Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bám sát, phù hợp thực tiễn

Quỳnh Anh| 10/04/2023 06:51

(HNM) - Văn bản pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập một trật tự pháp luật vì sự phát triển lành mạnh của cả xã hội và của từng cá nhân. Một quốc gia có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, chính xác, khoa học, toàn diện thì sẽ có nhiều thuận lợi trong việc quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi của con người, tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển.

Với nước ta, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật luôn được chú trọng thực hiện. Đơn cử, chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Chính phủ tổ chức 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 16 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật... Kết quả là chúng ta đã có những bước tiến dài và thành công trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, với một hệ thống văn bản pháp luật khá đồ sộ được ban hành và áp dụng trong thực tiễn.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Song, bên cạnh những tín hiệu tích cực, chất lượng văn bản pháp luật của nước ta vẫn chưa được như kỳ vọng, còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản; nhiều văn bản pháp luật chưa đạt chất lượng, ở mức độ nhất định vi phạm quy định của văn bản luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích của người dân...

Việc ban hành một văn bản pháp luật tốt, có chất lượng sẽ là tiền đề quan trọng bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả thi hành. Nếu trong quá trình xây dựng mà không xem xét, đánh giá đầy đủ những điều kiện, yếu tố bảo đảm cho quá trình thi hành phù hợp với thực tiễn thì văn bản pháp luật đó sẽ không có tính khả thi, chỉ tồn tại “trên giấy” hoặc sớm trở nên lạc hậu so với thời cuộc. Chính vì vậy, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3-2023 tổ chức vào ngày 27-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu”.

Thực tế cho thấy, do không sát với thực tiễn, thiếu khả thi, hoặc xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành, nhiều văn bản pháp luật đã hoặc chuẩn bị ban hành phải rút, tạm dừng thực hiện. Điều này không chỉ gây tốn kém cho xã hội, mà còn cho cả ngân sách nhà nước, khiến người dân bức xúc. Đơn cử, khi văn bản lạc hậu, phải sửa đổi, doanh nghiệp tốn chi phí tuân thủ, làm quen với văn bản luật mới, còn Nhà nước thì tốn kém chi phí xây dựng luật, tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến luật...

Trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế, nền kinh tế của nước ta phát triển mạnh, tình hình thực tế biến động rất nhanh, khó lường, khó dự báo. Do đó, việc xây dựng các quy định cần xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm vừa chặt chẽ, đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa có độ mở nhất định để có thể xử lý được các tình huống phát sinh... Đặc biệt, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gắn với việc rà soát, đánh giá, xem xét, dự kiến bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.

Mọi quy định được đưa ra cần phải phù hợp với thực tiễn xã hội, cũng như năng lực thực hiện của xã hội thì mới có tính khả thi. Điều này đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo, dự thảo văn bản đó phải có trách nhiệm cao, có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực mình được giao soạn thảo. Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật cần chú trọng việc huy động trí tuệ tập thể, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn, các đối tượng tác động, người dân và doanh nghiệp, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ý kiến phản biện để có luận cứ phong phú hơn, tạo đồng thuận trong xây dựng và thực thi pháp luật. Cùng với đó, chú trọng việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, cách làm của các nước về các vấn đề tương tự để vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình Việt Nam.

Xây dựng văn bản pháp luật là hoạt động vô cùng quan trọng trong việc tạo lập hệ thống quy tắc xử sự; duy trì và bảo đảm trật tự, kỷ cương của đời sống xã hội và quản lý của Nhà nước. Chỉ khi các quy định, luật có chất lượng, vừa bám sát, phù hợp với thực tiễn, vừa theo kịp xu hướng phát triển thì mới phát huy hết hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bám sát, phù hợp thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.