Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Khu Cháy - nơi tên đất, tên làng đi vào lịch sử

Bạch Thanh 27/08/2024 09:10

70 năm sau Ngày Giải phóng, miền quê Khu Cháy (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn vẹn nguyên khí thế cách mạng hào hùng của khu du kích nổi tiếng một thời với những tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử bởi sự kiên trung của những người chiến sĩ - nông dân... Và những người con sinh ra từ vùng đất đó hôm nay đang viết tiếp truyền thống cha ông, biến niềm tự hào thành động lực đưa miền quê gian khó vươn lên đổi mới, phát triển.

Bài 1: Dấu son trong trang sử vàng của Thủ đô

Với nhiều người Hà Nội, mỗi khi nói đến Khu Cháy (gồm 22 xã ở phía Nam huyện Ứng Hòa và xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) là nhắc nhớ tới một “địa chỉ đỏ” thiêng liêng. Thời chống Pháp, Khu Cháy căn cứ kháng chiến quan trọng, khu du kích giữa lòng địch. Đây cũng là nơi khởi nguồn của “chiếc gậy Trường Sơn”, một phong trào thôi thúc thế hệ trẻ Việt Nam lên đường tòng quân đánh Mỹ trong những năm 1960 - 1970.

Nơi thành lập chi bộ Đảng sớm bậc nhất tỉnh Hà Đông

Ngược dòng lịch sử, Trưởng thôn Tảo Khê (xã Tảo Dương Văn) Đỗ Đặng Lanh kể: “Tháng 2-1938, tại nhà đồng chí Trương Đỗ Uông (tức Nguyễn Văn Lộc) ở Tảo Khê, đồng chí Lê Hồ thay mặt tổ chức Đảng ở Kim Bảng trực tiếp kết nạp vào Đảng 3 đồng chí Trương Đỗ Uông (Nguyễn Văn Lộc), Lê Văn Bưởi, Ngô Khải; thành lập Chi bộ Đảng Tảo Khê, chỉ định đồng chí Trương Đỗ Uông làm Bí thư Chi bộ. Đây là cũng là 1 trong 3 chi bộ thành lập sớm nhất ở tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ. Chi bộ Tảo Khê trở thành hạt nhân lãnh đạo, trung tâm của phong trào cách mạng phía Nam tỉnh và huyện Ứng Hòa”.

img_1532.jpeg
img_1546.jpeg
Ngôi nhà của đồng chí Trương Đỗ Uông (tức Nguyễn Văn Lộc) ở Tảo Khê - nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Ứng Hòa được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Ảnh: Bạch Thanh

Ở Tảo Khê hiện nay, các di tích lịch sử, cơ sở cách mạng hầu như vẫn được người dân và chính quyền địa phương trân trọng gìn giữ. Ngoài ngôi nhà nhỏ của đồng chí Nguyễn Văn Lộc ở xóm Trung Kiên là điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Ứng Hòa, còn có chùa Tảo Khê với khuôn viên rộng 5 sào Bắc bộ ngay đầu làng Tảo Khê. Chùa được xây dựng lâu đời, đã trùng tu nhiều lần nhưng vẫn mang dáng dấp cổ kính và hiện còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị, như chiếc khánh đá làm từ năm 1756, quả chuông đúc từ năm Minh Mệnh thứ XVII (1836).

Trước Cách mạng Tháng Tám, chùa Tảo Khê là cơ sở cách mạng. Đặc biệt, khi vùng Nam Ứng Hòa trở thành An toàn khu, chùa là một trong những địa điểm bảo vệ đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại đây đã diễn ra lớp huấn luyện chính trị cho một số cán bộ Xứ ủy và Ban Tỉnh ủy Hà Đông. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa có hầm bí mật bảo vệ cán bộ, du kích.

img_1535.jpeg
Đình Tảo Khê. Ảnh: Bạch Thanh

Cùng với chùa, còn có đình Tảo Khê được xây dựng lâu đời và cũng là một di tích lịch sử văn hóa - di tích cách mạng. Hậu cung đình là nơi cán bộ Cứu quốc thời kỳ tiền khởi nghĩa thường cất giấu tài liệu, vũ khí. Đặc biệt, đình là địa điểm tập kết của lực lượng quần chúng khu vực Nam Ứng Hòa - Nam Mỹ Đức trong khởi nghĩa giành chính quyền phủ Ứng Hòa ngày 17-8-1945...

