Văn hóa

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh”

Tô Kiều Thẩm 13/07/2024 - 06:59

Phía Bắc Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên có bốn dòng sông cùng mang chữ Đức: Sông Đuống (Thiên Đức), sông Lục Nam (Minh Đức), sông Thương (Nhật Đức), sông Cầu (Nguyệt Đức).

Trong bốn con sông ấy, sông Đuống là ngắn nhất với chiều dài khoảng 68km. Hàng ngàn năm trôi qua, dòng sông ẩn chứa trong lòng những trầm tích lịch sử vẫn miệt mài dâng hiến những giọt nước ngọt ngào, bồi đắp nên một vùng văn hóa Kinh Bắc.

anh171251820pm.jpg
Sông Đuống nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Khánh

Sông Đuống là chi lưu của sông Hồng, là đường giao thông thủy nối sông Hồng với sông Thái Bình, bắt đầu từ ngã ba Dâu (Hà Nội) và kết thúc ở ngã ba Mỹ Lộc (Bắc Ninh). Với khoảng 1/3 chiều dài trên đất Thủ đô, 2/3 thuộc Bắc Ninh, sông Đuống như một dòng kết nối, sẻ chia và phát triển giữa hai địa phương có mối quan hệ đậm sâu về nhiều mặt này.

Từ thời Lý - Trần, hằng năm dòng sông được nạo vét phù sa, khơi thông dòng chảy. … Ấy là bởi công việc khơi sông tự cổ đã có… Từ đầu đời Trần đến nay, trải qua các đời đều có bồi đắp tu sửa đê điều để che chắn cho dân, bảo vệ nông nghiệp” ("Châu bản Triều Nguyễn", Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I).

Thời nhà Nguyễn, ngày 5 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), vua Minh Mệnh đã phê rằng: “Truyền giao cho đình thần xem xét kỹ, phải nghị bàn, rồi tâu trình lên”. Hiểu được nỗi băn khoăn của vua, quan Đê chánh Bắc Kỳ Lê Đại Cương đã làm bản tấu trình: “Nay chúng thần tuân mệnh xem xét, lần này khai sông Thiên Đức đem lại lợi ích to lớn cho muôn đời sau… Cửa sông mở ở chỗ nào, đoạn nào quá hẹp cần đào cho rộng thêm. Đoạn nào nông tắc cần đào rộng và sâu thêm. Đoạn nào quanh co cần khai cho thẳng hết, hai bên bờ sông cần đắp đê ngăn giữ thế nào...” ("Châu bản Triều Nguyễn", Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I).

Dọc sông Đuống có những ngôi làng cổ kính, thấm đẫm văn hóa Kinh Bắc, trong đó phải kể đến làng Sủi của người Việt cổ thời Hùng Vương. Làng Sủi tên Nôm là Kẻ Sủi, là quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tông.

Làng Sủi (nay là thôn Phú Thị, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm) vốn nổi danh là đất khoa bảng với "nhất môn tam tiến sĩ" (một nhà có ba người đỗ tiến sĩ), "đồng triều tứ thượng thư" (một triều có bốn vị thượng thư là người cùng làng). Phú Thị còn là quê hương của danh nhân Cao Bá Quát, nổi tiếng về tài văn thơ khiến vua Tự Đức phải ngợi khen: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”.

Làng Kim Sơn (thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) cũng có truyền thống khoa bảng với câu ngạn ngữ: “Phú Thị chi nhất hạng tứ thượng thư, Kim Sơn chi ngũ hiền nhị vị tể tướng” (tạm dịch: Làng Phú Thị đứng hàng đầu với bốn thượng thư, làng Kim Sơn có năm người hiền, hai tể tướng).

Trên địa bàn xã Kim Sơn có chùa Keo và nghè Keo. Chùa Keo tên chữ là Báo Ân Sùng Nghiêm Tự, gắn với truyền thuyết Phật mẫu Man Nương và Tứ Pháp ở vùng Dâu Luy Lâu. Nghè Keo thờ nhị vị Thành hoàng Đào Phúc - Tiên Anh có công giúp nhà Lý đánh dẹp quân Tống và quân Chiêm Thành xâm phạm bờ cõi. Nghè Keo còn thờ vợ chồng ông bà Đinh Dự - Mãn Đường Hoa, tương truyền là tổ nghề ca trù. Vào mùng 6 tháng Tư âm lịch hằng năm, dân địa phương lại mở hội hát ca trù để tưởng nhớ tổ nghề.

Bên sông Đuống còn có xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), tương truyền là nơi sinh ra Thánh Gióng, có lễ hội Gióng nổi tiếng được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kề bên Phù Đổng là ngôi làng cổ Trung Mầu - “làng đỏ” (nay thuộc xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm) đã giành chính quyền từ ngày 11-3-1945, sớm nhất cả nước.

