ mất tiền vé máy bay nên chúng ta cố gắng có càng nhiều xạ thủ tham dự ở các nội dung còn suất dự Olympic càng có nhiều cơ hội giành vé".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.