(HNM) - Sau chuyển đổi mô hình hoạt động, nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên sản lượng nông sản ngày càng tăng. Nhưng tiếc rằng, khu vực hợp tác xã vẫn chưa thể hiện rõ vai trò của mình là “bà đỡ” cho xã viên trong khâu tiêu thụ nông sản...
Thu hoạch rau an toàn tại HTX Nông nghiệp xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền |
Việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đặc biệt là vai trò của hợp tác xã rất quan trọng. Tuy nhiên, do năng lực hạn chế nên nhiều hợp tác xã hoạt động mờ nhạt, chưa thể hiện rõ vai trò “bà đỡ” tìm đầu ra cho sản phẩm, tổ chức quản lý chất lượng nông sản, nên nông dân vẫn trong cảnh “tự sản, tự tiêu”.
Chật vật tìm nơi tiêu thụ
Kết quả khảo sát của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cả nước có hơn 10.000 hợp tác xã nông nghiệp, thu hút khoảng 45% xã viên tham gia. Dù số lượng khá nhiều, nhưng khu vực hợp tác xã mới đảm nhiệm dịch vụ cung cấp đầu vào, còn đầu ra dường như bị “bỏ ngỏ”. Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Nhìn tổng quát thì hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu, có tới 90% số hợp tác xã không giải quyết được vấn đề tiêu thụ nông sản cho xã viên.
Khảo sát thực tế trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả và gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản. Giám đốc Hợp tác xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết: Diện tích trồng rau toàn xã 50ha, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm nghìn tấn rau. Song đến nay, hợp tác xã mới chỉ làm các dịch vụ đầu vào như: Thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng, vệ sinh môi trường... còn khâu tiêu thụ nông sản cho xã viên gần như “đóng băng”.
Cùng cảnh ngộ trên, Hợp tác xã Nông nghiệp Tráng Việt ở huyện Mê Linh cũng đang chật vật để tìm đầu ra cho nông sản. Giám đốc Hợp tác xã Vũ Văn Kỳ cho biết: 200ha trồng rau xanh với sản lượng 30.000 tấn của hợp tác xã, xã viên vẫn tự tìm thương lái để tiêu thụ, còn hợp tác xã mới ký kết hợp đồng tiêu thụ được 5%, bán cho doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn thành phố.
“Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều trong việc tìm kiếm đối tác nhưng do khâu sản xuất của nông dân chưa bảo đảm, doanh nghiệp thu mua nông sản đưa ra nhiều đòi hỏi như phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ… Trong khi đó, nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất như vẫn sử dụng phân bón vượt ngưỡng cho phép, gây khó khăn cho hợp tác xã khi thỏa thuận ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm” - ông Vũ Văn Kỳ phân trần.
Bộn bề khó khăn
Trước những khó khăn, thách thức của ngành Nông nghiệp, các cấp, các ngành đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất, trọng tâm là đổi mới, phát triển, nâng cao vai trò của hợp tác xã. Thực tế đã có một số hợp tác xã phát huy hiệu quả trở thành “bà đỡ” khá tốt trong việc lo đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều, phần lớn hợp tác xã và xã viên đều lúng túng trong khâu tiêu thụ nông sản.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường: Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã chỉ mang tính ngắn hạn, chưa có phương hướng, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dịch vụ dài hạn. Do đó, hoạt động thiếu ổn định, bị động, lợi ích mang lại cho xã viên và tích lũy tài chính thấp. “Phần lớn hợp tác xã làm ăn theo kiểu “tự cung, tự cấp” trong nội bộ, chưa có sự hợp tác với bên ngoài dẫn tới nội dung hoạt động nghèo nàn. Có tới 80% hợp tác xã quản lý theo kinh nghiệm nên hiệu quả thấp” - ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm.
Nói về những vướng mắc của hợp tác xã trong ký kết tiêu thụ nông sản cho xã viên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban cho biết: Nông dân trồng trọt vẫn nặng tính tự phát, chưa tuân theo định hướng của địa phương, vì vậy sản phẩm sản xuất ra có thời điểm dư thừa. Trong khi năng lực tài chính của hợp tác xã hạn chế, không thể một lúc thu mua toàn bộ nông sản cho mọi xã viên.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam cho rằng: Hợp tác xã là mô hình hỗ trợ tốt nhất cho kinh tế hộ gia đình. Việc hợp tác xã chưa đóng vai trò trong khâu tiêu thụ cho xã viên xuất phát từ nguyên nhân do chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho thành phần kinh tế này chưa đi vào cuộc sống.
Chẳng hạn như muốn vay vốn để phát triển sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ thì hợp tác xã phải có tài sản đối ứng và đất, về điều kiện này hầu như không hợp tác xã nào đáp ứng được. Riêng hợp tác xã mới thành lập phải qua một năm hoạt động có hiệu quả mới được vay vốn. Trong khi để đầu tư xây dựng nhà kho, xe vận chuyển sản phẩm nông sản, vốn lưu động để trả tiền hàng hóa cho nông dân mất đến hàng trăm tỷ đồng. Với số vốn này, hầu như không hợp tác xã nào đạt yêu cầu dẫn tới khó khăn ngay từ sản xuất đến tiêu thụ.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, hiện nay, nông dân sản xuất chưa tính đến khâu tiêu thụ, trong khi đó hợp tác xã đều thiếu vốn, trình độ năng lực yếu nên chưa thực sự trở thành “cầu nối” giúp xã viên trong định hướng sản xuất, tiêu thụ nông sản, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
(Còn nữa)
Bộ NN&PTNT vừa tổ chức ra mắt Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Đây là cơ quan tham mưu hoạch định cơ chế, chính sách, giải pháp, chương trình, đề án, dự án phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; phát triển thị trường nông sản xuất khẩu, biện pháp phòng vệ, tự vệ, tháo gỡ rào cản, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp thương mại nông sản... Cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp... tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản với mục tiêu khai thác triệt để thị trường xuất khẩu với 7 tỷ người dân và thị trường nội địa với 92 triệu người dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.