Công nghiệp văn hóa

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Dấu ấn sáng tạo từ “chứng tích” lịch sử, văn hóa

Hoàng Quyên 25/08/2024 13:46

Những gì đã và đang diễn ra với những “chứng tích” lịch sử, văn hóa đặt ra bài toán lớn về khai thác hiệu quả kho tàng di sản nhằm phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa ở Thủ đô.

Được định danh “Thành phố di sản”, Thủ đô Hà Nội sở hữu quỹ di sản vô cùng phong phú, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt cùng 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội còn có một lượng lớn di sản kiến trúc, di sản công nghiệp, là tiềm năng to lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Bài 1: Tái thiết không gian sáng tạo từ di sản

Căn biệt thự Pháp số 49 Trần Hưng Đạo sau khi tu bổ đã trở thành không gian sáng tạo hấp dẫn. Đây là một minh chứng cụ thể cho thấy tiềm năng phát triển không gian sáng tạo và công nghiệp văn hóa nhờ vào nguồn vốn di sản dồi dào của Thủ đô.

Biến cũ thành mới

Nhiều năm trước, biệt thự 2 tầng tại số 49 Trần Hưng Đạo (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) với diện tích xây dựng 174m2, nằm trong khuôn viên hơn 990m2, được xây dựng từ đầu thế kỷ XX đã xuống cấp nghiêm trọng, gần như để hoang.

Trước thực trạng đó, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) phối hợp với các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp) thực hiện dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài", khởi công tháng 4-2022. Đến ngày 26-1-2024, ngôi nhà chính thức mở cửa đón khách tham quan.

img_1446.jpeg
Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo sau khi được tôn tạo, tu bổ đã trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa phố cũ. Ảnh: Quyên Hoàng

Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan chia sẻ, việc bảo tồn, tu bổ căn biệt thự này gặp nhiều khó khăn vì tư liệu liên quan đến thiết kế hầu như không còn; hình ảnh lưu trữ chỉ là ảnh đen trắng, khi phóng to lên cũng không xác định được rõ kiến trúc bị hư hại. Quá trình thực hiện dự án gặp không ít áp lực từ dư luận về màu sơn của biệt thự. Tuy nhiên, các chuyên gia Pháp đã tiến hành tu bổ, tôn tạo thận trọng, dựa theo hình ảnh, tư liệu có được. Đến nay, ngôi biệt thự trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa phố cũ Hà Nội, điểm đến của người dân và du khách.

Là quận trung tâm Hà Nội với nhiều di tích văn hóa, lịch sử, di sản kiến trúc độc đáo, quận Hoàn Kiếm có nhiều dự án cải tạo, biến những nơi này thành không gian sáng tạo, điểm quảng bá văn hóa, thu hút du khách.

Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã tu bổ, tôn tạo, thay đổi công năng của nhiều công trình, điển hình như: Tôn tạo và phát triển khu vực vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng thành không gian văn hóa; tôn tạo ngôi nhà số 22 Hàng Buồm - trước kia là Hội quán Quảng Đông - thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật. Một số đình, chùa, nhà cổ trong khu phố cổ trở thành nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, như: 42 Hàng Bạc, 87 Mã Mây (Ngôi nhà Di sản), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào)...

img_1445.jpeg
Không gian ấn tượng bên trong ngôi nhà 49 Trần Hưng Đạo sau cải tạo. Ảnh: Quyên Hoàng
img_1444.jpeg
Không gian ấn tượng bên trong ngôi nhà 49 Trần Hưng Đạo sau cải tạo. Ảnh: Quyên Hoàng

Nổi bật trong số đó là Hội quán Quảng Đông (số 22 Hàng Buồm), từng là nơi ở của Tôn Trung Sơn, người có ảnh hưởng tích cực đến phong trào cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà có phong cách kiến trúc kết hợp giữa Hoa - Việt - Pháp, sau năm 1978 trở thành Trường mẫu giáo Tuổi Thơ. Cuối năm 2019, thành phố Hà Nội chuyển trường mẫu giáo sang địa điểm khác để tiến hành tu bổ, tôn tạo ngôi nhà. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến cuối năm 2021, nhà 22 Hàng Buồm đã trở thành nơi triển lãm nghệ thuật với tên gọi chính thức là Trung tâm văn hóa nghệ thuật.

