(HNM) - Tối qua 22-12, SEA Games 27 tại Myanmar đã khép lại. Đó là một kỳ SEA Games giàu cảm xúc dù mang danh "sân chơi ao làng", ở đó có nhiều niềm vui, cả nỗi buồn và những giọt nước mắt. Trên tất cả, đó là một đại hội thể thao lớn nhất khu vực, là bệ đỡ cho thể thao Đông Nam Á hướng đến những mục tiêu lớn lao hơn. Bởi vậy, ngày hội thể thao khu vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu người.
Tuy thế, SEA Games 27, như nhiều kỳ SEA Games trước đó, vẫn thể hiện đường nét của một sân chơi thể thao mang tính "khu vực" không chỉ bởi chỉ số thành tích chưa thể tiệm cận thành tích châu lục và thế giới, mà còn ở sự hạn chế trong cách thức tổ chức, quan điểm tổ chức SEA Games. Thể dục dụng cụ không xuất hiện ở SEA Games 27, một số nội dung ở nhiều môn thi Olympic bị cắt giảm, đó là điểm trừ lớn nhất trong đại hội thể thao Đông Nam Á lần này. Tại Myanmar, ngay cả những "tay mơ" cũng có thể nhận ra sự thiếu công tâm của trọng tài ở một số môn thi đấu, ước muốn giành huy chương bằng mọi giá có thể hủy hoại tinh thần Olympic, điều mà tất cả cùng hướng đến. Với nhiều người, bảng xếp hạng chung cuộc tại các kỳ SEA Games không có nhiều ý nghĩa trong việc phân hạng đối với các nền thể thao trong khu vực Đông Nam Á.
Indonesia không đáng xếp ở vị trí thứ tư, Việt Nam có thể và xứng đáng nhận vị trí thứ hai; Malaysia. Singapore, Philippines thường xếp trên Myanmar nếu SEA Games được tổ chức ở một nước khác…
Thể thao Việt Nam rời SEA Games 27 với vị trí thứ ba toàn đoàn, kể như đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường. Về tổng thể, hơn hai trăm huy chương các loại mà các vận động viên Việt Nam giành được là một con số ấn tượng, phần nào cho thấy vị thế của nền thể thao Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, là sự ghi nhận mức độ phát triển của nền thể thao nước nhà trong những năm qua. Điều quan trọng là sau những năm tháng "đi tắt, đón đầu" nhằm thực hiện mục tiêu bước đầu hội nhập với thể thao khu vực, thể thao Việt Nam đã bắt đầu hiện thực hóa mơ ước là tiến ra "biển lớn". Dấu ấn có từ bơi lội, điền kinh, một số môn võ, cử tạ, bắn súng… thể hiện điều nói trên, thông qua lớp vận động viên giàu tiềm năng như Nguyễn Thị Ánh Viên, Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật (bơi lội), Quách Thị Lan, Đỗ Thị Thảo (điền kinh), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)… dù trong số họ, ở SEA Games 27, có người đã chịu thất bại trong nỗ lực giành "vàng".
Nhưng, như thế là chưa đủ cho một nền thể thao mạnh, ngay cả khi xét trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á. Tại SEA Games 27, vận động viên các môn bóng của Việt Nam đã chịu thất bại nặng nề trong các trận chung kết, đại đa số là trước Thái Lan; nhiều hạt nhân của các môn điền kinh, võ, bơi lội đã để tuột "vàng" một cách đáng tiếc. Bóng đá nữ xứng đáng được ghi công, nhưng thất bại 1-2 trước đội tuyển nữ Thái Lan cho thấy nhiều điều khác ngoài yếu tố may mắn, cả về thể lực, kỹ thuật cơ bản và khả năng chịu sức ép về tâm lý.
Hơn 3 năm trước, tại ASIAD 16 - năm 2010 tại Quảng Châu - Trung Quốc, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ giành được 1 huy chương vàng, chỉ số chuyên môn tại SEA Games 27 chưa hé lộ niềm tin đầy đủ, rằng chúng ta sẽ tạo bước đột phá vào năm sau, tại ASIAD 17 - năm 2014, tổ chức tại Hàn Quốc. Vẫn sẽ chỉ một vài hạt nhân đủ sức cạnh tranh huy chương châu lục, cơ hội có "vàng" là rất nhỏ. Trong khi đó, chỉ 5 năm sau nữa là chúng ta bước vào ASIAD 18 - năm 2019 với tư cách chủ nhà, cần phải có được tư thế đĩnh đạc hơn, với một lớp vận động viên đủ năng lực cạnh tranh huy chương ở nhiều môn chứ không chỉ là một vài người. Đó thực sự là một bài toán khó, cần có sự hoạch định về chiến lược và sớm dồn lực cho mục tiêu đã định thay vì đầu tư dàn trải.
Hai năm nữa, tại SEA Games 28 Singapore, chúng ta có thể tham gia với một cách tiếp cận khác hơn. Đó là một kỳ SEA Games có ý nghĩa tạo đà cho ASIAD 18 tại Việt Nam, một cuộc tổng duyệt lực lượng thay vì "cuộc chiến" tốp 3 Đông Nam Á như thường thấy từ chục năm qua?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.