Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bàn giao 669 kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin

Theo Hoàng Nam (TTXVN)| 27/07/2020 17:46

Ngày 27-7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức Lễ bàn giao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin năm 2020 của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công và PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học ký Biên bản bàn giao tư liệu kết quả giám định AND. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Tại buổi lễ, PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ký Biên bản bàn giao 669 kết quả giám định ADN cho Cục Người có công.

Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cho biết, hiện cả nước có trên 1,2 triệu liệt sĩ, công tác tìm kiếm, quy tập đã đưa được trên 900 nghìn hài cốt về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc; mặc dù vậy, vẫn còn hơn 200 nghìn hài cốt chưa xác định được thông tin.

Trong những năm qua, công tác định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ở nước ta được thực hiện với hai hình thức: Phương pháp phân tích di truyền (ADN) và phương pháp thực chứng (thông qua các thông tin tìm kiếm, quy tập, bằng chứng do đồng đội hoặc người dân cung cấp...). Trong đó, phương pháp giám định ADN là phương pháp khoa học và đem lại kết quả cao trong việc định danh hài cốt và tìm kiếm thông tin các liệt sĩ.

Theo PGS.TS Phí Quyết Tiến, Trung tâm Giám định ADN - Viện Công nghệ sinh học là một trong ba đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sĩ, bên cạnh Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Trung tâm khai trương ngày 25-7-2019, tại Khu nghiên cứu triển khai công nghệ Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế II, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có khả năng sử dụng các hệ máy giải trình tự ADN hiện đại nhất thế giới áp dụng vào phân tích các mẫu hài cốt. Đây là tiền đề quan trọng để trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định nhận dạng hài cốt liệt sĩ.

Quang cảnh Lễ bàn giao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin năm 2020. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Từ tháng 7-2019 đến nay, Trung tâm Giám định ADN phối hợp chặt chẽ với Cục Người có công để tiếp tục lấy mẫu giám định hài cốt liệt sĩ tại một số nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước (Vị Xuyên, Sông Mã, Việt Lào…) và đã thu thêm 389 mẫu. Từ tháng 8-2019 đến tháng 7-2020, Trung tâm tiến hành 2.870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân, kết quả thu được 669 trường hợp cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh. Tối ưu hóa quy trình giám định trên các hệ máy sẵn có của Trung tâm tăng công suất tách chiết và phân tích từ 60 mẫu/tháng (2018) lên 96 mẫu/tuần; xây dựng 4 cơ sở dữ liệu các dân tộc Kinh, Mông, Ê Đê, Tu Dí nhằm phục vụ cho công tác giám định và tăng độ chính xác cho các kết quả giám định.

Trung tâm cũng đã và đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lớn tại Hoa Kỳ như dự án USAID hỗ trợ cung cấp và nâng cao năng lực kỹ thuật để sử dụng thông tin ADN nhằm phân tích và xác định danh tích hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Các tổ chức nước ngoài như Ủy ban quốc tế về người mất tích (ICMP), Phòng thí nghiệm nhận dạng ADN của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ (AFDIL) và tập đoàn QIAGEN (Đức) cùng song hành góp phần hiện đại hóa công nghệ giám định với những mẫu khó tại Việt Nam.

Sau 1 năm khai trương và đi vào hoạt động, Trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò nòng cốt của mình trong việc giám định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các quy trình đã tối ưu để định danh cho hơn 4.000 liệt sĩ cụ thể, góp phần trả lại tên cho các liệt sĩ không biết tên và phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bàn giao 669 kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.