(HNMO) - Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá bán củ cải ngọt liên tục giảm mạnh khiến hàng trăm hộ nông dân ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) phải nhổ bỏ, tiêu hủy... gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Đáng buồn, đây không phải là “vụ” đầu tiên mà trước đó đã có dưa hấu, hoa ly, lợn hơi... cũng có thời điểm “rơi tự do”. Như vậy, vấn đề tiêu thụ nông sản luôn là bài toán nan giải và cấp bách. Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng “được mùa - mất giá” nói chung và tìm cách tiêu thụ lượng củ cải ở Mê Linh hiện nay là những nội dung “nóng” trong buổi làm việc của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội với UBND huyện Mê Linh ngày 16-3.
Khó khăn tiêu thụ củ cải ở Mê Linh. |
Hơn 1.000 tấn củ cải bí “đầu ra”
Với vẻ rầu rĩ, ưu tư, ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn Đông Cao chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 5 sào củ cải, hiện mới chỉ tiêu thụ được hơn 2 tấn, còn lại khoảng vài tấn vẫn chưa có thương lái đến thu mua. Nếu đem sấy khô phải gánh thêm chi phí mà cũng chưa có “đầu ra”, nên gia đình tôi đành nhổ bỏ để gieo trồng loại rau khác dễ tiêu thụ hơn để mưu sinh”. Tâm tư của ông Thuận đang là nỗi niềm chung của những người trồng củ cải ở Mê Linh. Tính sơ, hiện nay có tới hơn 1.000 tấn củ cải đến kỳ thu hoạch mà chưa biết “đi đâu, về đâu”...
Trao đổi về thực trạng sản xuất, tiêu thụ củ cải trên địa bàn xã, ông Vũ Văn Kỳ - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cho biết: Toàn xã có 304ha sản xuất rau, tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao khoảng 200ha, trong đó có 80ha, chiếm 26,3% diện tích sản xuất củ cải. Hiện tại khoảng 20ha đến kỳ thu hoạch, sản lượng 1.120-1.500 tấn. Tuy nhiên, phần lớn số này đang bị ứ đọng trong khi đặc thù củ cải rất khó bảo quản nên cần phải tiêu thụ gấp trong 10-15 ngày tới. Ngoài ra, tại ruộng vẫn còn khoảng 20ha đang sản xuất củ cải ở giai đoạn cây non; 20ha củ cải đang ra hoa nhưng bị nhổ bỏ (trong đó có 70% diện tích thương lái đã thu mua), gây thiệt hại từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Hiện giá củ cải bán tại thôn Đông Cao khoảng 1.500-2.000 đồng/kg; củ cải già dùng để sấy khô và muối chỉ còn 1.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá củ cải giảm chủ yếu do thời tiết thuận lợi nên cây rau phát triển nhanh, năng suất cao; mặt khác, sau Tết Nguyên đán, các cơ quan, xí nghiệp, chợ dân sinh tiêu thụ chậm. Trong khi đó, chỉ có 3-5% sản lượng củ cải bán cho doanh nghiệp, bếp ăn tập thể; phần lớn còn lại (95%) tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối nên bị ép giá.
Ông Ngô Minh Hoa - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tráng Việt cho biết: Thời điểm trước Tết, củ cải giá cao nên nông dân “gom” chờ lên giá cao hơn. Vì vậy, vào vụ thu hoạch mới cộng với thương lái không tiêu thụ được đã dẫn tới ứ đọng. Không chỉ thế, mùa này, nhiều loại rau ăn lá phát triển mạnh, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Bí thư Đảng ủy xã Tráng Việt Nguyễn Mạnh Xuyên cho biết, xã có 60 xe ô tô chuyên chở và tiêu thụ các loại rau, củ, quả cho người dân, hầu hết thương lái đều đến mua buôn tại ruộng khi củ cải được 30-35 ngày. Hiện tại, lượng lớn củ cải nông dân đã vứt bỏ đều bị già. Chưa kể, tuần tới sẽ thêm 1 lứa thu hoạch sẽ khiến lượng củ cải tồn đọng càng nhiều lên. Giải pháp tức thời được các ngành chức năng đưa ra là tích cực vận động doanh nghiệp và người tiêu dùng tiêu thụ củ cải giúp nông dân Tráng Việt.
Sản xuất cần gắn với thị trường
Để hỗ trợ người dân tiêu thụ lượng lớn củ cải ứ đọng này, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết: Siêu thị đã thu mua các mặt hàng rau, củ, quả ở thôn Đông Cao từ 5 năm nay, nhưng riêng củ cải tiêu thụ còn chậm do doanh nghiệp yêu cầu một số thông tin về nguồn gốc xuất xứ mà hợp tác xã chưa cung cấp được. Hiện tại, siêu thị đang mua củ cải của hợp tác xã 6.000 đồng/kg và bán ra thị trường 8.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với chợ dân sinh, khiến cho sản lượng tiêu thụ chậm. Tuần tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với hợp tác xã để tiêu thụ củ cải cho người dân, nhưng phải thống nhất bán một giá để không có sự chênh lệch giá giữa các siêu thị, với chợ dân sinh trong 15 ngày tới.
“Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ hợp tác xã đầu tư máy sấy củ cải để có thể tiêu thụ quanh năm, tránh dồn ứ; đồng thời, cần sản xuất theo hướng an toàn (có tem nhãn mác) và tiến tới xuất khẩu. Thực tế, nông dân sản xuất vẫn theo phương thức truyền thống. Có thời điểm, Hợp tác xã không đáp ứng yêu cầu về chủng loại cho doanh nghiệp thu mua. Để hạn chế tình trạng ứ đọng sản phẩm, Hợp tác xã dịch vụ thôn Đông Cao cần khuyến khích người dân đa dạng hóa trong canh tác, đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng...” - bà Vũ Thị Hậu chia sẻ.
Cam kết thu mua củ cải cho người dân, theo bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc siêu thị Big C The Garden cho biết: Trong tuần tới, Big C có thể tiêu thụ 10-15 tấn củ cải. Về lâu dài, siêu thị sẽ có những ký kết hợp đồng với hợp tác xã nhưng phải bảo đảm thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Tiến Hưng -Giám đốc Công ty thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam cho biết: Hiện công ty đang cung cấp 1.000 suất ăn cho các trường quốc tế và 8 cửa hàng tiêu thụ thực phẩm sạch. Do đó, chất lượng củ cải phải bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, hợp tác xã phải cam kết sản xuất đúng quy trình VietGAP. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ trưng bày điểm bán hàng củ cải giúp hợp tác xã tiêu thụ cho người dân và không lấy lãi.
Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty Tâm Thành, doanh nghiệp không thể chủ động bán hàng cho người tiêu dùng mà cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quy hoạch lại vùng sản xuất, hướng dẫn cho người dân lập kế hoạch sản xuất hợp lý, trồng theo nhu cầu của thị trường, hạn chế trồng tự phát để giảm thiểu tình trạng ứ đọng nông sản như thời gian qua. Song hành, chính quyền địa phương cần đóng vai trò kết nối người dân và doanh nghiệp thông qua hợp đồng ký kết tiêu thụ với số lượng ổn định, hạn chế việc thương lái điều hành thị trường khiến giá cả bấp bênh...
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hiện nay, hầu hết từ phương thức sản xuất đến tiêu dùng đều theo truyền thống dẫn tới tình trạng cung vượt cầu. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi phương thức sản xuất mới theo chuỗi để liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân thành lập hội sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn Đông Cao để đăng ký, xây dựng nhãn hiệu tập thể, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường và đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hàng hóa cho doanh nghiệp thu mua, hướng tới xuất khẩu. Trước mắt, Sở NN&PTNT đề nghị thành phố hỗ trợ hợp tác xã test mẫu củ cải và công bố chất lượng trên phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp yên tâm thu mua, đặc biệt là lượng đang đọng...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định: Trước mắt, Sở tiếp tục triển khai đồng loạt trên hệ thống phân phối của thành phố để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.000 tấn củ cải cho người dân. Các siêu thị nên bố trí nhiều điểm bán hàng ngoài sảnh để đông đảo người tiêu dùng biết và sử dụng. Bên cạnh đó, Sở đã liên hệ được với 2 nhà máy Bánh mứt kẹo Hà Nội và Bánh mứt kẹo Tràng An hỗ trợ cho người dân sấy khô miễn phí với công suất từ 12-20 tấn/ngày. Như vậy, Hợp tác xã cân đối lượng hàng bán tươi, còn lại sấy khô, không nên để tình trạng người dân nhổ bỏ củ cải vứt ra ngoài đồng, gây lãng phí. Huyện hỗ trợ người dân tiền vận chuyển để giảm giá thành sản phẩm. Hợp tác xã, doanh nghiệp cần lập danh sách và thời điểm xe vận chuyển vào nội thành gửi về Sở Công Thương để báo cáo UBND thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản (Bộ NN&PTNT) nhận định: Tình trạng dư thừa củ cải chỉ xảy ra cục bộ do thời tiết thuận lợi nên sản lượng cao và hệ lụy của “gom hàng chờ giá lên cao”, trước mắt, huyện cần hỗ trợ nông dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, bảo đảm hình ảnh khu sản xuất củ cải an toàn. Các siêu thị, doanh nghiệp nên tập trung thu mua sản phẩm cho người dân với giá cả hợp lý; công khai hóa chất lượng sản phẩm, thiết lập các điểm thu mua tập trung. Cục sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội giới thiệu một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sấy khô. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Để tình trạng này không lặp lại, nông dân cần đa dạng hóa cây trồng, nếu chỉ có mỗi củ cải hoặc một loại rau, củ, quả thì dễ thất bại. Trong chiến lược phát triển, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần định hướng lại sản xuất cho người dân theo nhu cầu thị trường; dựa trên điều kiện đất đai, ngoài trồng củ cải, cần trồng thêm loại rau khác nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quen sản xuất, cần gắn sản xuất với thị trường và đa dạng thị trường tiêu thụ; đặc biệt tránh phụ thuộc vào thương lái và các chợ dân sinh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.