LTS: Trong số 41 bệnh viện công lập của Hà Nội mới thu hút được 71 đề án xã hội hóa, chỉ đạt gần 20% so với Đề án của UBND TP Hà Nội. Vậy đâu là rào cản?
LTS: Xã hội hóa trong các bệnh viện công lập nhằm huy động nguồn lực của xã hội, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân là chủ trương của Đảng, Nhà nước, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 06/2009/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội và Đề án 100/ĐA-UBND của UBND thành phố. Song trên thực tế thực hiện mô hình này, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều cơ sở y tế chưa xác định rõ công - tư và còn nhiều bất cập cần khắc phục.
Bài đầu: Quản lý chưa tròn vai
Giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội tại các bệnh viện công lập cho thấy, chủ trương xã hội hóa đã mang lại hiệu quả cao, người bệnh được chẩn đoán, điều trị bằng kỹ thuật hiện đại, còn đội ngũ bác sĩ được nâng cao trình độ tay nghề, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong số 41 bệnh viện công lập của Hà Nội mới thu hút được 71 đề án xã hội hóa, chỉ đạt gần 20% so với Đề án của UBND TP Hà Nội. Vậy đâu là rào cản?
Xã hội hóa trong bệnh viện công lập giúp người bệnh được chẩn đoán, điều trị bằng kỹ thuật hiện đại, còn đội ngũ bác sĩ có điều kiện nâng cao trình độ. Ảnh: TTXVN |
Vướng về thủ tục
Theo Đề án 100/ĐA-UBND của UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2009-2015 sẽ huy động khoảng 1.400 tỷ đồng cho các trang thiết bị y tế mũi nhọn như chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, các can thiệp bằng công nghệ có chất lượng cao, trong đó nguồn ngân sách là 400 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua gần 5 năm triển khai, toàn ngành y tế mới thu hút được 71 đề án xã hội hóa. Sau khi Sở Y tế rà soát, chỉ còn 53 đề án đủ điều kiện cho phép triển khai, trong đó, 13 đề án đã kết thúc quá trình triển khai còn lại 40 đề án với nguồn vốn 170 tỷ đồng đang triển khai tại 13 bệnh viện công lập theo 3 mô hình: "Đối tác và cơ sở y tế sử dụng tài sản là nhà cửa, cơ sở hạ tầng để liên doanh, liên kết"; "cơ sở y tế công lập và đối tác liên doanh cùng góp vốn mua sắm trang thiết bị phục vụ y tế hoạt động"; "đối tác lắp đặt trang thiết bị, cơ sở công lập tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ y tế". Trong 40 đề án đang triển khai, chỉ có một đề án theo mô hình "đối tác và cơ sở y tế sử dụng tài sản là nhà cửa, cơ sở hạ tầng để liên doanh, liên kết" tại Bệnh viện Thanh Nhàn chưa xong thủ tục giải phóng mặt bằng.
Lý giải kết quả chưa như mong đợi, Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Thị Liên cho biết, rất nhiều bệnh viện công lập có nhu cầu huy động nguồn xã hội hóa và bản thân các đối tác cũng sốt sắng mong muốn được đầu tư, nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn trong việc xác định tính chất góp vốn. Hơn nữa, trên địa bàn Hà Nội có nhiều bệnh viện trung ương, do vậy sự cạnh tranh về lựa chọn dịch vụ kỹ thuật, khó hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là các bệnh viện hạng III. Thêm nữa, các nhà đầu tư chỉ lựa chọn khai thác những lĩnh vực dễ thu lợi nhuận, nên ngành khó đạt chỉ tiêu về xã hội hóa…
Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội cho thấy, bản thân Sở Y tế - cơ quan chủ quản cũng lúng túng trong hướng dẫn các đơn vị triển khai nhiệm vụ này. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - đơn vị thực hiện chủ trương xã hội hóa sớm (từ năm 2005), nhưng cũng mới có 3 đề án được triển khai, trong khi đó nhu cầu của bệnh viện và cả đối tác lớn hơn nhiều. Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Nguyễn Gia Thức, hiện tại bệnh viện có nhu cầu đặt máy cộng hưởng từ, máy tán sỏi, máy chụp cắt lớp công nghệ mới… nhưng không thể triển khai tiếp do vướng mắc trình tự, thủ tục. Bởi, theo hướng dẫn của Sở Y tế, cơ sở vật chất thực hiện xã hội hóa phải không liên quan đến bệnh viện, nhân lực riêng và phải có chứng chỉ hành nghề thì đề án mới được phê duyệt. Điều này là khó. 5 đề án của bệnh viện đang "tắc" vì những lý do trên.
Đề án xã hội hóa tại Bệnh viện Thanh Nhàn chưa xong thủ tục GPMB. |
Cơ quan chủ quản vẫn lúng túng
Thực hiện chủ trương xã hội hóa, thời gian qua, Sở Y tế cũng đã vào cuộc tích cực, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở thực hiện, thành lập ban chỉ đạo xã hội hóa, tổ chức thanh tra, kiểm tra… nhưng hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa như ý. Thậm chí, một số phòng, ban chuyên môn của Sở còn lúng túng trong tham mưu, hướng dẫn các đơn vị thực hiện chủ trương này. Cụ thể, đề án "Nhà ăn dinh dưỡng" của Bệnh viện Thanh Nhàn được thực hiện theo mô hình "đối tác và cơ sở y tế sử dụng tài sản là nhà cửa, cơ sở hạ tầng để liên doanh, liên kết" được ký kết với Công ty cổ phẩn Kiến trúc mỹ thuật Hà Nội nằm trong dự án đầu tư, nâng cấp bệnh viện giai đoạn 2, thời gian thực hiện hợp đồng 20 năm. Đề án này triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Tuy vậy, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, đây không phải là đề án thu hút xã hội hóa theo Thông tư 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế nên dừng lại. Trong khi đó, theo quy trình, Sở Y tế có 2 bước kiểm tra (hồ sơ và thực địa), rồi mới ban hành văn bản đồng ý chủ trương cho triển khai đề án. Nhưng khi lập và duyệt đề án trên, Sở Y tế đã không thẩm định kỹ, hoặc thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng trên.
Tương tự, các đề án của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khi bị vướng về thủ tục đáng lẽ các phòng, ban chuyên môn của Sở cần phải tìm phương án tháo gỡ giúp đơn vị. Cần thiết, Ban giám đốc Sở Y tế đề xuất với UBND thành phố có cơ chế, chính sách gỡ vướng cho đơn vị, nhưng điều đó đã không thực hiện được. Vì thế, dù nguồn lực xã hội hóa dồi dào, nhu cầu của bệnh viện cấp bách cũng đều phải "chờ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.