Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học từ việc “đổi đất lấy hạ tầng”

Bài, ảnh: Tống Ngọc Thanh| 15/03/2010 08:16

(HNM) - Để tìm nguồn vốn đối ứng, lấy kinh phí trả nợ cho việc xây dựng trụ sở làm việc, UBND xã Đại Thành đã lập tờ trình, đề nghị UBND huyện Quốc Oai cho phép mở rộng đối tượng cấp đất giãn dân. Trong khi UBND huyện chưa có quyết định giao đất, lãnh đạo xã đã tự ý tạm thu tiền sử dụng đất của các hộ dân. Hậu quả là từ năm 2006 đến nay, hàng chục hộ dân xã Đại Thành đã nộp tiền nhưng không được nhận đất...

Trước thời điểm 1-8-2008, Đại Thành là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Là xã thuần nông, không có nghề phụ, thu nhập bình quân tính theo đầu người thấp, hệ thống hạ tầng cơ sở yếu kém, trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND xã chỉ gói gọn trong ngôi nhà cấp 4, 3 gian đã siêu vẹo, mục nát. Ấp ủ hy vọng làm thay đổi diện mạo địa phương, chính quyền xã Đại Thành tìm đủ mọi cách để có kinh phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Ban đầu, UBND xã kiến nghị UBND huyện Quốc Oai cho phép lập hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn kinh phí nhưng việc này không thực hiện được, do xã Đại Thành nằm trong vùng phân lũ. Để hợp thức hóa chủ trương, lãnh đạo xã Đại Thành tiếp tục có tờ trình, đề nghị UBND huyện cho phép mở rộng phạm vi đối tượng cấp đất giãn dân, tiền sử dụng đất thu được sẽ dùng để xây dựng hệ thống hạ tầng tại địa phương. Quan điểm này được UBND huyện Quốc Oai đồng tình, tuy nhiên chỉ là nói miệng tại các cuộc họp giao ban, chứ không có văn bản. Yên tâm vì đã có UBND huyện "bật đèn xanh", lãnh đạo xã Đại Thành triển khai ngay việc xây dựng mới trụ sở làm việc. Vốn phân bổ xây dựng trụ sở ủy ban được cấp 600 triệu đồng, nhưng xã Đại Thành đã xây trụ sở mới hết 2,1 tỷ đồng. Số tiền còn lại, đơn vị thi công ứng ra toàn bộ. Trụ sở mới đã xây xong, lãnh đạo xã lập danh sách gồm 57 hộ dân đủ điều kiện cấp đất giãn dân trình UBND huyện ký quyết định, hy vọng sớm thu được khoản tiền sử dụng đất các hộ dân đóng góp. Trong khi UBND huyện chưa có quyết định giao đất, tháng 11-2006, lãnh đạo xã Đại Thành đã tự ý tạm thu của mỗi hộ dân từ 5 triệu đến 20 triệu đồng. Oái oăm thay, khi danh sách 57 hộ dân xin cấp đất giãn dân của xã Đại Thành gửi lên, đợt 1, UBND huyện Quốc Oai chỉ phê duyệt 19 trường hợp. Không được giao đất, các hộ dân còn lại lập tức khiếu kiện. Tại thời điểm đó, UBND xã Đại Thành hứa với các hộ dân sẽ tiếp tục đề nghị UBND huyện phê duyệt cấp đất đợt 2, nếu hộ nào không đồng ý sẽ trả lại tiền đặt cọc. Toàn bộ số tiền tạm thu của các hộ dân (362 triệu đồng) được UBND xã mang trả nợ cho đơn vị thi công trụ sở và làm đường liên xã. Hơn 3 năm trôi qua, tiền tạm ứng của dân đã sử dụng hết trong khi UBND huyện chưa phê duyệt phương án cấp đất giãn dân nên "lãnh đạo xã Đại Thành chịu cái tiếng lừa đảo"...

Khu đất giãn dân của xã Đại Thành, huyện Quốc Oai.

Trong đơn gửi Báo Hànộimới, ông Nguyễn Kim Ty (thôn Độ Tràng, xã Đại Thành) bày tỏ bức xúc: "Gia đình tôi phải đi vay lãi 4% để gom đủ số tiền 20 triệu đồng nộp cho UBND xã. Giờ đây, đất không được nhận, lại mang nợ tiền gốc, tiền lãi hằng tháng. Cứ đà này, một gia đình nông thôn như gia đình tôi sẽ bị vỡ nợ...".

Khi được hỏi về số tiền tạm thu của các hộ dân, ông Nguyễn Anh Nhi (Chủ tịch UBND xã Đại Thành) thừa nhận: "Việc tự ý tạm thu tiền của các hộ dân khi UBND huyện Quốc Oai chưa có quyết định giao đất là sai quy trình, tôi và các đồng chí lãnh đạo xã xin nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Phần vì nôn nóng, phần vì sợ các hộ dân không trả tiền khi đã được bàn giao đất nên xã phải tính đến chuyện tạm thu. Chúng tôi cam đoan, số tiền này được sử dụng đúng mục đích để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương, không có cá nhân nào tư túi.

Đến ngày 26-1-2010, UBND huyện Quốc Oai đã có Thông báo số 12/TB-UB phê duyệt danh sách cấp đất giãn dân cho 21 hộ dân

đợt 2, nâng tổng số lên 40 hộ, trong đó có gia đình ông Nguyễn Kim Ty. Loại trừ một số trường hợp rút tên khỏi danh sách, hiện xã Đại Thành chỉ còn 10 trường hợp chưa được xem xét, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với UBND huyện. Trong trường hợp bất khả kháng, UBND xã sẽ hoàn trả tiền 10 hộ dân này cộng với lãi suất ngân hàng tính từ thời điểm năm 2006...".

Để làm rõ vấn đề, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng Lâm (Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai) thì được biết, Đại Thành là xã nghèo của huyện. Việc xây dựng trụ sở, làm đường giao thông liên thôn, liên xã, việc tạm thu tiền của dân sai quy trình là có thật. Sau khi nhận được đơn tố cáo của một số hộ dân, UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh. Nếu việc làm của lãnh đạo xã Đại Thành xuất phát từ lợi ích chung, không có tư lợi cá nhân thì UBND huyện Quốc Oai sẽ tìm cách tháo gỡ dần dần trên cơ sở đúng pháp luật. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, huyện sẽ kiên quyết xử lý cán bộ có sai phạm. Ông Nguyễn Đức Uy (Chánh Thanh tra huyện Quốc Oai) cũng cho biết, tổ xác minh đã về làm việc với lãnh đạo xã Đại Thành và một số hộ dân đứng đơn tố cáo. Sau khi thu thập đủ tài liệu, Thanh tra huyện sẽ sớm có văn bản báo cáo và kiến nghị đề xuất gửi UBND huyện Quốc Oai xem xét.

Có thể thấy, việc UBND huyện Quốc Oai đồng ý phê duyệt 21 suất đất giãn dân "tồn tại do lịch sử để lại" đã phần nào giảm được khó khăn, bức xúc không chỉ đối với người dân mà còn như một cái "phao" đối với lãnh đạo xã Đại Thành. Tuy nhiên, đây cũng là bài học đắt giá trong việc "đổi đất lấy hạ tầng" mà thực hiện nóng vội, bỏ qua các thủ tục pháp lý cần thiết… Không chỉ ở Đại Thành còn ở nhiều địa phương khác...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ việc “đổi đất lấy hạ tầng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.