(HNNN) - Vào mùa xuân lịch sử cách đây 46 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã có bước phát triển nhảy vọt, với một ngày bằng 20 năm, nhanh chóng tiến về thành phố, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam vào ngày 30-4-1975. Quân đội Sài Gòn khi đó với trên 1 triệu binh lính, hàng ngàn xe tăng, máy bay, hàng vạn khẩu pháo đã phải đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh tổng hợp của lực lượng cách mạng.
1. Với đạo quân đông trên 1 triệu người, được trang bị hỏa lực rất mạnh, lại chiếm giữ vùng đất rộng lớn, trong đó có những địa bàn chiến lược ở khắp miền Nam, chế độ ngụy quyền Sài Gòn tưởng như bền vững lâu dài và chắc mẩm không thể bị đánh bại trên chiến trường. Trong suốt khoảng 2 thập niên, quân đội Việt Nam Cộng hòa và đồng minh Hoa Kỳ tin vào sức mạnh quân sự của mình, luôn lấy mạnh đánh yếu, lấy nhiều thắng ít để chống đạo quân du kích của đối phương.
Tuy nhiên, sau sự kiện Phước Long, cuộc chiến ở miền Nam đã bước vào thời kỳ mới và đến đầu năm 1975 đã đủ điều kiện để ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hơn thế nữa, bối cảnh quốc tế lúc đó cũng hướng cách mạng miền Nam vào thế tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn càng sớm càng tốt.
Tiến trình trên bắt đầu từ một điểm ở vùng rừng núi Trường Sơn. Trận mở màn then chốt thắng lợi của Quân giải phóng ở Buôn Ma Thuột đẩy toàn bộ quân đội Sài Gòn ở vùng cao nguyên vào tình thế hỗn loạn và rút chạy khỏi Tây Nguyên. Quân đội cách mạng ở vùng rừng núi Trường Sơn đã nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở Vùng 2 chiến thuật với hầu hết quân đoàn 2 của địch, khoảng 10 vạn quân địch bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống. Từ đây, hệ thống phòng ngự chiến lược của địch ở toàn miền Nam bị đảo lộn. Sự kiện Tây Nguyên giống như hiệu ứng đô mi nô kéo toàn bộ các quân bài khác đổ theo.
Trong 10 ngày cuối tháng 3-1975, Quân giải phóng tiến công địch và giải phóng cả một vùng rộng lớn từ Quảng Trị đến Đà Nẵng. Sự kiện giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3 đã mở ra thời kỳ phát triển nhảy vọt cho cách mạng miền Nam: Một ngày bằng 20 năm.
Với tinh thần thần tốc, táo bạo, trong tháng 4-1975, Quân giải phóng miền Nam tiến công địch với khí thế hào hùng nhất, thế chẻ tre, áp đảo địch và đã kết thúc với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trong khoảng 1 tháng rưỡi, toàn bộ hệ thống chính trị của địch, toàn bộ quân đội Sài Gòn bị đập tan. Ngày 30-4-1975, hòa bình được lập lại, non sông được thu về một mối.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 được đánh giá là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh. Trong những chiến dịch cuối cùng của công cuộc đấu tranh giải phóng Tổ quốc, lực lượng của ta đã tiến công địch với khí thế hùng mạnh nhất: Đánh địch tổng lực với thế chẻ tre. Chiến thắng mùa xuân 1975 có cội nguồn sâu sắc từ sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi tất yếu đã viết nên trang sử vàng rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc.
2. Với tinh thần, khí thế chiến thắng 30-4-1975, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt dân tộc giành nhiều thắng lợi quan trọng, trong đó không thể không kể đến 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước chưa hoàn toàn hòa bình, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhưng công cuộc xây dựng, phát triển chủ nghĩa xã hội vẫn đúng hướng, giành nhiều kết quả tích cực. Bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, dấu ấn trên trường quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Nền kinh tế phát triển không ngừng với tốc độ cao, an sinh xã hội được bảo đảm.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
3. Khẳng định trên càng được chứng minh rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 khi chúng ta thực hiện “mục tiêu kép” - vừa chống dịch hiệu quả vừa thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội suốt hơn 1 năm qua. Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã gây nên khủng hoảng ở quy mô toàn cầu với những tổn thất to lớn về kinh tế, nhân lực cho mọi quốc gia và là tác nhân ngăn cản hoặc chí ít làm chậm lại dòng chảy phát triển của lịch sử nhân loại. Ngay cả các cường quốc giàu mạnh bậc nhất thế giới cũng lao đao.
Với tiềm lực kinh tế và hệ thống y tế còn hạn chế so với nhiều quốc gia phát triển, khi dịch xuất hiện ở Việt Nam, cả đất nước đã đồng lòng vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Một lần nữa, tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc lại được khơi dậy, giúp Việt Nam trở thành một điển hình thế giới về chống dịch, duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Mỗi khi có điểm dịch xuất hiện, nhiều lực lượng được huy động để “gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Các cơ quan hữu trách vào cuộc để khẩn trương truy vết, quản lý, cách ly phù hợp; tổ chức thực hiện khoanh vùng dập dịch quyết liệt nên dịch ở Việt Nam không bùng lan như ở nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh hệ thống chính trị và tổ chức y tế chuyên môn vào cuộc, các hoạt động thiện nguyện của nhân dân, của các tổ chức xã hội đã góp phần quan trọng, tích cực vào cuộc đấu tranh “chống giặc Covid-19”. Hình ảnh sinh động ở các địa phương về “cây ATM gạo”, “cây ATM thực phẩm”, về hành động tặng quà, phát khẩu trang miễn phí... xuất hiện khắp mọi miền đất nước. Tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” - một truyền thống tốt đẹp của Việt Nam được phát huy cao độ trong cơn bão dịch Covid-19. Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 vẫn đạt 2,91%, mức tăng trưởng cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Kết quả đó góp phần giúp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%, thuộc nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới; bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,99%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (5,91%) và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.
Cách đây 46 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi rực rỡ. Ngày nay, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid -19, Việt Nam đã giành được những thắng lợi mang tính quyết định, nhưng kinh nghiệm lịch sử, kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc luôn chỉ ra rằng, không thể chủ quan, tự mãn và phải luôn phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi hoàn toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.