(HNMO) - Sáng 19-11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI khai mạc Hội nghị lần thứ mười một dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy và các đồng chí Thường trực Thành uỷ.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVI khai mạc Hội nghị lần thứ mười một. |
Dự hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương có đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Kinh tế, Ban Nội chính Trung ương.
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Thành uỷ viên; lãnh đạo UB MTTQ thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; lãnh đạo các ban Đảng, Văn phòng Thành uỷ; uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ; trưởng các ban HĐND thành phố; Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng HĐND thành phố; Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô; giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị của thành phố; bí thư các quận, huyện, thị uỷ và đảng uỷ trực thuộc Thành uỷ...
Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội họp bàn nhiều nội dung quan trọng: Quán triệt kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2018; chủ đề công tác năm 2018 của thành phố.
Hội nghị cũng nghe báo cáo và thảo luận về kế hoạch tài chính, ngân sách thành phố 3 năm 2018 -2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 (hoàn chỉnh) của thành phố; báo cáo về bổ sung danh mục công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận
Quán triệt kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ngày 7-11-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 22 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng |
Tại phiên họp ngày 20-10-2017, sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận, kết luận những kết quả đạt được và hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này.
Về các kiến nghị, đề xuất của Hà Nội, Bộ Chính trị đồng ý với các kiến nghị của Thành ủy, trước hết cần thực hiện kịp thời và có hiệu quả nội dung sau:
Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc sửa đổi một số luật có liên quan và bố trí kinh phí hỗ trợ để thành phố Hà Nội thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng trên địa bàn;
Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo sửa đổi một số nghị định có liên quan, xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc, phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nghề; quy chế, cơ chế phối hợp giữa tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; tăng cường phân cấp hoặc ủy quyền cho Hà Nội phê duyệt quy hoạch và các dự án đầu tư, phê duyệt đề án vị trí việc làm;
Đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật...
Văn phòng Trung ương Đảng theo dõi đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, giúp Ban Bí thư định kỳ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 11 và Kết luận số 22.
Bộ Chính trị sẽ tiến hành tổng kết Nghị quyết số 11 vào cuối năm 2020.
Tất cả chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều hoàn thành kế hoạch
Nêu một số kết quả toàn diện về thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, đạt 8,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra; thu ngân sách vượt kế hoạch; thu hút vốn đầu tư tăng cao; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được bảo đảm; sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; "Năm kỷ cương hành chính 2017" có chuyển biến rõ nét; quản lý đô thị được đẩy mạnh, cây xanh, chiếu sáng, chỉnh trang đường phố được đổi mới; quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè được chấn chỉnh, có bước tiến bộ; xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tích cực; quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm; đối ngoại được mở rộng...
Đáng chú ý, tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội dự kiến đều hoàn thành kế hoạch, trong đó thu ngân sách trên địa bàn vượt 1,4% dự toán; 6 chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt kế hoạch gồm: kim ngạch xuất khẩu, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước đô thị, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng chỉ ra một số hạn chế, trong đó có việc triển khai thực hiện nhiệm vụ do trung ương đề ra trên một số lĩnh vực còn chậm, thiếu những chủ trương, biện pháp đủ mạnh, chỉ đạo chưa quyết liệt...
Hai chủ đề công tác năm 2018 của thành phố
Trong bối cảnh trung ương chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại bộ máy, cải cách hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đề xuất hai chủ đề của năm 2018 để thành phố tập trung chỉ đạo, điều hành gồm:
Chủ đề 1: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Chủ đề 2: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp.