Với diện tích khoảng 1.800m2, nét hoài cổ trong kiến trúc nơi đây đã tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tạo. Từ cuối năm 2022 đến nay, địa chỉ này không chỉ thu hút giới nghệ sĩ, mà còn trở thành điểm hẹn văn hóa của giới trẻ và được đông đảo du khách trong nước, quốc tế tìm đến. Nhiều triển lãm được tổ chức tại đây như "Phiêu diêu", "Ký họa phố cổ 2021", "Hà Nội là...", "Không gian ký ức 22 Hàng Buồm"... Ngoài ra, tại đây còn diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống, trình diễn áo dài, các sự kiện giao lưu văn hóa...

Nguồn cảm hứng sáng tạo

Nhiều năm qua, họa sĩ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn và các cộng sự đã thực hiện nhiều dự án nghệ thuật sáng tạo tại Hà Nội, điển hình như: Không gian sáng tạo Phúc Tân, không gian sáng tạo trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, không gian sáng tạo phố bích họa Phùng Hưng...

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn mong mỏi sáng tạo dựa trên vốn cổ Hà Nội. Anh giữ vai trò giám tuyển cho nhiều triển lãm, sắp đặt tại 22 Hàng Buồm và là người khởi xướng, thực hiện dự án tour khám phá các ngôi đình trong khu phố cổ Hà Nội với tên gọi “Chuyện đình trong phố”. Với dự án này, Nguyễn Thế Sơn và các cộng sự đưa nghệ thuật vào không gian tâm linh tại các ngôi đình trong khu phố cổ một cách phù hợp, qua đó kể câu chuyện lịch sử gắn với di sản đó.

img_1447.jpeg
Nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sau cải tạo trở thành không gian triển lãm, trưng bày, giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Ảnh: Quyên Hoàng

Đã có 7 ngôi đình được dự án "thổi hồn nghệ thuật" như thế. Đó là đình Hà Vĩ, đình Tú Thị, đình Yên Thái, đình Nam Hương, đình Phả Trúc Lâm, đình Trung Yên, đình Phúc Kiến. Ở mỗi nơi là một câu chuyện văn hóa, nghệ thuật gắn với nghề truyền thống tại ngôi đình thờ vị tổ nghề. Ví dụ như việc trưng bày tại đình Tú Thị (phố Yên Thái) gắn với mục tiêu giới thiệu nghề thêu; tại đình Hà Vĩ (phố Hàng Hòm) là câu chuyện về nghề sơn mài; với đình Phả Trúc Lâm (phố Hàng Hành) thì trọng tâm là nghề thuộc da, làm giày dép...

Chia sẻ về các dự án nghệ thuật trong không gian di sản, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ, trong công cuộc xây dựng công nghiệp văn hóa, các di tích đều có thể trở thành không gian sáng tạo tuyệt vời mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Còn theo họa sĩ Lương Minh Hòa, thuộc nhóm Latoa Indochine (vừa có triển lãm tranh dân gian tại 49 Trần Hưng Đạo), không gian di sản có giá trị và sức sống riêng, nếu được bảo tồn và phát huy giá trị đúng cách sẽ trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo mang dấu ấn Hà Nội, tạo sức hút lớn.

Thành phố Hà Nội luôn khuyến khích phát triển các không gian sáng tạo dựa trên nguồn lực di sản sẵn có. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, quận đã cải tạo, bảo tồn nhiều di tích, di sản kiến trúc cũ như: Tuyến phố Tràng Tiền, nhà số 40 Lãn Ông, một số biệt thự Pháp. Một số nơi trở thành không gian sáng tạo, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, như Trung tâm giao lưu phố cổ (50 Đào Duy Từ), Trung tâm giao lưu văn hóa phố cũ (49 Trần Hưng Đạo), Trung tâm văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm) cùng nhiều di tích khác.

“Những trung tâm văn hóa này là nơi tổ chức những sự kiện đậm nét văn hóa Hà Nội, quảng bá văn hóa Thủ đô, đồng thời khuyến khích sáng tạo, tăng sức hút đối với du khách. Thời gian tới, các hoạt động sáng tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh tại những nơi này”, ông Phạm Tuấn Long chia sẻ.

Có thể thấy, nguồn lực về di tích, di sản kiến trúc đang giúp cho Hà Nội phát triển không gian sáng tạo mang nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, những gì đã làm là chưa đủ. Với quỹ di sản dồi dào bậc nhất cả nước, Hà Nội vẫn còn nhiều tiềm năng cần được khai thác nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển với tầm vóc mới.

(Còn nữa)

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Dấu ấn sáng tạo từ “chứng tích” lịch sử, văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.