Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học từ hai câu chuyện

Dục Tú| 15/09/2011 06:53

(HNM) - Lĩnh vực giải trí đang đổ bệnh, sau những tháng ngày dài ủ mầm mống. Thể thao với cái đỉnh là bóng đá, và điện ảnh, mảng quan trọng của nghệ thuật đang phô bày sự khiếm khuyết đã đến hồi cần đại phẫu.


1. Không cần chờ tới cuộc họp tổng kết mùa giải "vê lích" 2010-2011 với những lời phát biểu "thẳng như ruột ngựa", "chưa từng thấy" được ví như bom phát nổ của ông bầu CLB Hà Nội ACB - Nguyễn Đức Kiên thì góc khuất u tối của bóng đá Việt Nam mới lộ sáng. Kể từ năm 1997, sau trường hợp từ biên phải quay người nã cú đại bác vào… lưới nhà của trung vệ Lã Xuân Thắng (CLB Công an Hà Nội), người ta biết mười mươi bóng đá nội có chuyện! Cái "chuyện" ấy thật buồn đến tận giờ, qua những vụ kỷ luật tuyển thủ khi đang dự giải quốc tế, rồi một loạt tuyển thủ, trọng tài phải vào tù sau đó vì bán độ. Năm nay, trước cái sự chẳng đặng đừng liên quan đến sự thiếu công tâm của "vua áo đen", hai trọng tài bị xử treo còi vĩnh viễn. Như thế đã là xử đủ, là xử nghiêm?

Hệ thống điều hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiều lúc vận hành chậm sau những sự cố, cứ luôn mải miết "chứng cứ đâu" dù có "mùi" ở một số trận đấu mà dân trong nghề chỉ thoáng qua là biết. Phương pháp "thí tốt" - từ mà truyền thông thỉnh thoảng sử dụng khi Liên đoàn "trảm" ai đó mang màu sắc giải quyết tình thế - gần với trấn an dư luận hơn là động tới gốc vấn đề. Cái gốc ấy là tính chuyên nghiệp, tầm nhìn xa, sự minh bạch, hướng tới tổng thể thay vì "mùi bốc tới đâu xịt nước hoa tới đấy" và dồn sức cho mục tiêu gần. Nhiều người hân hoan trước sự đổ tiền không tiếc tay vào bóng đá của doanh nghiệp, nhiều mùa giải qua đi liền với cụm từ "thành công" dù bốn phía khán đài hiu hắt dần. Tiền tươi bỏ ra, những mong được nhiều người biết tới, liệu những ông chủ giàu có cam chịu mãi cảnh đìu hiu xung quanh sân cỏ?

Chẳng phải đã có lời bóng gió tẩy chay giải do Liên đoàn tổ chức từ phía những nhà đầu tư nhiều nhất cho bóng đá Việt Nam! Không lẽ như Chủ tịch CLB Hoàng Anh - Gia Lai là Đoàn Nguyên Đức và vài vị nữa như Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch CLB Hà Nội ACB… mà bỏ giải chung, tình huống xấu nữa là bỏ bóng đá thì "vê lích" ra thế nào? Lứa cầu thủ tiềm năng ở học viện bóng đá tại ngoại ô TP Plâyku ngày mai sẽ ra sao? Chắc chắn là có những hệ lụy nghiêm trọng không thể lường trước được.

Bài học với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ở kỳ tổng kết mùa giải 2010-2011 vừa qua là rất lớn. Những gì diễn ra ở VFF đang làm ảnh hưởng tới lòng tin của nhiều cổ động viên chân chính. Điều mà VFF cần làm lúc này là mổ xẻ vấn đề một cách triệt để. Muốn vậy, hãy "chuyên cho ra chuyên", từ con người đến cách thức vận hành hệ thống!

2. Vụ thất thoát 42 tỷ ở Cục Điện ảnh Việt Nam và lá đơn từ chức của cục trưởng, phó cục trưởng lại khác chuyện của VFF khá nhiều về hình thức. Một phía có người tự xin "treo ấn", một phía không - ít nhất là cho đến giờ này. Nhưng cả hai phía đều có tổn thất về uy tín, của cá nhân và cả của hệ thống mà họ được cử là đại diện.

Đơn từ chức của hai vị nọ, thậm chí là cả khoản thất thoát mấy chục tỷ đồng lẽ ra không đáng tốn giấy mực đến thế (bởi đã có và sẽ tiếp tục có phán xử nghiêm khắc của cơ quan chức năng) nếu điện ảnh trong những năm qua có nhiều tác phẩm lớn theo đúng nghĩa của từ này. Ta đã có gì đáng được gọi là lớn? "Dàn" phim kỷ niệm dịp 2010 không suôn sẻ. Phim truyện nhựa ít khi so đọ được với những gì của nước ngoài thường ra rạp. Những gì đáng gọi là kịch bản hay? Thời buổi làm gì cũng cần đầu tư, chưa có gì đáng kể mà cả đống tiền "không cánh mà bay", sự xót xa lên đỉnh điểm là vì thế.

Bài học của điện ảnh chẳng khác gì mấy, cũng là về một chữ "chuyên". Ở đây là chuyên tâm, chuyên nghiệp quản lý.

Bởi thế, phía sau bài học riêng của VFF và Cục Điện ảnh còn là bài học chung về cách dùng người, thái độ của công chức nhà nước với chức phận và công chúng. Thử hỏi xem, bài học này đáng để cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta ở cái tâm, cái nghiệp với nghề?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ hai câu chuyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.