(HNM)- Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và làm chủ vận mệnh của chính mình.
Mít tinh trước Nhà hát Lớn Hà Nội
- Thưa ông, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự tỉnh táo, chính xác của Đảng và Bác Hồ trong việc đánh giá thời cơ và tận dụng thời cơ. Trong những trao đổi trước đây, ông từng khẳng định tính chất "đặc sắc và độc đáo" của việc này. Xin ông cho biết rõ.
- Độc đáo ở đây là đánh giá chính xác được thời cơ, biết trước được để có sự chuẩn bị, khi thời cơ đến là không chậm trễ hành động. Có nhiều quốc gia đã không dự báo được thời cơ hoặc không có sự chuẩn bị nên thời cơ đến lại không tận dụng được. Cũng giống như cơ hội đi qua cuộc đời mỗi người cũng thế thôi, khi nó đến, ta không biết hoặc thụ động sẽ để tuột mất. Chớp đúng thời cơ để khởi nghĩa thì thành công. Khởi nghĩa non (chưa có thời cơ), hoặc chậm khởi nghĩa (để lỡ thời cơ) thì sẽ thất bại.
Còn đặc sắc chính là không quá sớm và không quá muộn, chọn chính xác thời điểm phát xít yếu đủ để lật đổ, trong khi quân đồng minh chưa kịp vào. Nhiều nước đợi quân đồng minh đến giải phóng cho mình, khi họ vào tiêu diệt phát xít đồng thời cũng loại bỏ luôn lực lượng kháng chiến và lập ra chính quyền theo ý họ. Còn Việt Nam ta, Đảng và Bác Hồ xác định chúng ta phải đứng ở vị thế người làm chủ đất nước trước khi quân đồng minh vào. Cái hay ở chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ trong Cách mạng Tháng Tám là như vậy.
- Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đánh giá thời cơ, chuẩn bị lực lượng và tận dụng thời cơ giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám là cực kỳ to lớn. Xin ông cho biết tư tưởng của Người về vấn đề này?
- Các nhà nghiên cứu đều đánh giá Bác Hồ là bậc thầy về tạo lực, lập thế, tranh thời. Trước hết, Người có ý thức đầy đủ về vấn đề thời cơ. Trong bài thơ Học đánh cờ, Người viết: "Phùng thời, nhất tốt khả thành công" (Gặp thời, một tốt có thể thành công), ý thức như vậy nên Người đặc biệt coi trọng dự đoán thời cơ. Ở Hội nghị VIII của TƯ vào tháng 5-1941, Bác chủ trì có hẳn một phần dự đoán thời cơ về các khả năng có thể xảy ra, trong đó có một khả năng là quân đồng minh đại thắng. Ở Quế Lâm (Trung Quốc), Bác cũng đã dự đoán được khả năng phát xít thất bại. Về nước tháng 10-1944, trong Thư gửi đồng bào cả nước, Bác còn dự đoán rằng cơ hội để dân tộc ta đứng lên giải phóng sẽ đến trong vòng 1 năm hoặc 1 năm rưỡi.
Khi thời cơ đến, Bác thể hiện thái độ hành động cực kỳ kiên quyết và chủ động. Người nói với đồng bào: "Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh". Trong tác phẩm "Những chặng đường lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết lại những lời Bác dặn rằng, thời cơ "ngàn năm có một" đã đến, "dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập". Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Bác viết: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Quan điểm của Bác về thời cơ còn là không phải mình cứ ngồi im đó chờ nó đến. Theo Người, một là mình phải chuẩn bị lực lượng chu đáo để đón thời cơ. Hai là phải chủ động thúc đẩy cho thời cơ mau đến.
- 65 năm sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, những bài học về thời cơ vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày nay. Ông đánh giá thế nào về thời cơ của đất nước chúng ta và cách mà chúng ta chuẩn bị để không bỏ lỡ thời cơ này?
