Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bán đảo Triều Tiên: Hy vọng mong manh

Đình Hiệp| 07/01/2011 07:02

(HNM) - Trái với không khí căng thẳng bao trùm trong những ngày cuối năm sau vụ nã pháo ở khu vực đảo Yeonpyeong (Hàn Quốc) cùng một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật liên tiếp của Seoul, hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa đã hé mở trong những ngày đầu năm mới 2011.

Đặc phái viên Mỹ Stephen Bosworth trở lại Đông Bắc Á để tìm giải pháp cho bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Nếu như Sách Trắng quốc phòng được Chính phủ Hàn Quốc công bố vào ngày cuối cùng của năm 2010 vẫn kiên quyết gọi chính quyền cũng như quân đội Triều Tiên là "kẻ thù" khi lên án Bình Nhưỡng khiêu khích quân sự và đe dọa nghiêm trọng an ninh của Hàn Quốc, thì Thông điệp năm mới 2011 của Tổng thống Lee Myung-bak một lần nữa lên tiếng khẳng định cánh cửa đối thoại liên Triều "vẫn mở". Cùng với đó Hàn Quốc cũng để ngỏ khả năng thảo luận để nối lại đàm phán sáu bên qua cánh cửa đối thoại liên Triều.

Quyết tâm đạt được hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á cũng như phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên cũng đã nhận được phản ứng tích cực của Bình Nhưỡng. Với khẩu hiệu "Hãy để tất cả người Triều Tiên ở miền Nam, miền Bắc và ở nước ngoài cùng nỗ lực để mang lại một giai đoạn mới cho sự tái thống nhất độc lập", các bài xã luận trên ba tờ báo hàng đầu ở Triều Tiên cũng kêu gọi chính quyền Hàn Quốc từ bỏ chính sách đối đầu và tôn trọng các tuyên bố chung đạt được giữa hai bên; đồng thời tích cực nỗ lực nhằm tạo bầu không khí đối thoại và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên bằng cách đặt lợi ích chung lên trên hết.

Ngoài vụ đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc tháng 3-2010, vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong và các cuộc tập trận liên tiếp của Hàn Quốc trên Hoàng Hải, nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là do các bên không chịu nhượng bộ và chính gây sức ép của Mỹ với Triều Tiên khiến quan hệ trên bán đảo này luôn trong trạng thái căng thẳng, thiếu tin cậy lẫn nhau.

Vì thế, ngay sau khi Triều Tiên bày tỏ ý định trở lại bàn đàm phán sáu bên, các bên liên quan đã tích cực đẩy mạnh hoạt động ngoại giao con thoi. Cùng các tín hiệu tích cực từ Hàn Quốc và Triều Tiên, sự trở lại Đông Bắc Á trong chuyến công du Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (từ ngày 4 đến 6-1) của đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Bosworth cho thấy, Mỹ cũng đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại liên Triều - cánh cửa quan trọng mở ra vòng đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Hơn bao giờ hết bán đảo Triều Tiên cần một giải pháp hạ nhiệt trong bối cảnh hiện nay và "liều thuốc" công dụng nhất là các bên ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, những thông tin về cuộc tập trận hỗn hợp chống đổ bộ nhằm nâng cao khả năng đối phó của quân đội do lực lượng thủy quân lục chiến và hải quân Hàn Quốc sẽ tiến hành cuối tuần này, trong đó có kế hoạch đổ bộ bất ngờ lên các hòn đảo gần đường giới tuyến trên Hoàng Hải, có thể sẽ là gáo nước lạnh làm tiêu tan hy vọng mong manh về bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa trong những ngày đầu năm mới này.

Cánh cửa đối thoại phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã từng không ít lần bị đóng lại, nay lại có cơ hội được mở ra. Song, cánh cửa đó đóng hay mở không quan trọng bằng việc các bên liên quan có đủ nỗ lực, thiện chí để ngồi vào bàn đàm phán hay không. Câu trả lời cho câu hỏi này vẫn còn đang để ngỏ.

Ngày 6-1, trong phản ứng mới nhất của Hàn Quốc trước đề nghị của Triều Tiên tiến hành đối thoại vô điều kiện, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Seoul đã bác bỏ đề nghị của Bình Nhưỡng và cho rằng đó chỉ là hành động "mang tính tuyên truyền". Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã kêu gọi sớm nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan cùng nỗ lực để sớm nối lại đàm phán, vì đối thoại là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bán đảo Triều Tiên: Hy vọng mong manh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.