(HNM) - Dự thảo mới nhất về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, do Bộ GD-ĐT công bố ngày 6-8, dự kiến áp dụng từ năm học 2018-2019, về cơ bản đang nhận được sự đồng tình của xã hội, bởi những điều chỉnh có tính quyết sách chiến lược.
Việc xây dựng chương trình, hoạt động giáo dục theo hướng phát triển kỹ năng thông qua dạy học tự chọn, tích hợp được ghi nhận tích cực, song thực tế, nếu không có lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của chương trình mới.
Một giờ học của học sinh Trường THPT Nhân Chính. Ảnh: Bảo Lâm |
Băn khoăn với môn tự chọn
Thông tin ghi nhận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới cấp THPT của Hà Nội ngày 10-8 là sự đồng tình, ủng hộ của hiệu trưởng các nhà trường. Theo nhận định chung, bản dự thảo lần này đã bổ sung được những điểm còn yếu, còn thiếu của giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời bắt kịp với xu thế, yêu cầu của bối cảnh mới. Một trong những nội dung tại dự thảo thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các nhà trường là việc triển khai dạy học tự chọn cho học sinh (HS). Thực tế, đây không phải là nội dung mới ở các nhà trường mà đã từng được triển khai cách đây vài năm, song cũng chính vì vậy mà mối lo lại càng rõ.
Xu thế dạy học tự chọn sẽ tạo điều kiện giúp HS phát huy tối đa khả năng, đến gần hơn với ước mơ, nghề nghiệp phù hợp trong tương lai, nhưng để đạt mục tiêu tự chọn theo đúng ý nghĩa là điều không dễ dàng. Nhiều vị hiệu trưởng nhà trường xác nhận, quá trình triển khai các nội dung tự chọn ở chương trình hiện hành, do khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên (GV), nên hầu hết HS đều phải "học tự chọn có định hướng". Tức là HS được tự chọn trong khả năng thực tế của nhà trường hiện có, chứ không phải là tự chọn theo nguyện vọng, sự yêu thích thực sự của HS. Bởi vậy mới có chuyện, cả khối vài trăm HS đều chọn ngoại ngữ hoặc tin học là môn tự chọn.
Theo dự thảo chương trình mới, cấp THPT chỉ có 4 môn bắt buộc với 9 tiết/tuần, còn lại có đến 19 tiết/tuần do HS tự chọn các môn/chuyên đề. Khi số môn và tiết tự chọn nhiều hơn gấp đôi so với số môn và số tiết bắt buộc như vậy thì các trường sẽ phải xoay xở ra sao để dạy học tự chọn được triển khai theo đúng ý nghĩa và HS "được chọn" nội dung mình yêu thích, chứ không phải "bị chọn" như hiện nay. Nếu không có các giải pháp đồng bộ và lộ trình triển khai cụ thể, rốt ráo ngay từ năm học 2015-2016, thì việc triển khai trong hai năm tới sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Bộ GD-ĐT cần tính toán kỹ, dự báo được những nguy cơ có thể xảy ra và đưa ra những giải pháp phù hợp để bổ sung trong dự thảo, làm căn cứ để cơ sở thực hiện. Với thời lượng môn tự chọn trong chương trình mới, hai rào cản lớn nhất mà các trường sẽ gặp phải là về cơ sở vật chất và đội ngũ GV. Thứ nhất, để thực hiện các nội dung tự chọn trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học, các trường phải có đủ thiết bị cần thiết, nếu không thì sẽ tái diễn tình trạng "dạy chay, học chay". Thứ hai, các trường khó có thể xoay xở, chủ động được nguồn GV để đáp ứng nhu cầu tự chọn của HS theo từng năm học, thậm chí, có thể có tình trạng thừa GV ở môn có ít HS chọn và thiếu giáo viên ở các môn HS yêu thích.
Lo lắng với dạy học tích hợp
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn học ở cả ba cấp học đều được xây dựng theo hướng tích hợp liên môn, chứ không phải tách bạch thành các môn riêng lẻ như chương trình hiện hành. Việc thiết kế như vậy nhằm giúp cho việc hình thành, phát triển các năng lực chung của HS một cách tốt nhất theo hướng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn, chứ không chỉ là ghi nhớ kiến thức thuần túy. Theo đó, hệ thống môn học được thiết kế thành các nhóm lĩnh vực như giáo dục ngôn ngữ và văn học, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ - tin học, giáo dục thể chất… Những điều chỉnh về thiết kế hệ thống môn học trong giáo dục phổ thông đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với đội ngũ GV - những người trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ "thi công" chương trình mới. Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trên 90% GV hiện nay có khả năng đáp ứng với những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, song vẫn đòi hỏi phải được bồi dưỡng thêm. Lộ trình áp dụng chương trình mới triển khai từ năm học 2018-2019, nhưng ở mức độ khác nhau, ở từng khối lớp khác nhau, nên các thầy cô giáo có nhiều thời gian chuẩn bị.
Nhận định khả quan này của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển vẫn khiến các nhà trường không bớt đi nhiều lo lắng. Liệu có xáo trộn trong đội ngũ GV các môn học hay không khi mà các môn học được thiết kế tích hợp liên môn. Làm sao để các giáo viên dạy vật lý có thể dạy được cả nội dung của môn hóa học, sinh học? Tương tự như vậy với các môn khoa học, bao gồm cả lịch sử, ngữ văn, địa lý… GV có thể đảm nhận việc giảng dạy toàn bộ các nội dung này không khi mà nhiệm vụ theo chương trình hiện hành có nhiều khác biệt? Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Wellspring Mùa Xuân (quận Long Biên) cho rằng, để thực hiện theo chương trình mới, gạt bỏ những khó khăn về cơ sở vật chất sang một bên, thì những hạn chế của đội ngũ GV hiện nay là điều rất đáng lưu tâm. GV hiện nay được đào tạo theo phương pháp cũ, nội dung đào tạo cũng đã lỗi thời, giờ phải thay đổi nội dung và có kế hoạch đào tạo lại ngay từ năm 2016, nếu không sẽ không kịp đáp ứng theo đúng lộ trình. Để bảo đảm cho việc triển khai chương trình mới hiệu quả thực chất, sau khi đào tạo lại cần phải có đánh giá về khả năng đáp ứng của từng GV, kiên quyết để lại những GV chưa đủ các điều kiện đáp ứng chương trình. Hệ thống các trường sư phạm cũng phải đi trước một bước, bắt tay vào việc đào tạo theo phương pháp mới ngay từ kỳ tuyển sinh sắp tới.
Rõ ràng, việc bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ GV để đáp ứng yêu cầu mới là một trong những công việc quan trọng nhất của Bộ GD-ĐT trong thời gian tới, bởi dù chương trình có hay đến đâu mà thiếu những người dạy giỏi thì mục tiêu, hiệu quả giáo dục cũng không thể đạt được như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.