Chính trị

Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Hà Nội linh thiêng - nơi khơi nguồn sức mạnh dân tộc Bài 2: Phụ nữ đảm đang của Thủ đô thanh lịch

Văn Ngọc Thủy 20/06/2024 08:45

Gần 60 năm trôi qua nhưng mỗi khi có dịp hội ngộ, câu chuyện của những người phụ nữ là hạt nhân của phong trào “Ba đảm đang” trên quê hương Đan Phượng anh hùng vẫn sôi nổi như ngày nào.

Thời gian đã phủ trắng những mái đầu xanh, những nữ thanh niên phơi phới tuổi xuân năm nào nay đã thành cụ, thành bà, kẻ còn, người mất. Nhưng trong ký ức của họ, nhiệt huyết của một thời oanh liệt ấy vẫn như lửa cháy…

Trở về nơi khai sinh ra phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ Thủ đô, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện do chính những người trong cuộc kể, càng cảm động và khâm phục nghị lực của những người phụ nữ mộc mạc, chân chất.

Những người “nhóm lửa” cho phong trào lớn

Một ngày đầu tháng 6-2024, Hà Nội nắng như đổ lửa, tôi gặp lại các bà Nguyễn Thị Điểm, Nguyễn Thị Lịch - hai “cô gái đảm” năm nào, nay đều đã ở độ tuổi 80 nhưng vẫn còn mạnh khỏe, nhanh nhẹn. Chúng tôi cùng đến nhà thắp hương cụ Nguyễn Quý Thưởng, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện Đan Phượng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng từ năm 1957 đến 1979.

Hồi năm 2014, tròn 10 năm trước, cụ Thưởng 88 tuổi và còn rất khỏe mạnh, minh mẫn, cụ đã kể cho chúng tôi nghe về phong trào “Ba đảm nhiệm” (tiền thân phong trào “Ba đảm đang”). Cụ nhắc đến ba người phụ nữ đã mạnh dạn đề xuất phong trào là các bà Lê Thị Nhàn, Nguyễn Thị Quýnh và Bùi Thị Thái, cán bộ chủ chốt của Hội Phụ nữ Đan Phượng thời kỳ đó.

anh3.jpeg
Học sinh nữ Trường cấp II Yên Hòa, Hà Nội đăng ký phong trào “Ba đảm nhiệm” (sau này được Bác Hồ đặt tên phong trào “Ba đảm đang”). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thời điểm năm 1965, cả nước sục sôi không khí chiến đấu và lao động sản xuất xây dựng quê hương, tiếp lửa cho chiến trường miền Nam. Hầu hết thanh niên “Ba sẵn sàng” nô nức lên đường, ở lại quê hương đa phần là phụ nữ. Làm thế nào để phát huy được sức mạnh của lực lượng này là băn khoăn lớn của lãnh đạo huyện Đan Phượng khi ấy. Vì vậy, khi đại diện Hội Phụ nữ xin ý kiến về việc phát động một phong trào dành riêng cho phụ nữ, lãnh đạo Huyện ủy ủng hộ ngay.

Trong câu chuyện 10 năm trước, cụ Thưởng đã kể với chúng tôi, vào thời điểm đó, nỗi lo lớn nhất là kinh phí hoạt động. Là người nắm “chìa khóa” ngân sách, cụ Thưởng chỉ đạo: “Nghèo thì nghèo thật nhưng các cô cứ làm đi, huyện sẽ lo. Đất nước còn khó khăn, phải tiết kiệm từng hào, nhưng khi cần thì hàng trăm cũng phải tiêu!”. “Được lời như cởi tấm lòng”, các chị hăm hở bàn bạc, xây dựng kế hoạch bắt tay ngay vào việc “nhóm lửa” dù không nghĩ việc làm đó đã góp phần thổi bùng lên một phong trào mạnh mẽ, rộng khắp cả nước.

Bà Nguyễn Thị Điểm, nguyên Xã đội trưởng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp rồi Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng - 15 năm nay là Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Phùng kể: Hồi đó, bà mới 18 tuổi, tham gia phong trào ngay những ngày đầu, hăng hái lắm, chỉ nghĩ đơn giản là không có đàn ông ở nhà thì phụ nữ làm thôi. Cấy hay cày bừa, trồng điền thanh, nuôi bèo hoa dâu làm phân xanh..., việc gì phụ nữ cũng làm được, mà còn làm rất tốt. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Điểm ngày đó đã được phong danh hiệu “Kiện tướng nuôi bèo hoa dâu” nhiều năm liền. Cô cùng Đội Khoa học kỹ thuật của xã Song Phượng nuôi bèo hoa dâu giống cung cấp cho cả huyện, mùa đông rét đến mấy cũng chân trần lội xuống ruộng dập bèo, phun thuốc...

