(HNM) - Ngày 11-12, lần đầu tiên sau hai năm, Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức cuộc hội đàm liên Chính phủ tại Khu công nghiệp chung Kaesong để thảo luận cách thức cải thiện mối quan hệ liên Triều trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang kể từ hồi tháng 8-2015.
Ngay trước cuộc hội đàm cấp thứ trưởng này diễn ra, Triều Tiên đã cảnh báo Hàn Quốc rằng hai bên có thể sẽ không đạt được tiến bộ nào nếu Seoul không chứng tỏ sự chân thành trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều. Ngoài ra, Triều Tiên còn cáo buộc Hàn Quốc phá hoại bầu không khí của cuộc hội đàm bằng cách tiếp tục khiêu khích nước này và hùa với Mỹ chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nước này.
Mặc dù chương trình nghị sự của cuộc hội đàm chưa được tiết lộ, song nhiều người cho rằng phía Hàn Quốc quan tâm tới vấn đề tổ chức thêm các đợt đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Lần đoàn tụ gần nhất của những gia đình bị chia ly diễn ra vào tháng 10, nhưng Seoul muốn các hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn. Còn Bình Nhưỡng sẽ đặt ra những vấn đề có thể giúp nước này phát triển kinh tế, bao gồm việc nối lại các chuyến du lịch đến khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang. Hoạt động này bị chấm dứt vào năm 2008, khi một binh sĩ Triều Tiên bắn chết du khách Hàn Quốc. Có những dự báo rằng nhiều khả năng Seoul sẽ không chấp thuận đề nghị này, trừ phi Bình Nhưỡng xin lỗi và giải thích rõ ràng về sự cố.
Một vụ nổ bom nhiệt hạch - loại bom Triều Tiên vừa tuyên bố đã sản xuất được. |
Mặc dù cuộc hội đàm liên Chính phủ được cho là một bước đi nhằm giảm nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, song các nhà phân tích không kỳ vọng vào một kết quả đột phá vì vấn đề cốt lõi giữa hai bên vẫn chưa được đề cập và giải quyết trong nội dung nghị sự. Đó chính là chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Hàn Quốc chắc chắn sẽ không nhượng bộ đối với vấn đề này còn Bình Nhưỡng cũng sẽ bảo vệ quan điểm của mình.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn bác bỏ đề xuất nối lại đàm phán về hạt nhân, vốn đã đình trệ từ năm 2008. Không dừng lại ở đó, ngày 10-12, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn tuyên bố Bình Nhưỡng đã phát triển được bom nhiệt hạch (bom H hoặc bom khinh khí) - một loại bom có sức công phá lớn hơn cả bom nguyên tử. Thậm chí, ông Kim Jong-un còn cảnh báo sẽ kích nổ bom A, bom H để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình huống cần thiết. Mặc dù, cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên có khả năng chế tạo bom H, nhưng những vấn đề liên quan tới hạt nhân sẽ là rào cản cho bất kỳ kế hoạch hòa giải nào.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 10-12, Trung Quốc, Nga, Venezuela và Angola đã thất bại trong việc ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức cuộc họp thứ hai về tình trạng nhân quyền tại Triều Tiên. Chín nước ủng hộ LHQ mở cuộc họp này gồm: Mỹ, Pháp, Jordan, Lithuania, Malaysia, New Zealand, Chile, Tây Ban Nha, Anh. Nigeria và Chad bỏ phiếu trắng. Động thái này có thể khiến Bình Nhưỡng bất bình và có những phản ứng.
Thực tế đã chứng minh, không ít lần các nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra các phát ngôn và biện pháp trả đũa những chỉ trích từ bên ngoài nhằm vào Bình Nhưỡng. Cụ thể, năm 2013, sau khi bị LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân lần thứ 3, làm leo thang tình trạng đối đầu giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, sự việc hiện nay không giống với tình hình của hai năm trước. Nhưng với những khác biệt chưa được rút ngắn, khả năng nối lại đàm phán 6 bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như những cải thiện tích cực trong mối quan hệ liên Triều cũng như giữa Bình Nhưỡng với các bên liên quan vẫn chưa tới gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.