Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Hà Nội - Thành phố hữu nghị và hòa bình

Thu Hằng 03/09/2024 5:57

Năm 1999, Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho những đóng góp tích cực của Thủ đô trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng thành phố thông qua những nỗ lực đổi mới, cải thiện giá trị cuộc sống người dân.

Cho tới hôm nay, “Giải thưởng Thành phố Vì hòa bình” mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô; là nguồn động viên, cổ vũ mọi công dân Thủ đô nêu cao ý thức trách nhiệm, đóng góp tài lực, phấn đấu xây dựng một Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Dấu ấn đẹp của thời kỳ Đổi mới

“Không phải đến khi Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao giải “Thành phố Vì hòa bình” thì nơi đây mới là mảnh đất của hòa bình. Người Hà Nội từ xa xưa đã khẳng định khát vọng hòa bình bằng câu: “Thăng Long phi chiến địa”. Là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược trong lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn khao khát và bày tỏ thiện chí hòa bình. Sự tích hồ Hoàn Kiếm với hình tượng “Trả gươm thần” sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV đã nói lên điều đó” - tôi vẫn nhớ như in lời chia sẻ của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên trong một buổi trò chuyện tại tư gia của ông khi tôi hỏi lý do Hà Nội ứng cử Giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình”.

img_1679.jpeg
Tác giả (áo trắng) trò chuyện với nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên về hành trình để Hà Nội được vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình” . Ảnh: Quốc Việt

Tuy nhiên, theo nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên, không phải bạn bè quốc tế nào cũng biết điều đó. Những năm du học ở Liên Xô thời chống Mỹ, ông nhận thấy, trong con mắt của nhiều người nước ngoài, người Việt dường như “hiếu chiến”. Ông muốn xóa ấn tượng ấy của họ bằng một sự ghi nhận, một đánh giá chính thức. Bởi vậy, ông khao khát với giải thưởng của UNESCO cho Hà Nội và đã cùng các cộng sự cố gắng hết mình để thỏa mãn lòng mong ước ấy.

Giai đoạn đó, đất nước mới được dỡ bỏ cấm vận, còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Hà Nội đã chủ trì và đóng góp lớn vào thành công của Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 7 (tháng 11-1997), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 (tháng 12-1998) và đang trên chặng đường hướng tới dấu mốc lịch sử kỷ niệm 990 năm và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thành phố đã thực hiện rất nhiều công trình; chủ động làm công tác quy hoạch để phát triển một đô thị hiện đại.

“Thăng Long - Hà Nội còn là một thành phố giàu tính cộng đồng. Ở đó, những con người gắn bó với nhau trong lao động sản xuất, giao tiếp văn hóa và đời sống tâm linh, với những phường nghề, làng nghề truyền thống, những thuần phong mỹ tục và những lễ hội bốn mùa. Hà Nội còn là một đô thị đẹp và hấp dẫn bởi sự hài hòa giữa sinh thái nhân văn và môi trường tự nhiên. Đó là một đô thị của cây xanh và sông hồ. Hà Nội cũng là trung tâm hội tụ những tinh hoa của nền văn hóa - văn hiến Việt Nam truyền thống, giàu tính khai phóng và khoan dung, đậm đà nếp sống hào hoa, thanh lịch. Những giá trị này rất phù hợp với những tiêu chí của một thành phố vì hòa bình mà UNESCO đưa ra” - ông Hoàng Văn Nghiên chia sẻ.

img_1681.jpeg
Giấy chứng nhận và biểu tượng “Thành phố Vì hòa bình” do Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor khi đó trao cho Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên năm 1999 tại La Paz, thủ đô Bolivia. Ảnh: Quốc Việt

Để đánh giá hồ sơ của Hà Nội thật khách quan, UNESCO đã cử người đến tận nơi kiểm tra. Và họ đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến một hình ảnh Hà Nội xanh, sạch, đẹp và yên bình, đặc biệt là sự thân thiện, nồng ấm và nhiệt thành của người dân Thủ đô.

Ngày 9-7-1999 tại Paris, UNESCO công bố Hà Nội và 4 thành phố khác trên thế giới được trao “Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình 1998-1999”.

Theo ông Hoàng Văn Nghiên, cảm xúc khi ấy là “vỡ òa”. Đây là niềm vinh dự và tự hào lớn lao, góp thêm vào những trang sử vẻ vang của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Ông Nghiên còn cho biết thêm, cũng vào mùa hè năm ấy, niềm vui như được nhân đôi khi thành phố tìm được mẫu biểu trưng (logo) sau một hành trình dài tìm kiếm.

Phát huy giá trị danh hiệu hòa bình

1/4 thế kỷ trôi qua, danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” đã tạo nên động lực để Hà Nội phát triển. Từ một thành phố còn gợi lại nhiều ký ức chiến tranh, ngày nay, Hà Nội đã trở thành một điểm đến hòa bình của thế giới.

Từ khi đón nhận danh hiệu này, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án về văn hóa, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường... Nhiều mục tiêu, chương trình, công trình được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Những công trình tiêu biểu như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông… đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

img_1683.jpeg
Hình ảnh tươi trẻ và thân thiện của Hà Nội - “Thành phố Vì hòa bình”. Ảnh: Thu Hằng

Thủ đô hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn. Không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc màu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng.

Hà Nội trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quốc tế lớn, đặc biệt là những sự kiện có sự tham gia của các nguyên thủ diễn ra thành công tại Hà Nội đã cho thấy uy tín của thành phố.

Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn - thân thiện” ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu đón khoảng 26 triệu khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó khách quốc tế là 5 triệu.

img_1682.jpeg
Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế. Ảnh: Thu Hằng

Theo các chuyên gia của UNESCO, cộng đồng quốc tế rất ấn tượng trước sự chuyển mình của Hà Nội, tạo ra một hình ảnh nhận diện mới, không chỉ cho Hà Nội, mà còn cho Việt Nam. Hà Nội vươn lên không chỉ là hình ảnh một thành phố sau chiến tranh, mà còn là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực.

Với chiều sâu văn hóa, nỗ lực đổi mới toàn diện, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Hà Nội cũng là cái nôi sinh ra nhiều không gian sáng tạo đang trở thành điểm nhấn cho giới sáng tạo, giới trẻ. Cuối năm 2019, Hà Nội chính thức ghi danh vào “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Từ “Thành phố Vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo” không chỉ đơn thuần là có thêm danh hiệu để tự hào, mà còn là động lực để Hà Nội quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát huy sức sáng tạo của một thành phố giàu sức trẻ, phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, đáp ứng niềm mong đợi của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Hà Nội - Thành phố hữu nghị và hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.