Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bán đảo Triều Tiên: Căng thẳng gia tăng

Đình Hiệp| 28/05/2010 05:52

(HNM) - Hai miền Triều Tiên tiếp tục lâm vào căng thẳng sau khi CHDCND Triều Tiên (ngày 26-5) cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới với Hàn Quốc; đồng thời khai hỏa phá hủy hệ thống phóng thanh Hàn Quốc đặt dọc biên giới hai miền. Đây là bước đi cứng rắn tiếp theo của Bình Nhưỡng sau khi tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Seoul (ngày 24-5 vừa qua).

Tàu Hàn Quốc nổ súng trong cuộc tập trận ngày 27-5.


Cùng với hành động đáp trả trên - sau khi (ngày 20-5) Hàn Quốc tuyên bố CHDCND Triều Tiên đánh đắm tàu chiến tuần tra Cheonan - Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ cấm nhân viên cũng như các phương tiện giao thông của Hàn Quốc sử dụng tuyến đường sắt và đường bộ dẫn đến Khu công nghiệp Kaesong vốn được coi là "biểu tượng" của tình hữu nghị và sự hợp tác kinh tế giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Hiệp định liên Triều nhằm ngăn chặn những xung đột dọc khu vực biên giới biển phía tây cũng vừa được Bình Nhưỡng dự kiến sẽ "hủy bỏ hoàn toàn". CHDCND Triều Tiên cho rằng, những ngày qua, Seoul đã lợi dụng vụ chìm tàu chiến Cheonan để châm ngòi cho cuộc đối đầu giữa hai miền, phục vụ cho mục tiêu chính trị. Vì vậy, quân đội Triều Tiên sẽ tiến hành "cuộc chiến tranh tổng lực" để đối phó với bất cứ động thái đối đầu nào từ Seoul.

Những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên khiến dư luận không khỏi lo ngại về một cuộc đua vũ trang mới giữa hai miền. Nhận định này có cơ sở hơn khi (ngày 27-5), Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chống tàu ngầm quy mô lớn tại vùng biển ngoài khơi thị trấn Taean. Với sự có mặt của 10 tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục trọng tải 3.000 tấn cùng 3 tàu tuần tra, cuộc tập trận chỉ trong vòng 24 giờ là cuộc biểu dương sức mạnh quân sự trên biển đầu tiên của Seoul sau vụ chìm tàu Cheonan. Dường như chưa bao giờ quân đội Hàn Quốc và Mỹ lại được đặt trong tình trạng báo động cao như hiện nay, kể từ sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần hai tháng 5 năm ngoái. Hàn Quốc dự định sẽ thực hiện hai cuộc diễn tập quân sự tiếp theo và lớn với Mỹ ở bờ biển phía tây vào tháng 7 tới.

Cuộc đối đầu trên bán đảo Triều Tiên ngày càng phức tạp khi nỗ lực tìm kiếm các biện pháp trừng phạt về kinh tế, ngoại giao, quân sự của Hàn Quốc với Triều Tiên nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Không chỉ lên tiếng ủng hộ Hàn Quốc, trong chuyến thăm Seoul (ngày 26-5), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn kêu gọi cả cộng đồng quốc tế vào cuộc; đồng thời khẳng định sẽ tham vấn các thành viên trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để có hành động thích hợp.
Căng thẳng xung quanh vụ đắm tàu Cheonan giữa Hàn Quốc và Triều Tiên khiến hy vọng khôi phục đàm phán hạt nhân 6 bên về hạt nhân của Bình Nhưỡng bị dập tắt. 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ - đồng thời là đối tác quan trọng trong đàm phán sáu bên - đang bất đồng quan điểm về vụ đắm tàu Cheonan. Trong khi Hàn Quốc và Mỹ quyết tâm đưa vụ chìm tàu Cheonan lên HĐBA thì Trung Quốc và Nga lại không đồng ý. Nga khẳng định sẽ cử các chuyên gia tới Hàn Quốc để trực tiếp tìm hiểu kỹ kết quả điều tra vụ chìm tàu; đồng thời khẳng định không có ý định thảo luận vụ Cheonan tại HĐBA LHQ chừng nào chưa có trong tay "100% bằng chứng xác thực rằng CHDCND Triều Tiên có liên quan tới vụ việc".

Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì hai nước chưa có hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến 1950-1953. Trong bối cảnh như vậy, hậu quả cuộc đối đầu tiếp tục gia tăng như hiện nay thật khó lường. Thế nhưng, với những lợi ích ràng buộc vốn có, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều không dễ dàng "nhấn nút" cho một "cuộc chiến tranh tổng lực" như từng tuyên bố trong những giờ qua. Tuy nhiên, nguy cơ đụng độ ở vùng biển tranh chấp giữa hai miền vẫn còn hiện hữu. Điều này khiến dư luận khu vực và cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại và không trông đợi những nấc căng thẳng tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bán đảo Triều Tiên: Căng thẳng gia tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.