Đô thị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Phố Hà Nội - chứng nhân gắn với những mốc son hào hùng của Thủ đô

KTS Phạm Hoàng Phương 29/08/2024 15:27

Trong làn gió mát đầu thu, ngồi trên con phố cũ, chợt nghe văng vẳng câu hát: “Nơi tôi sinh Hà Nội/ Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy/ Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó/ Đêm nằm nghe trong gió/ Tiếng sông Hồng thở than…”. Cái tứ thơ dung dị lâu nay tưởng như đã thuộc làu bỗng khiến ta ngộ ra những tầng ý nghĩa về vai trò chứng nhân quan trọng của phố Hà Nội gắn với những thành quả và mốc son hào hùng của Thủ đô.

Mùa thu năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ ban "Chiếu dời đô", phố Hà Nội dù vỏn vẹn khiêm tốn nhưng đã chiêm ngưỡng trọn vẹn không khí ngày đầu khởi dựng, hòa hợp giữa vận nước - mệnh Trời - lòng người, làm tiền đề cho sự xuất hiện kinh thành Thăng Long rực rỡ sau này.

Ở các giai đoạn sau, khi Thăng Long - Hà Nội ngày càng phát triển thành chốn đô hội, cư dân khắp nơi tụ về, hình thành các phố nghề, “phố Hàng”, phố Hà Nội đã góp phần tạo lập, bồi đắp nhiều tầng giá trị bản sắc của đất kinh kỳ văn hiến. Không chỉ là nơi sinh sống, buôn bán của thị dân, phố Hà Nội còn ôm ấp, lưu giữ hồn cốt văn hóa Tràng An và cả các công trình di tích kiến trúc truyền thống đặc trưng như thành quách, đền đài, đặc biệt là các ngôi nhà ống với chức năng “3 trong 1” đầy cá tính.

hinh-1.1.jpg
hinh-1.-2.jpg
Tranh và ảnh chụp khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long với cung điện, đền đài và phố nghề cuối thế kỷ XVIII với những ngôi nhà ống đặc trưng. Nguồn: Vietnamdaily

Thời Pháp thuộc, phố Hà Nội tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và kiến trúc phương Tây, làm đa dạng, đặc sắc thêm bản sắc văn hóa, cảnh quan đô thị. Sự xuất hiện của các cấu trúc đường trục ô bàn cờ lớn như: Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du…, kèm theo các quảng trường, vườn hoa, công viên cây xanh tại nhiều giao lộ, các công sở, biệt thự đã làm nên những dấu ấn riêng ít có ở nơi khác, là cơ sở để thiết đặt nền tảng cho phong cách kiến trúc Đông Dương đặc trưng.

Cũng giai đoạn này, phố Hà Nội chứng kiến tinh thần đấu tranh chống áp bức của những nhân sĩ, trí thức và quần chúng yêu nước như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh… cùng công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp. Đặc biệt, tháng 3-1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập tại nhà số 5D phố Hàm Long, là tiền đề để phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sau.

hinh-2.1.jpg
hinh-2.2.jpg
hinh-2.3.jpg
Tuyến phố Tràng Tiền, vườn hoa Con Cóc (vườn hoa Diên Hồng), nhà thờ Cửa Bắc là những ví dụ tiêu biểu của việc tiếp thu tinh hoa quy hoạch kiến trúc phương Tây để trở thành một dấu ấn bản sắc lịch sử quan trọng của Thủ đô. Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN
hinh-3.1.jpg
hinh-3.2.jpg
Di tích lịch sử nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội) gắn với sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Nguồn: baotanglichsu.vn

Trong những ngày hào hùng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phố Hà Nội thể hiện tinh thần quật khởi của quần chúng cách mạng. Theo hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, đông đảo nhân dân tề tựu mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn trong tiếng hát “Tiến quân ca” và cờ đỏ sao vàng rợp bay, sau đó chia thành nhiều đoàn diễu hành và giành lấy chính quyền từ bè lũ thực dân phát xít. Để rồi ngày 2-9-1945 lịch sử, phố Hà Nội òa reo khi chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một chương sử mới cho dân tộc.

hinh-4.1.jpg
hinh-4.2.jpg
hinh-4.3.jpg
Phố Hà Nội quật khởi hào hùng trong những ngày Cách mạng Tháng Tám và òa reo khi chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”. Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN

Trước dã tâm quay lại xâm lược của thực dân Pháp, đáp ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mùa đông 1946, phố Hà Nội đã cùng quân dân Thủ đô anh dũng chiến đấu, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” dù vũ khí thô sơ và số lượng ít ỏi. Mỗi góc phố trở thành “lũy thép” kiên cường và hình ảnh chiến sĩ cảm tử ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch sống mãi trong lòng dân tộc.

hinh-5.1.jpg
hinh-5.2.jpg
Hình ảnh các chốt chiến đấu và chiến sĩ cảm tử ôm bom ba càng trên phố Hà Nội mùa đông 1946. Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN

