Xã hội

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Những mùa đông Hà Nội ấm áp

Hoài Hương 21/07/2024 - 06:47

Trong 100 ngày “di chuyển”, theo Hiệp định Genève đã ký kết ngày 21-7-1954, hàng chục chuyến tàu của Ba Lan, Liên Xô (cũ) đã cập các bến cảng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Đồ Sơn (Hải Phòng), đưa cả trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh, trí thức miền Nam... tập kết ra Bắc.

Ngoài các đơn vị bộ đội đóng quân ở các địa phương, thì phần lớn cán bộ, học sinh được đưa về Hà Nội học tập, làm việc... 70 năm ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng và cũng là kỷ niệm 70 năm những người miền Nam tập kết ra Bắc.

ong.jpg
Một cựu học sinh miền Nam tập kết tham quan trưng bày chuyên đề “Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 1975)” tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoài Phương

Ngọn lửa tình nghĩa đồng bào

Ngay từ cái “chạm” đầu tiên trên đất Bắc, những người miền Nam tập kết - nơi chỉ có hai mùa mưa nắng - đã hứng trọn cơn gió mùa đông bắc rét lạnh như dao cứa buốt thấu da. Mẹ tôi kể, mẹ đi tàu Ba Lan, cập bến Đồ Sơn vào ngày đầu tháng 12, lúc bước ra khỏi khoang tàu là nghe gió ù ù cùng làn mưa lạnh thấu xương. Và hình như còn muốn lạnh hơn, đến trào nước mắt, khi nghĩ kể từ đây là xa quê hương miền Nam, xa người thân không biết khi nào gặp lại... Nhưng, có một sự ấm áp đến kỳ lạ, không chỉ là khi khoác lên người chiếc áo len đan tay được tặng, mà còn là những cái ôm choàng thân thiết cùng sự chào đón nồng nhiệt của đồng bào miền Bắc, rồi các vị lãnh đạo Chính phủ hỏi thăm, chỉ đạo chăm sóc y tế cho những người yếu sức, các em nhỏ, các chị có bầu...

Những chiếc áo len mọi người được phát là do chính các mẹ, các chị em ở Hà Nội đã đan suốt mấy tháng ròng rồi chuyển xuống Hải Phòng tặng những người đồng bào của mình để ngay những phút đầu tiên đặt chân lên đất Bắc không bị lạnh.

Và mẹ tôi cùng rất nhiều bạn bè, đồng chí sau đó đã được về Hà Nội, được nhân dân Hà Nội đùm bọc như tình thân, dành cho những điều kiện tốt nhất có thể để sinh sống, học tập và làm việc. Rất nhiều người đã trưởng thành, tạo dựng sự nghiệp thành công.

Kể từ mùa đông đầu tiên đó, trong suốt 20 năm ròng Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của những người miền Nam tập kết, là nơi “chôn nhau cắt rốn” các con của họ, tức là thế hệ của chúng tôi. Thời kỳ đó cuộc sống của người Hà Nội cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ đã dành những gì tốt nhất cho đồng bào miền Nam tập kết với suy nghĩ rằng, những người miền Nam xa quê, người thân thì đang phải đối diện với sinh tử của chiến tranh khốc liệt nên họ cần được bù đắp.

Năm 1960, Ủy ban Thống nhất Trung ương chính thức thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thống nhất ở 16 phố Lê Thái Tổ - ngôi nhà chung thân thương mang hình ảnh tượng trưng miền Nam. CLB trở thành nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, tìm kiếm đồng hương của người miền Nam tập kết. CLB nằm giữa hai con phố cũng rất đẹp là Hàng Trống và Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. CLB trong suốt 20 năm trở thành một "trung tâm liên lạc" của những người miền Nam tập kết, rất nhiều lá thư từ miền Nam gửi ra theo nhiều con đường khác nhau với địa chỉ rất mơ hồ, thậm chí có thư chỉ là cái tên cũng mơ hồ như “Bé Ba”, “Anh Tư”, “Dì Bảy”..., được bưu điện chuyển vào CLB. Và cũng từ đây mà nhiều người miền Nam đã biết được tin nhà và người thân...

CLB còn là một "trung tâm nghệ thuật" với rất nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức vào những tối thứ bảy và ngày chủ nhật ở nơi đây, từ chiếu phim, biểu diễn ca múa nhạc, các vở kịch, cải lương, hát bội, chèo... phục vụ cho người miền Nam tập kết và gia đình giải trí. Cho đến bây giờ thi thoảng tôi vẫn nhắc với các chị Ái Vân - Ái Xuân về ấn tượng sâu sắc hơn 50 năm nay chưa quên khi nghe hai chị ca cải lương “Tía em hết sợ”.

CLB còn là một "trung tâm ẩm thực miền Nam”. Rất nhiều món ăn miền Nam sau này được phổ biến ở Hà Nội gần như đều có “gốc” từ CLB: Hủ tiếu Nam Bộ, mì Quảng, bún bò Huế, lẩu, bánh tét, bánh ú, bánh bèo, bánh xèo, gỏi cuốn, các loại chè đậu nước cốt dừa... Ngày đó, tôi chỉ mong đến ngày chủ nhật để được vào căn bếp, nhìn má và các dì nấu nướng các món ăn miền Nam, vừa đẹp vừa quyến rũ, cuốn hút, đánh thức tất cả các giác quan.

“Ngôi nhà lớn” ngọt ngào

20 năm ở Hà Nội, ngôi nhà số 76 Hàng Đào đã trở thành một nơi ấm áp thân tình nhất của gia đình tôi. Chủ nhân ngôi nhà là một bác nguyên là chiến sĩ Vệ quốc đoàn, năm 1946 nghe theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, bác cùng đồng đội "Nam tiến" chi viện cho Nam Bộ. Bác được bà nội tôi nhận làm con nuôi. Và năm 1954, bác tập kết ra Bắc. Trong đám cưới ba má tôi, hai bác trở thành người thân ruột thịt của ba má.

Khi ba tôi vào Nam chiến đấu thì gia đình bác xem mấy má con tôi như thành viên trong gia đình, luôn ân cần quan tâm chăm sóc. Căn nhà của bác trở nên thân thuộc, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, hai bác và các anh chị trong nhà cùng rất thương yêu mấy má con. Một lần, tôi nghe bác gái nói với anh cả: “Đừng để mấy má con cảm thấy thiếu vắng hơi ấm người thân, đừng để hai đứa nhỏ tủi thân vì không có cha bên cạnh”...

Tôi đã khám phá được những nét tinh tế, thanh lịch của người Hà Nội từ bác gái, khi bác vào bếp nấu các món ăn truyền thống, hay lên phòng khách cắm những lọ hoa theo mùa. Tôi đã được bao lần "chạm" vào những di tích lịch sử văn hóa Hà Nội khi được các anh đưa đi thăm đền chùa miếu mạo như Văn Miếu - Quốc Tử Giám; các ngôi chùa cổ Quán Sứ, Kim Liên, đền Quan Thánh, đền Bạch Mã...

Thế hệ chúng tôi - những người con của cán bộ miền Nam tập kết và sinh ra ở Thủ đô, hầu như ai cũng mang trong mình một tình yêu Hà Nội rất khó lý giải, và Hà Nội đã như một “quê hương” thứ hai đầy yêu thương. Còn với những người miền Nam tập kết và sống ở Thủ đô nói chung thì Hà Nội là một “ngôi nhà lớn” nhiều kỷ niệm ấm áp, ngọt ngào suốt 20 mùa đông, kể từ mùa đông 1954.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Những mùa đông Hà Nội ấm áp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.