(HNMO) – Ngày 26/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hôn nhân và gia đình, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Luật Hôn nhân và gia đình là dự án luật tác động đến tất cả đời sống của từng gia đình, từng tế bào của xã hội nên đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận, tất cả các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật hôn nhân và gia đình để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, quan hệ hôn nhân và gia đình tình hình mới, đồng thời duy trì được các tập quán tốt đẹp trong luật để phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, bảo vệ được quyền lợi phụ nữ và trẻ em trong các quan hệ hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh các nội dung quy định về độ tuổi kết hôn; việc giải quyết hậu quả của việc chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn; việc quy định về hôn nhân đồng giới, các đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt cho quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Theo các đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh), việc đưa quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi là một giải pháp mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng không thể mang thai ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ.
“Thực tế xã hội vẫn xảy ra tình trạng mang thai hộ lén lút, cho nên để lại nhiều hậu quả không tốt, luật hóa điều này sẽ tạo khung pháp lý an toàn để giúp giải quyết các tranh chấp phát sinh xung quanh vấn đề này”, đại biểu Chi nói.
Tuy nhiên, thực tế, có trường hợp việc mang thai hộ lúc đầu mang tính chất nhân đạo nhưng về sau mang tính chất thương mại, có những trường hợp thách đố không bàn giao trẻ cho những người nhờ mang thai hộ, bên nhờ mang thai hộ cũng có trường hợp vì đứa con khi sinh ra không đáp ứng như mong muốn của họ nên họ không nhận đứa trẻ… Vì vậy, dự luật cần quy định điều kiện mang thai hộ phải rất chặt chẽ và phải nêu lên các điều kiện tiêu chuẩn cụ thể để tránh bị lạm dụng.
Ủng hộ quy định về mang thai hộ, các đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Trần Mạnh Cường (Đắc Lắk) cũng cho rằng, nếu không quản lý chặt chẽ việc nhờ mang thai hộ thì sẽ có nhiều hệ lụy phát sinh sau này về đạo đức và kinh tế.
“Trước hết, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ từ khâu đăng ký với nhà nước để mang thai hộ, ban đầu chỉ tập trung đầu mối và những bệnh viện lớn có thể thực hiện được để quản lý và chăm sóc tốt. Việc chăm sóc, theo dõi người mang thai hộ phải được thực hiện hàng tháng, để đảm bảo sức khỏe cho người mang thai hộ và thai nhi, cũng như để đề phòng trường hợp ngay khi mang thai hộ thì bị xảy thai, người mang thai hộ lại có thai với chồng của mình, sau đó lại giao cho người nhờ mai thai hộ nuôi, dù có bị phát hiện thì sau này cũng phát sinh nhiều hệ lụy”, đại biểu Cảnh nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại trong nhờ mang thai hộ là rất khó xác định, khái niệm mang thai hộ như dự thảo luật nêu là chưa rõ, chưa có sức thuyết phục cao. Các trường hợp vì nhân đạo mà người phụ nữ mang thai hộ phải gánh chịu những hậu quả, rủi ro từ khi mang thai đến sau sinh hoặc phải đánh đổi cả sức khỏe và tính mạng của mình; Người mang thai hộ có được xem là mẹ đẻ của đứa bé do chính mình sinh ra hay không; Người mang thai hộ thực hiện quá trình thai nghén sinh con hay là người góp tế bào trứng…. chưa được thể hiện rõ trong dự thảo luật.
“Quyền được làm cha, làm mẹ của mỗi cặp vợ chồng là chính đáng, hạnh phúc của mỗi gia đình là điều đáng trân trọng, nhưng quyền đó, hạnh phúc đó có được thực sự bền vững khi được bằng chính sức lực và khả năng của mình. Quyền và hạnh phúc có được bằng việc mang thai hộ từ sức lực của người khác vì mục đích nhân đạo với nhiều rủi ro rình rập. Tôi còn rất băn khoăn”, đại biểu Phúc nói.
Các đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Nông Thị Lâm (Lạng Sơn), Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Triệu Thị Nái (Hà Giang) cũng đề nghị phải xem xét thật kỹ vấn đề này.
“Mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ là nguyện vọng hết sức chính đáng của các cặp vợ chồng, đặc biệt các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con ngay khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nếu đứng ở góc độ của họ, có thể cơ hội được thực hiện quyền làm cha mẹ thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Điều tôi băn khoăn nhất ở nội dung này là nguyên tắc bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em. Việc quy định trẻ em là đối tượng của hợp đồng trong thỏa thuận mang thai hộ đương nhiên biến trẻ em thành hàng hóa giao dịch thì liệu ý nghĩa nhân đạo có còn tồn tại hay không? Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề mang thai hộ cần được nghiên cứu, bổ sung đầy đủ và chưa đưa vào luật ở thời điểm này”, đại biểu Thắm nói.
Cũng trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật bảo hiểm y tế. Theo các đại biểu, Ban soạn thảo đã đưa vào dự án luật nhiều nội dung mới phù hợp với thực tiễn hiện nay. Các đại biểu cho rằng, việc thực hiện BHYT bắt buộc là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, trong điều kiện hiện tại, vẫn nên để người dân tự nguyện mua BHYT, đồng thời các cơ sở khám chữa bệnh từng bước cải thiện chất lượng, dịch vụ để bảo đảm người mua BHYT được ưu tiên khám trước và được hưởng các dịch vụ cao hơn với người không mua BHYT, từ đó khuyến khích, thúc đẩy toàn dân mua BHYT. Song song với thực hiện BHYT toàn dân, các đại biểu cũng đề nghị dự luật quy định rõ các chế tài xử lý những đối tượng không đóng BHYT và xử lý nghiêm. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng có điều kiện kinh tế khó khăn vào diện được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT một phần. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.