Trên cơ sở chủ đề này, thành phố đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018: Tập trung khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy thành lập doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút, thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư nước ngoài; tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm; rà soát và có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng thiếu trường học công lập tại các khu vực đô thị hoá cao; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường; bảo đảm an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch, bảo đảm xử lý chất thải rắn; tiếp tục chương trình trồng 1 triệu cây xanh, hạ ngầm cáp điện, thông tin trên các tuyến phố...
|
Dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm đạt 763.947 tỷ đồng
Theo báo cáo về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 3 năm 2018 – 2020, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn thành phố năm 2017 ước thực hiện 207.628 tỷ đồng (đạt 101,4% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 15,7% so với năm 2016); chi ngân sách địa phương ước thực hiện 76.508 tỷ đồng (đạt 98% dự toán HĐND thành phố giao).
TP Hà Nội đề ra kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2018 - 2020 với mục tiêu phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách, bảo đảm nguồn lực thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; bảo đảm hoạt động của các cấp, các ngành và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo đó, kế hoạch thu NSNN trên địa bàn thành phố trong 3 năm dự kiến đạt 763.947 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 697.736 tỷ đồng (chiếm 91,3%); thu từ dầu thô 3.900 tỷ đồng (chiếm 0,5%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 62.311 tỷ đồng (chiếm 8,2%).
Dự kiến chi NSNN thành phố 3 năm là 296.796 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 130.000 tỷ đồng (chiếm bình quân 44% tổng chi ngân sách địa phương); chi thường xuyên 139.007 tỷ đồng (chiếm bình quân 46,8% tổng chi ngân sách địa phương).
Nỗ lực hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, rác thải
Đóng góp ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, đồng chí Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội nông dân TP Hà Nội cho rằng, tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2017 đạt 8,5% là kết quả đáng ghi nhận, bởi 6 tháng đầu năm nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả này cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, đóng góp tích cực vào việc 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước năm 2017 đạt và vượt kế hoạch.
Đồng chí Trịnh Thế Khiết cũng đánh giá cao kết quả mà thành phố đạt được về đầu tư (TP Hà Nội đứng thứ 14/63 tỉnh, thành); xây dựng nông thôn mới (kế hoạch đề ra là 22 xã thực hiện, đến nay, đã có 30 xã hoàn thành nông thôn mới); vượt thu ngân sách 1,4%... Tuy nhiên, cũng như nhận định trong báo cáo của thành phố, sự phát triển này chưa xứng với tiềm năng; công tác phòng chống dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy, cải cách hành chính của thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế...
Để phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Chủ tịch Hội Nông dân kiến nghị thành phố đôn đốc xử lý các công trình xây dựng để quá lâu chưa khởi công xây dựng; tăng cường hệ thống đê kè, nhất là ở những nơi xung yếu; đẩy nhanh việc hạ ngầm dây cáp điện; xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị |
Làm rõ thêm những ý kiến đóng góp của Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hạ ngầm cáp viễn thông là vấn đề đã được nêu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2017. Từ đó đến nay, thành phố đã chuyển dần việc hạ ngầm cáp viễn thông và đường điện cho EVN Hà Nội và các đơn vị Vinaphone, Mobifone, Viettel, FPT... năm 2017, phấn đấu 71 tuyến phố sẽ hoàn thành hạ ngầm. Tới năm 2020, cố gắng hoàn thành ở 12 quận.
Về xử lý rác thải, hiện thành phố đang thực hiện rất bài bản. Tập thể Ban cán sự thành phố đã họp về xây dựng nhà máy đốt rác và đầu tư thêm 4 nhà máy xử lý rác thải, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 2/4 nhà máy theo kế hoạch.
Liên quan tới xử lý nước thải, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, gói thầu xử lý nước thải Yên Xá đã khởi động, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý IV-2019. Sau khi đi vào sử dụng, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày đêm, thu gom nước thải trên phạm vi các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì.
Về xử lý nước tại các khu đô thị thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Về xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, năm 2018, thành phố sẽ khởi động tất cả các nơi chưa có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, quá trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải phải được tính toán rất kỹ lưỡng vì thế giới hiện đang thay đổi công nghệ, cần thận trọng và lựa chọn công nghệ phù hợp.