Giáo sư Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, người con của thôn Tảo Khê, đánh giá: Không chỉ các di tích lịch sử của địa phương như đình Tảo Khê là nơi đồng chí Đỗ Mười lãnh đạo nhân dân trong vùng giành chính quyền ở phủ Ứng Hòa ngày 17-8-1945; nhà của đồng chí Trương Đỗ Uông (Nguyễn Văn Lộc) là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, trên địa bàn thôn, mỗi gia đình, mỗi dòng họ luôn là thành trì của cách mạng qua các thời kỳ...

img_1547.jpeg
img_1533.jpeg

“Tiếng cồng chống giặc”

Dưới chân tượng đài Chiến sĩ Khu Cháy trang nghiêm, bề thế, bà Phạm Thị Dương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa), nguyên là đội trưởng đội du kích địa phương, tự hào kể: Cán bộ, nhân dân Khu Cháy luôn anh dũng, kiên cường trong chiến đấu. Điển hình là trận chống càn của nhân dân các xã Minh Đức, Đồng Tân mang tên “Tiếng cồng chống giặc” vào tháng 2-1951. Khi đó, mỗi người dân là một “ngọn đuốc cách mạng” rực sáng trên vùng quê chiêm trũng gian khó. Theo cụ Lê Đăng Doanh, cán bộ lão thành cách mạng xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa), những năm 1953 - 1954, Khu Cháy trở thành “bàn đạp” để bộ đội, du kích đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị…

Nói về truyền thống quê hương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Sang bồi hồi: “Giữa năm 1951, thực dân Pháp mở trận càn lớn vào các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên nhằm triệt tiêu cơ sở kháng chiến vùng Khu Cháy, biến nơi đây thành “vành đai trắng” (không còn nhà cửa, không có dân ở để bộ đội và du kích không có chỗ trú chân). Song chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt.

Ngày 18-6-1951, tại cánh đồng các thôn Quan Châm, Nam Chính (xã Minh Đức), Thanh Hội (xã Trung Tú), bộ đội ta tiêu diệt 20 tên địch, bắt sống 80 lính Pháp. Để trả thù, sớm hôm sau, địch dồn quân tấn công vào Khu Cháy. Chúng cho nhiều tốp máy bay quần đảo dội bom từ sáng tới chiều; đại bác từ các bốt Vân Đình, Nhật Tựu liên hồi nã đạn vào xóm làng. Địch đi đến đâu là đốt phá nhà dân, dùng xe ủi san bằng tất cả... Ở thôn Chẩn Kỳ (xã Trung Tú), người dân vừa gặt lúa chiêm xong đang tập trung quanh gốc đa giữa đồng và gò Đền Ông thì bị máy bay địch xả súng giết chết 30 người, có cả người già và trẻ em. Quân và dân ta đã biến đau thương thành hành động, chiến công tiếp nối chiến công. Ngày 25-7-1954, đất Ứng Hòa được giải phóng, hoàn toàn sạch bóng quân thù.

img_1550.jpeg
Cây đa cổ thụ ở Hòa Xá, nơi chứng kiến bao lớp người con quê hương lên đường đánh giặc, nay vẫn sừng sững như một chứng tích lịch sử của địa phương. Ảnh: Bạch Thanh

Trong giai đoạn này, trung bình mỗi người dân Khu Cháy phải chịu 2 quả bom và 203 quả đạn đại bác; 111 ngôi làng, 105 đình chùa, nhà thờ bị tàn phá; 8.532 tấn thóc bị đốt, tiêu hủy; hơn 10.000ha ruộng đất bị hoang hóa… “Gốc đa giữa đồng thôn Chẩn Kỳ và gò Đền Ông trở thành nơi ghi sâu tội ác dã man của thực dân Pháp. Cái tên “Cây đa ba mươi” có từ đó để tưởng nhớ về 30 người dân bị giết hại, và ngày rằm tháng Năm trở thành ngày giỗ chung của thôn Chẩn Kỳ”, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Trung Tú Nguyễn Thị Loan kể trong ánh mắt buồn bã.

“Chiếc gậy Trường Sơn”

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi chưa được bao lâu, đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thời kỳ này, Ứng Hòa được cả nước biết đến với địa danh Hòa Xá, quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Chiếc nhẫn chung thủy” - những phong trào thôi thúc lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường đánh Mỹ, góp phần thống nhất đất nước.

img_1548.jpeg
Truyền thống cách mạng của quê hương Khu Cháy là niềm tự hào tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ. Ảnh: Bạch Thanh
Bảo tàng quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn” tại xã Hòa Xá lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu về quân và dân Ứng Hòa trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Ảnh: Bạch Thanh

Phát huy truyền thống Khu Cháy kiên cường, quân dân Ứng Hòa ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Vùng đất Khu Cháy nước ngập đồng sâu trở thành “đại công trường” của hơn 20 nghìn thanh niên tỉnh Hà Tây (cũ) về làm giao thông, thủy lợi và trở thành vùng trọng điểm lúa của tỉnh.

Với những thành tích đáng tự hào trong lịch sử đấu tranh cách mạng, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Ứng Hòa cùng các xã vùng Khu Cháy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Huyện Ứng Hòa vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm và động viên.

(Còn nữa)

logo-dien-tu-moi-02.jpg
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Khu Cháy - nơi tên đất, tên làng đi vào lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.