(HNM) - Vụ những kẻ lạ mặt ám sát cựu Phó Thủ tướng, thủ lĩnh phong trào đối lập ở Nga Boris Yefimovich Nemtsov ngay giữa trung tâm thủ đô Mátxcơva - vừa không chỉ khắc một
Sinh năm 1959, B.Nemtsov khởi đầu sự nghiệp chính trị trên cương vị Thống đốc khu vực Nizhny Novgorod, miền Trung nước Nga và trở thành Phó Thủ tướng Nga trong những năm 1990 dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin. Sau khi rời Quốc hội năm 2003, ông B.Nemtsov đã dẫn dắt một số đảng phái và phe nhóm đối lập. Từ năm 2012, chính trị gia đối lập hàng đầu này là đồng chủ tịch đảng Cộng hòa Nga - đảng Tự do Nhân dân (RPR-PARNAC). Là một trong các nhà lãnh đạo phong trào phản đối ở Nga, thủ lĩnh B.Nemtsov được biết đến như một nhân vật không ngại chỉ trích gay gắt chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin, về vai trò Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine khiến cho kinh tế ở xứ Bạch dương chao đảo. Ngay trước khi bị sát hại, ông đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Đài phát thanh Tiếng vọng Mátcơva về cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào ngày 1-3 để phản đối cuộc chiến tại Ukraine.
Vụ ám sát thủ lĩnh phong trào đối lập Boris Nemtsov có thể gây bất ổn đối với chính trường nước Nga. |
Là một trong những nhân vật chính trị hiếm hoi ở Nga đứng về phía Ukraine nên không có gì quá ngạc nhiên khi cái chết của ông B.Nemtsov lại thu hút sự "quan tâm" của chính quyền Kiev và hàng loạt nhà lãnh đạo các nước phương Tây. Ngay lập tức, một làn sóng chỉ trích hướng vào Điện Kremlin đã được châm ngòi, bắt đầu từ Mỹ tới Pháp và Đức... Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko còn khẳng định, chính trị gia đối lập của Nga bị sát hại vì dự định tiết lộ bằng chứng về sự dính líu của Mátxcơva trong cuộc xung đột giữa phe ly khai với chính quyền Kiev.
Tuy nhiên, cũng có nhiều giả thuyết cho rằng, vụ ám sát được thực hiện với âm mưu gây bất ổn cho chính trường Nga và đánh vào uy tín của Tổng thống V.Putin. Nhìn lại, thời điểm nhà lãnh đạo được yêu mến nhất nước Nga tái đắc cử lần thứ ba năm 2012, nhiều ý kiến cho rằng, thách thức mà cựu nhân viên Cơ quan tình báo Nga (KGB) phải đối mặt là hàn gắn những chia rẽ xã hội thể hiện qua các cuộc biểu tình chống chính quyền rầm rộ diễn ra sau bầu cử. Vì thế, nhiều người đã tỏ ra lo ngại "vụ việc B.Nemtsov" sẽ là một cái cớ để phe đối lập phát động phong trào phản đối chính quyền của Tổng thống V.Putin trong thời gian tới. Trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, những động thái tiêu cực trên chính trường có thể đẩy nước Nga đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kép với khả năng chia rẽ như một cuộc "cách mạng" ngay từ bên trong xứ Bạch dương.
Hiện tại, các nhà điều tra đang cân nhắc mọi khả năng liên quan cái chết của ông B.Nemtsov. Các hoạt động kinh doanh, thù hận cá nhân và khiêu khích... đều có thể là động cơ của vụ sát hại chính trị gia này. Cơ quan điều tra cũng đang kiểm tra các mối đe dọa mà ông Nemtsov nhận được do lập trường của ông này về vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo ở Paris. Thông tin mới nhận được cho biết, cảnh sát đã tìm được chiếc ôtô chở những kẻ sát hại cựu Phó Thủ tướng Nga B. Nemtsov tại gần nơi xảy ra vụ án và các chuyên gia tội phạm, nhân viên điều tra đang kiểm tra kỹ chiếc xe để tìm bằng chứng. Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, những kẻ tổ chức và thực hiện vụ sát hại thủ lĩnh đối lập Nga B.Nemtsov sẽ bị trừng phạt.
Cho dù vì mục đích gì, vụ sát hại B.Nemtsov cũng đã không chỉ khiến "ông chủ" Điện Kremlin đau đầu mà còn tạo nên nguy cơ đẩy chính trường Nga đến trước một thách thức đối nội cam go. Đây thật sự là một bài toán khó mà Mátxcơva phải giải quyết trong thời gian ngắn để xua tan những hệ lụy có thể gây ra cho xã hội Nga vào thời điểm nhạy cảm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.