(HNMO) - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, cùng với sự vào cuộc của các quận, huyện, công tác thu ngân sách năm 2017 đã đạt 101,4%, tăng 15,7% so với cùng kỳ. |
Tạo quỹ đất sạch để thúc đẩy đầu tư
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố cơ bản đã đạt được các nội dung về quản lý nhà nước như: Duy trì thường xuyên tổ chức giao ban nắm bắt thông tin, tổ chức tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất; các doanh nghiệp luôn là đối tượng được ưu tiên hàng đầu trong cơ chế hỗ trợ của thành phố, như hỗ trợ vốn vay, lãi suất sau đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực; doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp giữ vững sản xuất, tạo đà tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động, luôn đầu tư đổi mới thiết bị…
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần được đổi mới trong năm 2018. Tiêu biểu như trong hạ tầng thương mại, công tác kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đầu tư thương mại ở các chợ. Giám đốc Sở đề nghị nên giải phóng mặt bằng, san nền, tạo quỹ đất sạch rồi mới tiến hành đấu thầu để giúp mảng thương mại truyền thống có thể phát triển được.
"Hay như về các chợ đầu mối, nhiều năm qua chúng ta tập trung kêu gọi xã hội hóa đầu tư chợ đầu mối nhưng nay vẫn chưa đầu tư được chợ nào cả. Điều này cũng cần quan tâm và cần có quỹ đất sạch", Giám đốc Sở Công Thương nói.
Một vấn đề nữa cần quan tâm trong thời gian tới là cải thiện môi trường đầu tư. Đến nay, thành phố đã thực hiện khá tốt công tác cải cách hành chính theo các quy định mới và đã đạt kết quả tích cực. Năm 2018, thành phố phấn đấu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 40% thủ tục hành chính; năm tiếp theo là 70% đạt mức độ 3.
Giám đốc Sở Công Thương cũng đánh giá, việc giải quyết những tồn tại cũ đối với lĩnh vực công thương vẫn chậm. Cụ thể là việc cấp giấy chứng nhận đối với các đơn vị kinh doanh của khối thương mại và công nghiệp. Do đó, thành phố cần sớm tháo gỡ việc này và sớm xử lý các vấn đề về thuế. Nếu quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính thì khó khăn của doanh nghiệp sẽ bớt đi, góp phần đạt chỉ tiêu của thành phố về phát triển kinh tế - xã hội.
(HNMO) - Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong lĩnh vực giao thông, năm 2017, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố và các quận, huyện đã quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo thực hiện 23 nội dung tồn tại với kế hoạch cụ thể, đạt được kết quả rõ nét. |
Toàn thành phố giảm khoảng 14.000 hộ nghèo
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho biết, năm 2017, lĩnh vực đào tạo nghề của thành phố phát triển tốt, có 60,66% người lao động được đào tạo.
Năm qua, toàn thành phố giảm được khoảng 14.000 hộ nghèo, trong đó quận Cầu Giấy không có hộ nghèo. Một số quận có số hộ nghèo thấp như quận Tây Hồ còn 40 hộ, quận Thanh Xuân là 30 hộ. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố không còn xã nghèo và thôn nghèo. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, kết quả này đạt được là do thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tích cực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo khá cao như: Ba Vì, Mỹ Đức...
Theo kế hoạch, trong năm 2018, toàn thành phố sẽ giảm khoảng 0,3% hộ nghèo, tương đương 5.600 hộ; cuối năm 2018 sẽ còn 1,4% hộ nghèo và theo lộ trình, năm 2020 chỉ còn 1% hộ nghèo.
Về chính sách với người có công, năm nay, thành phố thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động thiết thực như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa đã thực hiện được 370% kế hoạch; tặng sổ tiết kiệm được 261% kế hoạch; không còn hộ người có công thuộc diện nghèo và cận nghèo...