Đặc biệt, đúng 70 năm trước, vào ngày 10-10-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, phố Hà Nội lại òa reo đón chào đoàn quân chiến thắng hừng hực khí thế tiến vào từ các cửa ô trong rừng cờ hoa, trái ngược với cảnh tượng quân đội Pháp lặng lẽ rút qua cầu Long Biên. Trong lòng phố ngập tràn niềm hân hoan lớn về một cuộc sống mới độc lập - tự do - hạnh phúc.

hinh-6.1.jpg
hinh-6.2.jpg
Phố Hà Nội òa reo đón chào đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô, trái ngược với hình ảnh quân đội Pháp lặng lẽ rút lui qua cầu Long Biên. Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN, Life

Sau ngày giải phóng (1954), mặc dù có nhiều khó khăn, thiếu thốn, Hà Nội vẫn bền bỉ, hừng hực quyết tâm kiến thiết, dựng xây chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam ruột thịt. Từ sớm tới khuya, phố ân cần đón chào những người công nhân, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên hối hả bắt đầu ca làm mới, hay trở về sau giờ lao động miệt mài. Phố trìu mến vẫy chào những thế hệ con em Thủ đô lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày đế quốc Mỹ leo thang trở lại ném bom miền Bắc mùa đông 1972, Hà Nội mưu trí, quả cảm với những trận địa phòng không bắn rơi những “pháo đài bay” B52; phố ân cần chở che đồng bào bằng những căn hầm trú ẩn dã chiến trên vỉa hè. Để rồi mùa xuân năm 1975, một lần nữa, Hà Nội lại vỡ òa trong niềm vui thống nhất, Bắc Nam sum họp với cờ hoa và niềm vui rạng rỡ trong lòng người.

hinh-7.1.jpg
hinh-7.2.jpg
Cụm công nghiệp Cao - Xà - Lá (Thượng Đình) trong thời điểm mới khánh thành (1960) và các nữ công nhân Nhà máy Dệt 8 -3 hăng say lao động sản xuất trong giai đoạn đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc. Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN
hinh-8.1.jpg
Thanh niên Hà Nội hăng hái lên đường chi viện cho miền Nam năm 1968. Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN
hinh-8.2.jpg
Điểm tự vệ phòng không 12,7mm đánh máy bay Mỹ của Nhà máy Dệt kim Đông Xuân. Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN
hinh-8.3.jpg
Hầm trú ẩn dã chiến trên phố Hà Nội năm 1972. Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN

Thời kỳ đổi mới, gác lại những vết thương chiến tranh và khó khăn thời bao cấp, phố Hà Nội một lần nữa trở mình, hòa chung công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Sau gần 40 năm thực hiện, ngày nay, Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, trái tim của đất nước Việt Nam đã trở thành một đô thị phát triển văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, một thành phố yên bình, đáng sống. Phố đã khang trang, hiện đại với những tuyến đường nhiều làn xe, đường vành đai, cao tốc trên cao, nút giao thông lập thể ngầm - nổi, tích hợp cùng hệ thống vận chuyển hành khách công cộng hiện đại như đường sắt đô thị, xe buýt, BRT… Bên cạnh đó là các khu đô thị mới cao tầng hiện đại, đạt các tiêu chí “xanh, sinh thái, đáng sống”, ngang tầm với các đô thị phát triển trên thế giới.

Phố Hà Nội giờ đã khẳng định được rõ sức vóc, bản sắc, vị thế mới của Thủ đô và đất nước, là thành quả của sự nỗ lực, quyết tâm trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

hinh-9.1.jpg
hinh-9.2.jpg
hinh-9.3.jpg
Nút giao Cầu Giấy - Vành đai 2 khang trang hiện đại với đầy đủ hệ thống cầu vượt, đường sắt đô thị, xe buýt công cộng kết nối đồng bộ, tiện nghi, các khu đô thị cao tầng hiện đại đạt chuẩn “xanh - sinh thái - đáng sống”. Nguồn: Hoàng Phương và Sunjin Việt Nam

Trong lý thuyết quy hoạch đô thị, phố chỉ đơn giản là một hạng mục hạ tầng giao thông thuần túy. Nhưng khi nghĩ về phố Hà Nội, hẳn sẽ phải liên tưởng về một nhân chứng quan trọng khi không chỉ mang trong mình cả một bầu trời ký ức về bản sắc văn hóa truyền thống, ý chí quyết tâm và sự hy sinh quên mình trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô theo từng mốc son chói lọi, và cả những niềm tin yêu, hy vọng son sắt về một tương lai tươi đẹp, phồn vinh. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc của phố Hà Nội sẽ giúp lưu giữ và trao truyền những trang sử tự hào của cha ông cho lớp lớp thế hệ mai sau.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Phố Hà Nội - chứng nhân gắn với những mốc son hào hùng của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.