(HNMCT) - Bản sắc văn hóa Hà Nội được tổng hòa từ nhiều yếu tố như môi trường, xã hội, kiến trúc, văn hóa... để từ đó làm nên đặc trưng riêng có của đất kinh kỳ. Đặc biệt, bằng sự lưu truyền, tiếp nối bền bỉ, bản sắc Hà Nội vẫn tồn tại cho đến ngày nay và đang trở thành nguồn “sức mạnh mềm” đưa Hà Nội phát triển sánh ngang với các thủ đô trên thế giới. Hànnộimới Cuối tuần đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng xoay quanh vấn đề này.
- Với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhiều năm, ông có thể chia sẻ với bạn đọc về khái niệm bản sắc văn hóa cũng như câu chuyện bản sắc văn hóa của Hà Nội?
- Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng để từ đó hình thành nên thương hiệu văn hóa của riêng mình. Bản sắc văn hóa là những nét đẹp văn hóa, những nét tinh hoa đặc sắc nhất trong nền văn hóa chung mà chỉ vùng, miền hay dân tộc đó mới có. Từ định nghĩa này, có thể thấy Hà Nội đã và đang giữ trong mình một bản sắc riêng.
Đầu tiên, bản sắc văn hóa Hà Nội được hình thành do có sự đa dạng về văn hóa bởi Hà Nội là nơi kết tinh, hội tụ văn hóa của nhiều vùng miền. Nếu xét theo từng tộc danh, có thể nói Hà Nội là nơi có nhiều dân tộc nhất so với tất cả các nơi khác. Đa dạng văn hóa rất quan trọng cho sự phát triển. Đa dạng văn hóa là khởi nguồn của bản sắc, của đổi mới và sáng tạo, giúp liên kết mọi người trên thế giới. Đó là động lực thúc đẩy phát triển, không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn làm phong phú hơn trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần. Cụ thể, về lĩnh vực kinh tế, đa dạng văn hóa là nguồn lực cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch, tạo công ăn việc làm và thu nhập qua các di sản, qua việc tham quan, bán hàng thủ công và các sản phẩm văn hóa khác... Về mặt xã hội, đa dạng văn hóa là phương tiện hiệu quả để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và chống lại các định kiến. Điều này hết sức cần thiết đối với ổn định xã hội... Chính vì thế, UNESCO đã khuyến cáo cần chú trọng đến đa dạng văn hóa, coi đa dạng văn hóa như một thứ tài sản và Hà Nội của chúng ta đang có một thứ tài sản rất quý để phát triển.
Tiếp đó, Hà Nội có một đặc trưng nữa là tính chất tinh tuyển. Sự tinh tuyển này rất quan trọng vì Hà Nội từ xưa đã là kinh đô, đô thị trọng yếu của cả nước. Trải qua thời gian, chúng ta đều thấy hiện hữu tính chất tinh tuyển về văn hóa của Hà Nội. Văn hóa của mọi vùng miền qua chiếc “sàng lớn” là Hà Nội đều được chọn lọc, chắt lọc và kết tinh thành những nét văn hóa đặc trưng cho người Hà Nội như thanh lịch, văn minh, hào hoa, cởi mở, hòa đồng... Cùng với đó, một đặc trưng nổi bật nữa là người Hà Nội thân thiện, yêu chuộng hòa bình, ứng xử với tự nhiên, với con người cũng mang tính chất hài hòa, thích ứng không đối chọi... Đặc biệt, Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều trí thức nên Hà Nội có trình độ dân trí khá cao, rất rõ tinh thần hiếu học, quý trọng tri thức, coi trọng giáo dục. Cụm từ "sĩ phu Bắc Hà" không chỉ là một cách gọi, phân biệt giới trí thức Hà Nội với trí thức các vùng khác, mà còn là một danh hiệu ẩn chứa niềm tự hào về khí tiết và những phẩm cách tốt đẹp riêng có của văn nhân Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là nơi tập trung đông thợ thủ công và tầng lớp buôn bán từ các tỉnh quanh Hà Nội về đây làm ăn buôn bán và tạo thành các phố chuyên nghề, lập phường nghề và tạo nên một tầng lớp thị dân với những nhu cầu mới, có tác động sâu sắc đến văn hóa đất Thăng Long.