Đề cập rõ hơn hạn chế, khuyết điểm của năm 2017
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đề nghị, báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội nên bổ sung những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 bắt nguồn từ công tác dân vận của chính quyền các cấp, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Cụ thể, công tác dân vận của chính quyền các cấp đã có bước tiến rất tốt trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nắm rõ chủ trương, nhiệm vụ, giảp pháp trọng tâm năm 2017, từ đó ủng hộ thực hiện. Các ngành, các cấp cũng đã đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước...
Cũng theo đồng chí Vũ Hồng Khanh, mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của thành phố còn chung chung, khi đối chiếu với các nhiệm vụ, giải pháp chưa thật sự đồng bộ. Ngoài ra, những hạn chế, khuyết điểm của năm 2017 nên được đề cập rõ hơn để tạo chuyển biến, khắc phục rõ nét trong năm tới.
Cùng tham gia góp ý vào các báo cáo được trình tại Hội nghị, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang kiến nghị, trong năm 2018, thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, đầu tư ngân sách cho xây dựng trường học, bởi hiện nay, tình trạng quá tải trong các cấp học là rất lớn. Đơn cử huyện Đông Anh đã dành 60% tổng kinh phí đầu tư cơ bản cho lĩnh vực xây dựng trường học, song vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế.
Tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô phát triển xứng tầm
Đánh giá về những kết quả mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong năm 2017, đồng chí Trần Viết Lưu, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, một năm trở lại đây, Hà Nội đã có sự bứt phá đáng trân trọng. Tư duy của Hà Nội đã đi theo hướng bài bản, tổng thể, có chiến lược. Toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, qua điều tra dư luận của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hà Nội, có một số nguyện vọng mà người dân mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa như việc xây dựng chung cư, cải thiện môi trường, giao thông và công tác làm đẹp Thủ đô cần được quản lý chặt chẽ hơn.
Đồng chí Trần Viết Lưu cho biết, lãnh đạo trung ương đánh giá, Hà Nội rất nhiều triển vọng. Tại Nghị quyết Trung ương 6 cho thấy, có 5 vấn đề Hà Nội đi trước. Bộ Chính trị đánh giá cao Hà Nội khi làm việc với tập thể lãnh đạo thành phố về thực hiện Nghị quyết số 11... Nhiều vấn đề trong phát triển Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội đồng ý về chủ trương nhằm tạo cơ chế đặc thù để triển khai Luật Thủ đô, giúp Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế đầu tàu của cả nước.
Đồng chí Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cũng bày tỏ sự ấn tượng với tăng trưởng của Hà Nội, không chỉ về con số mà còn là những thay đổi trong thể chế điều hành, quản lý.
Góp ý về phát triển nông nghiệp nông thôn, đồng chí nhận xét, Hà Nội vẫn còn lúng túng, chưa định hình được mô hình phát triển nông nghiệp ven đô. Mô hình này phải là nơi lan toả về công nghệ và chia sẻ với đô thị. Thành phố cần có nghiên cứu kỹ hơn về quy hoạch để thu hút đầu tư.
"Về công nghiệp, không chỉ Hà Nội mà nhiều nơi đang chững lại với sự "bối rối" trong mô hình phát triển. Hà Nội phải có chính sách để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đổi mới khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Ngoài ra, thành phố cũng phải đi đầu trong liên kết với các tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm để xây dựng mô hình tăng trưởng đổi mới", đồng chí Vũ Trọng Bình nêu một số kiến nghị.
Giảm chi thường xuyên, Hà Nội dự kiến tiết kiệm 1.800 tỷ đồng
Phát biểu làm rõ nhiều vấn đề mà các đại biểu nêu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội đề xuất 55 dự án trọng điểm nhưng trên tinh thần không phải trong nhiệm kỳ này bắt buộc phải hoàn thành tất cả dự án, mà những dự án lớn cần có thời gian chuẩn bị.