Sinh năm 1945, bà Nguyễn Thị Lịch làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Song Phượng từ năm 1963 đến tận năm 1979. Chồng đi chiến trường, ở nhà còn mẹ già, con vài tháng tuổi, nhưng khi phong trào “Ba đảm nhiệm” được phát động, bà hăng hái tham gia ngay. Bà Lịch nhớ, hồi đó, Hội Phụ nữ xã tổ chức mỗi thôn hai đội học cày, học cấy; chị em luân phiên nhau đến học cấy thẳng hàng tại sân kho hợp tác xã, mỗi đội học một tuần, ngả cây mạ ngay ngắn trên nền gạch. Ngày đi làm, tối đi họp, rồi đến từng nhà vận động thanh niên tòng quân, đi nhiều đến mức “nhẵn ngõ, chó quen”, trong khi thức ăn chỉ là mấy quả cà muối, su hào luộc chấm tương..., thế mà không biết mệt. Cũng trong năm 1965, bà Lịch được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với bà, đó thực sự là phần thưởng vô cùng thiêng liêng, quý giá.

anh-4.jpg
Bà Nguyễn Thị Lịch (trái) và bà Nguyễn Thị Điểm - "hai cô gái đảm” năm nay đã ở tuổi 80 vẫn hết lòng vì công việc chung. Ảnh: Ngọc Thủy

Cho đến hôm nay, những người phụ nữ “nhóm lửa” này vẫn đồng hành cùng nhau, là hạt nhân của nhiều phong trào trên quê hương Đan Phượng. Nhìn họ hết mình vì việc chung, chúng tôi như thấy nhiệt huyết của những cô gái mười tám, đôi mươi thuở nào…

Sức hút mạnh mẽ từ phong trào được Bác Hồ đặt tên

Với sức hút mạnh mẽ của phong trào “Ba đảm nhiệm”, chỉ sau một thời gian ngắn, Đan Phượng đã hình thành những phong trào lớn mang dấu ấn riêng của phụ nữ, như: Phong trào nuôi lợn ở Song Môn; nuôi bò ở Địch Thượng; san gò lấp trũng, trồng cây của các xã Hồng Thái, Liên Minh; phong trào “bốn đẹp” xây dựng nếp sống văn hóa mới; “ba không, ba đảm”, “nhuộm màn, dệt xô vì miền Nam”... Cũng chỉ sau thời gian ngắn, phong trào đã gây được tiếng vang và lan tỏa rộng khắp.

Tháng 3-1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trên toàn miền Bắc. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đổi tên thành phong trào “Ba đảm đang”. Với phong trào này, lịch sử đã ghi một mốc son trong quá trình hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng với việc xuất hiện rất nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu, lập thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”.

Phụ nữ thủ đô tham gia đồng diễn trong Chương trình “Hà Nội kết nối – Vươn xa” do Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Phụ nữ Thủ đô tham gia đồng diễn trong Chương trình “Hà Nội kết nối - Vươn xa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Phát huy truyền thống vẻ vang ấy, những người phụ nữ đảm đang của Thủ đô thanh lịch hôm nay đã triển khai nhiều phong trào trên mọi lĩnh vực đời sống, chú trọng bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người yếu thế, tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớn, có sức lan tỏa, tôn vinh nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Đặc biệt là các phong trào lớn, xuyên suốt như “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”.

Từ mảnh đất cội nguồn của những phong trào lớn, có thể kể ra những công việc đã được các mẹ, các chị em làm hằng ngày như "Phụ nữ Thủ đô xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Phụ nữ vun trồng tương lai”, “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số”, “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo”; “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp"; “Đồng hành cùng con”…

Những người phụ nữ Hà Nội hôm nay vẫn là người “giữ lửa” trong gia đình, đồng thời tiếp tục “nhóm” lên nhiều phong trào thi đua, đồng hành cùng nhau bồi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; phát huy thế mạnh của phụ nữ đóng góp vào công cuộc xây dựng Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

(Còn nữa)

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Hà Nội linh thiêng - nơi khơi nguồn sức mạnh dân tộc Bài 2: Phụ nữ đảm đang của Thủ đô thanh lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.