- Trải qua thời gian, tính đến ngày hôm nay, ông thấy bản sắc Hà Nội có biến đổi nhiều không?
- Do tác động của nền kinh tế thị trường, bản sắc Hà Nội có thời điểm đã bị lung lay, phai nhạt. Nhất là khi “mở cửa” thì bên cạnh những ngọn gió lành, Hà Nội của chúng ta cũng phải đón thêm cả những “cơn gió độc hại” khiến văn hóa Hà Nội đôi lúc đã bị biến dạng bởi ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai. Ở một số nơi, trong nếp sống, lối sống, những hiện tượng không lành mạnh, kém văn hóa đã xuất hiện; cách nói năng tùy tiện, từ ngữ thô tục, cách ăn uống xô bồ, bất nhã xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là với thanh, thiếu niên. Nếp sống thanh lịch, văn minh đôi lúc đã bị lối sống vị kỷ lấn lướt. Người ta đi xe máy lên cả hè phố, vượt đèn đỏ bất chấp các điều luật về an toàn giao thông, ý thức với môi trường sống ở chỗ này, chỗ kia còn chưa tốt khiến hình ảnh thành phố có phần nhếch nhác, rác thải bừa bãi, môi trường văn hóa bị ô nhiễm...
- Trước thực tế đó, ông đánh giá Hà Nội đã gìn giữ và phát huy bản sắc như thế nào?
- Từ xưa đến nay, bản sắc Hà Nội vẫn được phát huy theo trường văn hóa, tức là được trao truyền trong môi trường sống của người Hà Nội, môi trường sống này có các tầng lớp dân cư khác nhau, và có cách trao truyền khác nhau. Như tầng lớp trí thức thì trao truyền qua sách vở, qua hệ thống của văn hóa bác học. Các phong tục tập quán, nền nếp gia phong lại được trao truyền qua truyền miệng, qua ca dao, hò vè... Đặc biệt, trong cuộc sống hiện đại, việc trao truyền văn hóa nhờ có công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển đã được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Tôi khẳng định, sự trao truyền ấy thời nào cũng có và luôn luôn vững mạnh để bản sắc Hà Nội được giữ gìn.
- Để biến bản sắc văn hóa Hà Nội thành sức mạnh nội sinh góp phần phát triển bền vững Thủ đô, theo ông trong tương lai Hà Nội cần phải làm những gì?
- Điều quan trọng nhất, Hà Nội cần nhận thức rằng không đâu có được bản sắc văn hóa đặc trưng như ở Hà Nội. Hà Nội cần phải trân trọng những bản sắc mà mình đang sở hữu, đánh thức nó và biến nó trở thành tài sản của người Hà Nội. Nói cách khác, bản sắc phải trở thành nguồn lực cho phát triển, bản sắc văn hóa không chỉ là tài nguyên vô giá tạo ra doanh thu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố “sức mạnh mềm”, nâng cao thương hiệu Hà Nội. Ví dụ, trong lĩnh vực du lịch, Hà Nội cần đưa nhiều hơn bản sắc văn hóa vào các sản phẩm du lịch, cần hình thành các hoạt động sản xuất kinh doanh xoay quanh nó như du lịch di sản, các dịch vụ du lịch làng nghề, thủ công mỹ nghệ... Để làm được điều này, lãnh đạo Hà Nội phải xác định phát triển du lịch cần theo định hướng du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, kiên quyết chống các quan điểm làm du lịch theo kiểu “một đập ăn ngay”, “ăn xổi ở thì”. Ngoài ra, Hà Nội cần có sự đầu tư bài bản để hỗ trợ cho những sáng kiến, phát huy những sáng kiến giúp cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đặc biệt là các chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh sự cần thiết có sự tham gia của cộng đồng. Cộng đồng phải đồng thuận cùng nhau phát huy giá trị di sản, lưu truyền và tiếp nối bản sắc văn hóa của Hà Nội thì mới có thể biến bản sắc văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh đưa Hà Nội phát triển bền vững.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.