Hà Nội kết nối

Bàn giải pháp chiến lược để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD và bền vững

Minh Tuấn 30/03/2024 - 19:38

Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo “Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD” nhằm bàn giải pháp hiệu quả để đưa thương hiệu cà phê Việt ra thị trường thế giới gắn với chiến lược phát triển cà phê đặc sản, cà phê xanh.

cf4.jpg
Hội thảo “Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD”.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Tôn vinh cà phê - trà Việt lần 2-2024” do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 30-3.

Nêu ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam, cho hay, năm 2024, giá cà phê tăng gấp đôi, chạm mốc 100.000 đồng/kg trong những ngày gần đây. Do đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng một phần nhờ giá bán cao kỷ lục. Với diễn biến hiện tại, mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD là không khó.

cf.jpg
Các đại biểu nêu giải pháp để phát triển cà phê bền vững tại hội thảo.

Tiềm năng từ hạt cà phê Việt Nam hiện rất lớn, gần như doanh nghiệp lớn ở các nước đều đã có mặt tại Việt Nam. Thực tế, cà phê Việt Nam đang là sản phẩm không thể thay thế ở thị trường châu Âu, vì vậy, cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại xuất - nhập khẩu cà phê Napoli Nguyễn Đức Hưng, băn khoăn trong việc xây dựng cà phê mang thương hiệu Việt. Theo ông Hưng, cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp cà phê. Số lượng doanh nghiệp cà phê rất nhiều nhưng việc phát triển cà phê thương hiệu Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế. Vì thế, để đạt 5 tỷ USD bền vững thì Nhà nước và các cơ quan, ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc, các giải pháp sale, marketing quốc tế để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Dưới góc độ từ người dùng thị trường nước ngoài, bà Đỗ Việt Hà, Tùy viên Thương mại, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức nêu, Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê tại thị trường này. Để cà phê Việt khẳng định được vị thế ở thị trường khó tính này, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất đến người tiêu dùng. Cần tận dụng lợi thế hiệp định kinh tế mang lại để đưa cà phê vào thị trường EU nói chung và Đức nói riêng.

Theo số liệu của Ban tổ chức đưa ra, cà phê Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường thế giới khi giá trị xuất khẩu tăng đều đặn qua các năm, từ 2,7 tỷ USD vào năm 2020 lên 4,2 tỷ USD năm 2023 và hứa hẹn cán mốc 5 tỷ USD trong năm nay.

cf2.jpg
Các gian trưng bày tại Lễ hội “Tôn vinh Cà phê - Trà Việt năm 2024".

Thế nhưng, tỷ lệ xuất khẩu cà phê nguyên liệu vẫn còn cao, sản phẩm chế biến tuy tăng nhưng mới chiếm gần 13%. Trong khi đó, tiêu thụ ở thị trường nội địa vẫn ở mức thấp, chưa xứng tầm quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới với dân số gần 100 triệu người.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân, cho rằng, ngoài việc tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến sâu, tăng cường xúc tiến thương mại, còn phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng thương hiệu lớn mạnh cho cà phê và chè Việt trên thị trường thế giới.

Chiều cùng ngày, Lễ hội “Tôn vinh Cà phê - Trà Việt năm 2024" do Báo Người Lao Động tổ chức tại Gigamall (thành phố Thủ Đức) đã khai mạc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, thưởng thức. Đây không chỉ là sự kiện văn hóa, mà còn là dịp để tôn vinh giá trị, vị thế của cà phê và trà Việt Nam, dự kiến kéo dài hết ngày 31-3.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bàn giải pháp chiến lược để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD và bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.