Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bán đảo Triều Tiên: Vẫn cần một niềm tin

Vân Khanh| 27/08/2011 05:29

(HNM) - Khí hậu ôn đới tuyệt đẹp hình như chẳng giúp gì cho bầu không khí chính trị sớm nắng chiều mưa trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il là tín hiệu tích cực cho việc tái khởi động vòng đàm phán sáu bên.


Chẳng còn xa lạ với sự xen cài giữa những tín hiệu hòa hoãn và căng thẳng trong mối quan hệ cực kỳ phức tạp của hai nước lâu nay. Nhưng cũng rất khó lý giải tại sao khi con đường dẫn đến bàn đàm phán sáu bên như vừa được mở ra lại lập tức vướng phải trở ngại. Hành động đáp trả của quân đội Hàn Quốc sau khi phát hiện 3 quả đạn pháo của Triều Tiên gần đường giới hạn phía bắc (NLL) hồi giữa tháng 8 dù không gây thương vong nhưng đã tổn hại đáng kể đến các nỗ lực hàn gắn những khác biệt gay gắt giữa hai miền. Thế nhưng, lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Hàn Quốc tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang và yêu cầu toàn bộ người Hàn Quốc phải rời khỏi khu vực trong vòng 72 giờ ngày 21-8 của Bình Nhưỡng được xem là bước lùi lớn của tiến trình hòa bình.

Bất chấp phản ứng quyết liệt của Seoul với tuyên bố đây là quyết định đơn phương không thể chấp nhận từ người láng giềng phía Bắc, chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-il khẳng định tiến trình chuyển nhượng tài sản tại khu nghỉ dưỡng do Tập đoàn Hyundai Asan của Hàn Quốc khởi động từ năm 1998 đã bắt đầu diễn ra. Phán quyết được đánh giá như để trả miếng việc đối tác phương Nam từ chối nối lại các tour du lịch đến dự án khai thác chung này sau vụ một nữ du khách Hàn Quốc bị lính Triều Tiên bắn chết hồi năm 2008 phản ánh rất rõ một thực tế cuộc đối thoại vì một nền hòa bình dân tộc trên bán đảo bên bờ Hoàng Hải vẫn đang được thực hiện bởi một ngôn ngữ cứng rắn từ cả hai phía mà thiếu đi sự tin cậy lẫn nhau. Hàn Quốc kiên quyết yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ và áp dụng các biện pháp an toàn cho khách du lịch, trong khi Triều Tiên một mực cho rằng đã làm tất cả những gì cần thiết.

Dư âm của sự đối lập và không khoan nhượng lại hiện rõ không chỉ qua hai vòng đàm phán về tài sản không mang lại kết quả gì mà còn ngay trong tuyên bố mới đây của Bình Nhưỡng, sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân để trả đũa việc Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận thường niên mang tên "Người bảo vệ tự do Ulchi" kết thúc vào ngày 26-8 sau 10 ngày luyện tập. Xem đây là chỉ dấu của sự thù địch nhằm vào chủ quyền của quốc gia phía Bắc, sự nhạy cảm của cả hai miền Triều Tiên với những chuyển động từ bên kia biên giới rất khó thuyết phục dư luận rằng hai bên đã tìm thấy một điểm chung để thu hẹp khoảng cách rất xa về tư tưởng. Trong bối cảnh ấy, vẫn còn đó nhiều hoài nghi về khả năng tuyên bố sẵn sàng trở lại bàn đàm phán sáu bên vô điều kiện của Chủ tịch Kim Jong-il trong chuyến thăm Nga vào tuần qua sẽ chắc chắn được hiện thực hóa. Nhất là khi triển vọng này không hoàn toàn phụ thuộc vào Bình Nhưỡng, Mátxcơva hay Bắc Kinh mà còn phải chờ quyết định từ hai đối tác quan trọng là Mỹ và Hàn Quốc.

Mặc dù vậy, thân chinh sang Nga và sau đó là Trung Quốc, hai người bạn truyền thống và cùng hiện diện trên bàn đàm phán hạt nhân, rõ ràng ngoài mục tiêu thắt chặt mối quan hệ láng giềng gần, Chủ tịch Kim Jong-il cũng thể hiện mong muốn tìm kiếm bước đột phá cho bế tắc của cuộc đối thoại có ý nghĩa sống còn với Triều Tiên. Chắc chắn là, trong mọi hoàn cảnh, sự đối đầu không có chung mẫu số với nền hòa bình lâu dài cho khu vực và sự ổn định cho Bình Nhưỡng, đặc biệt khi quốc gia Đông Bắc Á hơn bao giờ hết cần một sự hòa nhập và phát triển kinh tế vì cuộc sống ấm no của người dân. Dư luận quốc tế cũng đang chờ đợi những chỉ báo lạc quan tiếp theo từ miền đất bên bờ Hoàng Hải, trong đó thiện chí thực sự sẽ là sức mạnh để chiến thắng mọi hiềm khích và đưa tất cả các đối tác xích lại gần nhau vì lợi ích chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bán đảo Triều Tiên: Vẫn cần một niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.