Khu vực giáp huyện Gia Lâm (Hà Nội) và thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) có xóm Sông (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành). Xóm Sông xưa là điểm tụ cư của những người làm nghề chài lưới... Nơi đây cũng là vị trí ngã ba sông Dâu cổ xưa, sau bị phù sa và những đụn cát bồi lấp, nên sông Dâu dần mất dòng chảy, nay chỉ còn lại câu ca: "Lênh đênh ba mũi thuyền kề/ Thuyền ra Hà Nội, thuyền về sông Dâu".

cau-duong-16-02.jpg
Thi công cầu sông Đuống. Ảnh: Hữu Chánh

Vùng Dâu thuộc Bắc Ninh nay là các thị xã Thuận Thành, các huyện: Gia Bình, Lương Tài, một thời là trung tâm kinh tế tôn giáo - chính trị của nước Đại Việt, có thành Luy Lâu, có chùa Bút Tháp, có chùa Tĩnh Lự trên đỉnh núi An Quang (nay thuộc xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và có làng tranh dân gian Đông Hồ, còn gọi là làng Mái: "Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề làm tranh".

Bên bờ sông Đuống, ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng, thị xã Thuận Thành có khu di tích đền thờ Kinh Dương Vương - “Nam bang thủy tổ”, tức thủy tổ của người Bách Việt. Khu lăng mộ Kinh Dương Vương nằm ngoài đê Đại Hà trên một khu đất cao, rộng, thoáng. Gần đó có núi Thiên Thai, một dãy núi nhô lên giữa vùng đồng bằng bằng phẳng, phong cảnh nên thơ: "Trèo lên đỉnh núi Thiên Thai/ Thấy đôi loan phượng ăn xoài bề Đông…".

Vẻ đẹp trữ tình của sông Đuống từ xa xưa đã đi vào các áng thi văn. Trong bài thơ tặng Thượng thư Trần Danh Lâm, chúa Trịnh Doanh đã ngợi ca: "Đức Giang thắng khái cung di dưỡng/ Thai lĩnh kỳ bằng lạc dự châm" (dịch nghĩa: "Cảnh đẹp sông Đuống thêm tuổi thọ/ Bạn quý núi Thai mãi niềm vui"). Đặc biệt, sông Đuống càng thêm nổi tiếng, trở thành dòng sông sử thi qua những câu thơ bất hủ của nhà thơ Hoàng Cầm: "Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ" (“Bên kia sông Đuống”).

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Đuống, giúp cho những con tàu 400-500 tấn lưu thông thuận tiện. Và những cây cầu hiện đại bắc qua sông Đuống đã và đang kết nối những mạch nguồn phát triển đôi bên bờ, như cầu Đông Trù nối quận Long Biên với huyện Đông Anh (Hà Nội); cầu Đuống đang được xây dựng mới, tách đường tàu và đường bộ riêng biệt, nối quận Long Biên với thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội); cầu Phù Đổng, trên quốc lộ 1A đoạn qua Gia Lâm kết nối Hà Nội với cả vùng phía Bắc; và cả những cây cầu mới trên đất Bắc Ninh như cầu Phật Tích, cầu Hồ, cầu Bình Than...

cau-duong-26.jpg
Phố cảnh cầu Đuống mới. Ảnh: Đơn vị thiết kế
img-4-5189.jpeg
Nhà máy nước mặt sông Đuống phục vụ sinh hoạt cho hàng triệu người dân Thủ đô. Ảnh: Internet.

Dòng sông còn hằng ngày dâng hiến dòng nước quý giá phục vụ đời sống cho hàng triệu người dân Thủ đô. Nhà máy nước mặt sông Đuống được quy hoạch trên diện tích gần 61,5ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã đi vào vận hành ổn định, cung cấp lượng nước sinh hoạt cho khoảng 3 triệu người dân Thủ đô...

Tới đây, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm sẽ đô thị hóa, phát triển thành quận. Cùng với sức lan tỏa từ cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đôi bờ sông Đuống sẽ tiếp tục bừng lên sức sống tươi trẻ, hiện đại, hòa quyện với nét văn hóa đặc trưng của vùng quê Kinh Bắc nằm kề bên đất kinh kỳ văn hiến.

Đứng bên sông Đuống ngắm dòng nước hiền hòa chảy trôi với bao niềm khát vọng về một tương lai tươi sáng, lại bồi hồi nhớ câu thơ của thi nhân Hoàng Cầm: "Em mặc yếm trắng/ Em thắt lụa hồng/ Em đi trẩy hội non sông/ Cười mê ánh nắng muôn lòng xuân xanh"./.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.