(HNM) - Một mâu thuẫn nhỏ tranh chấp đất tại tổ Yên Tân, thị trấn Yên Viên (Gia Lâm) đã qua nhiều cấp giải quyết, song ngày càng phức tạp, vì mấu chốt của vấn đề chưa được tháo gỡ…
Công trình của gia đình ông Đại vẫn ngổn ngang vì phải tạm dừng xây dựng.
Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, năm 1993, Công ty Xây dựng công trình 120 (Công ty 120) giao cho ông Vũ Trọng Đại quản lý, sử dụng hai gian nhà tập thể rộng 48m2 trên diện tích đất 71m2. Sau khi Công ty 120 thanh lý nhà, đất, ông Đại được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 126,1m2 tại địa chỉ số nhà 25, khu tập thể (KTT) Công ty 120, tổ Yên Tân, thị trấn Yên Viên. Năm 2009, ông Đại xin phép làm nhà, nhưng không được chấp thuận, UBND thị trấn xác nhận diện tích ông Đại đã được cấp GCNQSDĐ có một phần là ngõ đi chung của KTT. Tháng 7-2011, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội có văn bản báo cáo kết quả rà soát việc cấp GCNQSDĐ cho ông Đại, nêu rõ: Việc cấp GCNQSDĐ cho ông Đại thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngày 4-4-2012, UBND huyện Gia Lâm cấp giấy phép xây dựng cho gia đình ông Đại, nhưng khi ông Đại khởi công đã bị nhiều người trong KTT ngăn cản, gây mất trật tự khu vực.
Ông Nguyễn Khắc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên cho biết: Mặc dù ông Đại đã được cấp giấy chứng nhận, song nhiều hộ dân của KTT cho rằng việc cấp giấy chứng nhận chưa đúng, vì trong diện tích nhà ông Đại có hơn 20m2 là đất của đường đi, nếu ông Đại xây nhà thì sẽ bịt mất ngõ… Ngoài ra, nếu ông Đại xây dựng theo diện tích đã được cấp GCNQSDĐ thì một phần đất của gia đình ông Đại đã chồng lấn với diện tích của gia đình ông Lê Trí Cường (ông Cường đã được cấp GCNQSDĐ) và bịt mất lối đi của căn nhà đối diện nhà ông Đại; đồng thời sẽ khiến ngõ bị thắt "cổ chai" từ 3m xuống chỉ còn khoảng 1m. Mặt khác, so với hai nhà cùng dãy, đất của gia đình ông Đại nhô ra hơn 1m. Việc ông Đại xây nhà theo diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến 6 hộ gia đình lân cận.
Đối chiếu với một số văn bản liên quan lưu giữ tại UBND thị trấn Yên Viên, chúng tôi nhận thấy điểm vênh nhau đó bắt nguồn từ sự không thống nhất giữa thực trạng và quy hoạch của KTT. Cụ thể: Năm 1999, Công ty 120 đã lập bản đồ quy hoạch KTT để phục vụ việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân, tại bản vẽ này phần diện tích đang tranh chấp nói trên không có đường đi. Thế nhưng, các hộ dân ở đây lại cho rằng, đường đi đó hình thành từ trước năm 1976 và rộng 1,5m, sau đó đến năm 2000 được mở rộng thêm thành 3m. Tuy có sự không trùng khớp về số liệu, nhưng sau khi các hộ được cấp GCNQSDĐ, không cơ quan chức năng nào điều chỉnh lại thực trạng KTT, cũng không có văn bản nào khẳng định các hộ lấn chiếm đất công và các hộ vẫn sử dụng ổn định từ ngày đó đến nay. Năm 2009, cả ông Đại và các hộ dân cùng có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, song các cơ quan chức năng mới chỉ trả lời ông Đại, chưa trả lời các hộ dân, dẫn đến việc giải quyết không được trọn vẹn. Chính vì vậy, ngày 11-6-2012, UBND huyện Gia Lâm đã có Thông báo số 127/TB-UBND yêu cầu ông Đại tạm dừng thi công công trình, chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn của hơn 10 hộ dân về những tồn tại nêu trên.
Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân tại KTT, xác định rõ tính pháp lý đối với các GCNQSDĐ đã được cấp, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tất cả các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.