- Toàn cầu hóa mang lại lợi ích rất lớn cho tất cả các quốc gia. Nên hội nhập trở thành nhu cầu của tất cả các quốc gia, dân tộc bất kể nước giàu nghèo, lớn, nhỏ, tư bản hay xã hội chủ nghĩa, phát triển hay đang phát triển. Cơ hội là của chung cho tất cả, nhưng lợi ích không bao giờ chia đều. Nên giống như muốn cách mạng thành công phải chuẩn bị lực lượng tốt, muốn hội nhập thành công phải ngày càng xây dựng thực lực mạnh mẽ. Muốn đánh bạt được hàng nước ngoài thì hàng trong nước phải tốt lên, chứ không thể ngồi chờ bao sân, Nhà nước cấm nhập được. Tôi lấy ví dụ: Trước đây phích nước Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, nhưng khi phích Rạng Đông tốt lên tự dưng bị đẩy ra. Hay trước đây bia Vạn Lực Trung Quốc tràn ngập từ Bắc chí Nam, nhưng khi bia trong nước phát triển lên thì bia Trung Quốc tự khắc cũng không còn chỗ đứng.
Ngoài ra, muốn không bỏ lỡ thì phải đánh giá trước được xu thế và triển vọng. Nên công tác dự báo cần được đầu tư nhiều hơn.
- Trong Cách mạng Tháng Tám, cha anh chúng ta bên cạnh việc tận dụng thời cơ thành công, cũng đã hết sức thận trọng và có giải pháp đối với nguy cơ. Ông có liên hệ gì với giai đoạn hiện nay?
- Mở cửa thì đương nhiên có gió mát vào nhà, nhưng đôi khi cũng cuốn theo những thứ không mong muốn. Nên đi cùng với thời cơ thường là nguy cơ. Hiện nay có nhiều nguy cơ khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất cần thiết để đối phó nguy cơ thành công, chúng ta phải có sự chuẩn bị chu đáo cả về dự báo và những điều kiện để đối phó với chúng. Đây cũng là vấn đề không chỉ ở tầm vĩ mô mà còn là vấn đề của các doanh nghiệp, tổ chức và mỗi cá nhân. Mỗi người không tự biết về nguy cơ sẽ bị nó làm tha hóa hoặc đơn giản như những chứng nghiện game, nghiện internet mà chúng ta vẫn đang tìm hướng giải quyết hiện nay…
Một điều khác mà tôi muốn nói ở đây là để tận dụng thời cơ mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cũng như muốn tránh được nguy cơ, chúng ta phải đoàn kết ngày càng mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn như các doanh nghiệp, nếu họ không biết hợp sức (trên thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam làm chưa tốt điều này), họ có thể thắng trong cuộc đấu nhỏ, nhưng thua trong cuộc đấu lớn hay nói cách khác là tận dụng được thời cơ nhỏ, nhưng bỏ lỡ thời cơ lớn. Đó đều là những bài học quý báu mà ta có thể học được từ Cách mạng Tháng Tám, từ Đảng và Bác Hồ kính yêu.
- Chúng ta đang sống trong những ngày cận kề với sự kiện trọng đại của Thủ đô, của đất nước là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông suy nghĩ gì về thời cơ của Hà Nội và làm gì để Thủ đô của chúng ta cất cánh?
- Hà Nội luôn có nhiều lợi thế nhất cả nước để phát triển, có lẽ không cần nói thêm về vị trí, vai trò mà hai từ Thủ đô đã nói lên tất cả. Theo tôi, Hà Nội cần nhìn lại mình để xem cái chính là thực lực của mình có mạnh hay không, cần bổ sung, chuẩn bị điều kiện, lực lượng thế nào để có thể tận dụng được những lợi thế đó, cũng như những thời cơ chung và riêng ở thời kỳ hội nhập quốc tế mang lại.
Để Thủ đô thực sự cất cánh được thì thực lực phải mạnh. Mà thực lực mạnh phải đến từ từng người dân. Ví dụ như trước cơ hội mở mang du lịch, hợp tác quốc tế to lớn mà Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang mang đến, mỗi người dân từ một người đạp xích lô hay một người bán hàng, hướng dẫn viên bằng nụ cười, ánh mắt, thái độ lịch thiệp của người Tràng An cũng sẽ in sâu vào tâm trí, đậm dấu ấn trong mắt bạn bè quốc tế. Nghĩa là mỗi người Hà Nội đều có thể làm công tác đối ngoại, làm du lịch hoặc góp công cho Thủ đô tận dụng được thời cơ này để phát triển du lịch, hội nhập quốc tế.
Theo tôi nghĩ, mỗi người Hà Nội đều cần tự hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình trước thời cơ của Thủ đô. Trước đây tinh thần chiến đấu của người Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám đã đi vào lịch sử của thế giới. Nên trong điều kiện hòa bình, hội nhập kinh tế hiện nay, con người Hà Nội cũng cần phải thể hiện cho thật tương xứng.
Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.