"Các thủ tục dự án TPP và dự án trọng điểm nhóm A về cơ bản thành phố đang thực hiện đúng tiến độ và khẩn trương. Để phục vụ cho những dự án này, các nguồn lực giải phóng mặt bằng, nhà tái định cư (gần 20.000 căn hộ) cơ bản đáp ứng đủ lộ trình. Bên cạnh đó, thành phố vẫn xây dựng cơ chế cho người dân tự nguyện lấy tiền chứ không phải bắt buộc tái định cư" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Về thực hiện đơn giản hoá các thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, qua rà soát, năm 2017 đạt 48%, tuy không đạt mục tiêu năm 2017 đề ra nhưng đã vượt xa so với lộ trình Chính phủ yêu cầu đến năm 2020 là 20%.
Trong giải quyết đơn thư, theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, năm 2017, số đơn thư trên địa bàn Hà Nội gửi Thanh tra Chính phủ và các bộ, ban, ngành giảm 36% vì thành phố đã tập trung giải quyết, giảm việc khiếu kiện, gửi đơn thư vượt cấp. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Công tác này đang có nhiều chuyển biến. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung giải quyết điểm nóng, đơn thư khiếu kiện kéo dài, qua đó kéo giảm những phức tạp về an ninh nông thôn và tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp".
Về nhiệm vụ quản lý chi ngân sách, theo Chủ tịch UBND thành phố, ngay từ đầu năm 2016, thành phố đã chỉ đạo sát sao, quản lý chặt chẽ nguồn thu. Nhờ giảm chi thường xuyên, năm 2016, Hà Nội tiết kiệm được 2.500 tỷ đồng và năm nay dự kiến tiết kiệm được 1.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, 62% các dịch vụ công đã được chuyển từ cơ chế đặt hàng sang đấu thầu để doanh nghiệp tư nhân tham gia rộng rãi vào cung cấp dịch vụ công cho thành phố.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đã giải đáp và cung cấp thông tin về việc cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch, quản lý nhà chung cư và các nguồn thu có dư địa tăng trong năm tới của Thủ đô.
Nhận rõ hạn chế để có giải pháp khắc phục
Phát biểu kết luận Hội nghị, tán thành với các ý kiến đánh giá kết quả cũng như những vấn đề còn hạn chế, thách thức của năm 2017, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho thành phố trong năm 2018 tới đây là hết sức nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu đạt những chỉ tiêu đề ra.
"Tất cả những hạn chế, tồn tại phải đi kèm những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Chúng ta phải thẳng thắn hơn nữa trong việc chỉ ra những khuyết điểm, để có tinh thần khắc phục, có giải pháp đột phá cần thiết. Những tồn tại có thể gọi là những khoản "nợ" của chúng ta như trong xây dựng cơ bản, thuế, bảo hiểm xã hội, trong quản lý quy hoạch, kiến trúc, trong vấn đề xử lý rác, nước thải liên quan đến môi trường.... ", Bí thư Thành ủy chỉ rõ.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị |
Người đứng đầu Thành ủy yêu cầu trách nhiệm, quyết tâm cao hơn của các cấp, các ngành toàn thành phố trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư; trong quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển không gian xanh, giữ gìn trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, trồng 1 triệu cây xanh...
Một số nhiệm vụ khác cần tập trung là việc triển khai đồng bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng và tại các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Triển khai đồng bộ cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin. Tập trung giải quyết, thực hiện các Kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản nhà nước. Đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội, Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều.
Chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh và các hoạt động đối ngoại. Tập trung xây dựng lực lượng bảo đảm chỉ tiêu tuyển quân, tăng cường huấn luyện, bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn Thủ đô. Mở rộng quan hệ hợp tác và phát triển với các địa phương trong Vùng Thủ đô, trong và ngoài nước.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng quán triệt trong Đảng bộ về việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, tăng cường tuyên truyền, quán triệt ở các cấp, các ngành, có liên hệ sâu sắc với những hạn chế, khuyết điểm ở từng địa phương, đơn vị; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị trong thời gian tới.
* Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy đọc dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười một Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVI. 100% đại biểu đã biểu quyết tán thành nghị quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.