(HNM) - Quan hệ Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên vừa lên mức đỉnh điểm khi ngày 11-3, Bình Nhưỡng đơn phương tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến được ký vào cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Động thái chưa từng có được Bình Nhưỡng đưa ra như lời đáp trả không khoan nhượng trước cuộc tập trận chung hải quân Mỹ-Hàn mang tên "Giải pháp then chốt" đang diễn ra ngoài khơi biển Hàn Quốc với sự góp mặt của hơn 13 nghìn binh sĩ hai nước cùng nhiều loại máy bay chiến đấu, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen và USS Fitzgerald.
Quân đội Triều Tiên được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. |
Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn kéo dài hai tuần là "giọt nước tràn ly", bởi trước khi 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp để thông qua bản nghị quyết số 2094 do Mỹ đệ trình, nhằm mở rộng các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với CHDCND Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ ba tháng 2 vừa qua, Bình Nhưỡng đã lên tiếng đe dọa hủy bỏ bản Hiệp định 60 năm tuổi này. Cùng với gia tăng các thông tin về thử hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo, cắt đường điện thoại liên lạc khẩn cấp được thiết lập giữa hai miền ở khu vực phi quân sự Panmunjeom… sự kiện CHDCND Triều Tiên đơn phương hủy bỏ một hiệp định mang tính sống còn với bán đảo đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng đã sẵn sàng với các hoạt động thù địch từ Seoul. Về lý thuyết, hai miền Triều Tiên chưa bao giờ ký một hiệp định hòa bình song phương; và về kỹ thuật hai miền vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh. Sự kiện CHDCND Triều Tiên đơn phương rút khỏi Hiệp định đình chiến ngay lập tức đẩy quan hệ liên Triều vào vùng "thời tiết" nguy hiểm vì đây là văn bản pháp lý quốc tế duy nhất ràng buộc hai miền khỏi rơi vào cuộc chiến tương tàn kể từ sau chiến tranh Triều Tiên vào giữa thế kỷ trước.
Tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến, đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu của Triều Tiên trở thành tâm điểm của dư luận khu vực cũng như thế giới suốt 24 giờ qua. Động thái cương quyết của Bình Nhưỡng có mở đường cho một cuộc chiến tổng lực giữa hai miền Triều Tiên hay không đang là câu hỏi nóng bỏng. Đặc biệt, sau khi báo chí CHDCND Triều Tiên đăng tải những thông tin rằng, "Giờ là thời điểm cho trận chiến cuối cùng" và "không ai có thể dự đoán được" điều gì có thể xảy ra trong khu vực khi ám chỉ khả năng về một vụ thử hạt nhân mới hoặc các hành động quân sự không thể dự báo từ Bình Nhưỡng.
Đáp lại tuyên bố gây sốc của Bình Nhưỡng, trong một phát biểu mới nhất người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Martin Nesirky khẳng định, Hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên vẫn có hiệu lực bởi nó được Đại hội đồng LHQ thông qua và các điều khoản trong đó không cho phép bất cứ bên nào đơn phương hủy bỏ. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh phương Tây tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt mới mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra nhằm vào ba quan chức lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên (FTB) cùng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế thứ hai của Triều Tiên Paek Se-Bong. Những quan chức này được Mỹ xác định là có liên hệ tới các vụ chuyển tiền, vi phạm lệnh cấm do LHQ đã áp đặt liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên. Cùng với Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng vừa đề xuất thêm một dự thảo nghị quyết kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra về quyền con người tại CHDCND Triều Tiên như một áp lực mới nhằm buộc Bình Nhưỡng phải xem xét chương trình hạt nhân đang theo đuổi. Những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên - cho dù đến nay tiềm lực quân sự thực sự của hai bên, đặc biệt là "ván bài" hạt nhân của Triều Tiên vẫn trong vòng bí ẩn - không khỏi khiến dư luận khu vực và quốc tế liên tưởng đến một cuộc chiến đã cận kề. Thế nhưng, một cuộc chiến nếu xảy ra hiển nhiên là không có lợi cho cả đôi bên cũng như khu vực và thế giới.
Căng thẳng suốt 24 giờ qua trên bán đảo Triều Tiên, nhất là sau lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại các đơn vị tiền tiêu trên biên giới ở Hoàng Hải với "các đòn tấn công hỏa lực không thương tiếc nếu kẻ thù có hành động khiêu khích" đang làm dấy lên quan ngại hai miền Triều Tiên đã cận kề thùng thuốc súng và chỉ một đốm lửa nhỏ cũng có thể gây bùng nổ khó đoán định. Do đó, chìa khóa duy nhất có thể tháo ngòi nổ trên bán đảo Triều Tiên vào lúc này là sự bình tĩnh và kiềm chế khôn ngoan của các bên liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.