Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học về dùng chung hạ tầng

Việt Nga| 26/01/2013 08:02

(HNM) - Sau một năm ngành bưu chính mở cửa thị trường chuyển phát cho phép các doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ này theo cam kết của WTO, các DN trong nước đều tăng trưởng.

Theo cam kết, từ thời điểm ngày 11-1-2012, các DN 100% vốn nước ngoài được phép kinh doanh lĩnh vực chuyển phát thay vì trước đây buộc phải chọn hình thức liên doanh với DN trong nước. Do vậy, cũng là dễ hiểu khi nhiều ý kiến cho rằng, các DN "nội" sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các công ty hàng đầu thế giới về chuyển phát nhanh trong năm 2012.


Xe vận chuyển bưu kiện của Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành.


Một vấn đề khác, đó là trong năm 2012, những khó khăn từ nền kinh tế cộng với giá xăng, dầu liên tiếp tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh dịch vụ, trong đó có lĩnh vực chuyển phát. Cụ thể, nếu như trước, khách hàng lựa chọn hình thức chuyển phát nhanh giá cước cao thì nay để tiết kiệm chi phí họ chọn hình thức chuyển phát chậm hơn; hay xăng, dầu tăng tới 9 lần trong khi giá cước dịch vụ không thể điều chỉnh liên tục theo giá xăng... Song, thực tế, kết thúc năm 2012 các DN bưu chính trong nước đều đạt tăng trưởng về doanh thu. Cụ thể, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) đạt tổng doanh thu phát sinh 10.805 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2011; lợi nhuận là 42,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2011. Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel đạt tổng doanh thu hơn 800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2011, lợi nhuận sau thuế tăng 3,6%. Công ty CP Hợp Nhất đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm trước, tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là 25%. Các DN chuyển phát nhanh, như Netco, Tín Thành cho biết doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng trên hai con số.

Đại diện các DN bưu chính lớn cho biết, sở dĩ họ đã vượt qua nhiều khó khăn trong năm 2012 là nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng sản xuất, kinh doanh, hợp tác phát triển kinh doanh thêm các dịch vụ tài chính bưu chính, xây dựng các trung tâm khai thác, vận chuyển... Mặt khác, tuy mở cửa hoàn toàn thị trường chuyển phát, nhưng do quy mô thị trường nhỏ nên DN nước ngoài chưa tìm thấy cơ hội tốt để họ thành lập công ty 100% vốn. Thực tế là trong năm 2012, cũng có một số DN nước ngoài thực hiện khảo sát, tìm hiểu thị trường chuyển phát tại Việt Nam và có một đối tác nước ngoài trở thành cổ đông của Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành. Dự báo trong thời gian tới, các DN nước ngoài sẽ tiếp tục lựa chọn hình thức hợp tác kinh doanh DN bưu chính trong nước.

Một điểm nổi bật của các DN bưu chính "nội" trong năm qua là giữa các đơn vị này (gồm cả DN lớn lẫn DN nhỏ) đã cùng sử dụng chung hạ tầng bưu chính bằng việc dùng chung mạng vận chuyển. Với thế mạnh sở hữu hàng trăm xe ô tô chạy liên tỉnh, hai đơn vị lớn là Bưu điện TP Hà Nội và Tổng Công ty Bưu chính Viettel đã nhận đại lý vận chuyển phát nhanh. Cụ thể, Bưu chính Viettel cùng các công ty chuyển phát nhanh khác cùng vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện tuyến liên tỉnh theo hình thức đại lý; Bưu điện Hà Nội nhận đại lý chuyển phát nhanh liên tỉnh các chuyến chiều từ các địa phương về Hà Nội.

Như vậy, nếu như ở ngành viễn thông, cách đây hơn 7 năm, các nhà mạng đã cùng ngồi bàn tới vấn đề dùng chung hạ tầng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, thì ngành bưu chính mới chỉ cùng đề cập tại cuộc tọa đàm đầu năm 2012 do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức thì ngay sau đó họ đã cùng phối hợp triển khai. Sự hợp tác này giữa các DN không chỉ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng là bài học cho không ít ngành khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài học về dùng chung hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.