Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Nỗi lòng người “ngóng trời làm nông”

Hà Phạm| 24/03/2020 06:50

(HNM) - Mùa khô năm 2020, người dân và chính quyền nhiều tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải căng mình chống chọi với hạn hán và xâm nhập mặn ở mức lịch sử trong nhiều năm qua. Những ngày này đi ngang qua vùng hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long càng thêm thấu hiểu, chia sẻ với những thiệt hại mà người dân nơi đây đang phải hứng chịu do biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Trong khi chờ những giải pháp lâu dài, với họ giờ chỉ biết nóng lòng ngóng chờ từng ngày, mong cứu vớt cây trái đang mấp mé, bấp bênh của sự được - mất...

Nhiều ruộng lúa ở xã Bình Thành (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) chết khô do hạn mặn xâm nhập. Ảnh: Ngọc Phượng

Từ ruộng Bến Tre nứt nẻ...

Đồng bằng sông Cửu Long - nơi vốn được xem là vùng đất trù phú nhờ lượng phù sa liên tục được bồi đắp từ sông Mê Kông. Thế nhưng, câu chuyện đó giờ đã hoàn toàn ngược lại, nước lũ không về, hạn hán và xâm nhập mặn có xu hướng lấn sâu vào nội đồng khiến đời sống và kinh tế của vùng “vãi lúa đầu nước, gặt cuối mùa” bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tháng 3 đến, tiết trời vùng sông nước miền Tây như muốn nói lên nỗi lòng của bà con “ngóng trời làm nông”. Nắng cháy trời, ruộng đồng nứt nẻ, sông trơ đáy, cây cỏ cháy khô... đã phần nào nói lên sự khắc nghiệt của thời tiết mà người dân nơi đây phải gánh chịu. Theo chân cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đến thăm các hộ nông dân tại các địa phương đang chịu thiệt hại nặng nề do hạn mặn, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi lòng của bà con nơi đây.

Chỉ tay về phía những cây lúa vừa đậm đòng đã chết trụi, bà Nguyễn Thị Tới (xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) thở dài: “Gia đình tôi không có ruộng vườn, vụ đông xuân này tôi thuê lại của người ta hơn 2 sào ruộng để làm. Lúc mới gieo sạ, lúa phát triển tốt, không sâu bệnh. Được một thời gian thì cây bị úa vàng, tôi mua thuốc để trừ sâu nhưng cũng không hết, tìm hiểu ra thì mới biết là lúa đã bị nhiễm mặn. Hết cách cứu chữa…”. Bà Tới buồn bã tính, nếu thắng lợi trong vụ này, trừ chi phí như thuốc, giống và tiền thuê ruộng, bà sẽ lãi được khoảng 10 triệu đồng. Nhưng giờ lúa chết trắng, gia đình bà vẫn còn nợ các khoản hơn 6 triệu đồng và cũng chẳng biết khi nào mới có điều kiện để trả.

Ngoài cây lúa, hạn mặn cũng ảnh hưởng rất lớn đến cây ăn quả, đặc biệt là loại cây không có khả năng chịu mặn. Tại vườn sầu riêng của ông Phạm Văn Phước (xã Tiên Long, huyện Châu Thành) cũng đang bị thiệt hại nặng nề. Ông Phước cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý, 70% trong tổng số 60 mẫu vườn sầu riêng của ông đã chết hoàn toàn. “Do các tuyến kênh dẫn nước ngọt đã khô cạn nên hệ thống mương trữ nước của tôi cũng trơ đáy. Tôi tính thuê xà lan nước ngọt vào tưới cho cây nhưng tính toán lại cũng không cầm cự được. Trong khi, cây bị thiếu nước vẫn chưa ra bông, nếu tưới nước kiểu này cho đến khi ra trái cũng không ăn thua”, ông Phước nói. Theo ông Phước, để vườn sầu riêng từ lúc trồng cây giống đến khi ra trái, phải mất hơn 5 năm mới có thể thu hoạch và hoàn được vốn. Hiện ông đã chuẩn bị ươm giống mới, chờ đến mùa mưa đến sẽ tiếp tục với nghề trồng sầu riêng.

Theo ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cuối tháng 12-2019, mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng. Nhiều nơi chưa có hệ thống nước sạch, người dân buộc phải mua dụng cụ trữ nước và sử dụng tiết kiệm cho qua mùa hạn, mặn. Tại các huyện nằm sâu trong đất liền như: Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Chợ Lách, cũng bị ảnh hưởng bởi nước xâm nhập mặn. Nước mặn về sớm và bất ngờ khiến nhiều người không kịp trở tay.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay, trước tình hình diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ, tình huống hạn mặn tại các trạm đo hiện có và tăng cường thêm quan trắc môi trường. Mặc dù đã có nhiều biện pháp chủ động ứng phó, song tình hình xâm nhập mặn những tháng đầu năm 2020 diễn ra gay gắt, khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp có hơn 5.115ha diện tích lúa bị thiệt hại trong tổng số 5.287ha diện tích xuống giống. Trong đó có 5.087ha bị thiệt hại trên 70%, 28ha bị thiệt hại từ 30 đến 70%, diện tích còn lại đang bị ảnh hưởng và có khả năng cao là thiệt hại hoàn toàn.

... đến đất Tiền Giang khô cằn

Rời Bến Tre, chúng tôi đến tỉnh Tiền Giang - nơi mà tình hình cũng không khá hơn Bến Tre là bao. Hơn 1 tháng qua, những cánh đồng phía Đông của tỉnh đã kiệt nguồn nước ngọt. Nhiều diện tích lúa đến giai đoạn ngậm sữa và đòng trổ đành “chết đứng”.

Ông Lê Tấn Phước (ấp Bình Trinh, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) đứng ngồi không yên với hơn 10 sào ruộng của gia đình đang có nguy cơ mất trắng mỗi ngày. Trước thửa ruộng đang héo úa, ông Phước thở dài: “Lúa mới trổ 1-2 bông mà đã hết nước thì sao chín nổi? Đất còn khô và nứt nẻ hết, thì cây sống ra sao? Trời không mưa thì cầm chắc thua rồi! Mà nếu lúa có chín thì cũng lép hạt. Cứ tình hình này, chỉ khoảng 10-20 ngày nữa lúa sẽ chết hết”.

Ông Võ Đức Phong, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công (gồm: Huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công) đã gieo sạ gần 24.500ha lúa, trong đó có trên 21.000ha lúa ở độ tuổi từ 31 ngày đến dưới 60 ngày tuổi đang cần nước. Tuy nhiên, mùa khô năm nay thời tiết khắc nghiệt, mặn trên hệ thống sông Tiền xuất hiện sớm hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1 tháng và lấn sâu vào nội đồng. Ngoài ra, do ảnh hưởng xâm nhập mặn dữ dội và hạn hán kéo dài khiến khoảng 80.000ha vườn cây ăn trái của tỉnh gặp khó khăn, trong đó nhiều diện tích thiếu nước tưới do bị mặn bao vây.

Dù vậy, ông Võ Đức Phong cũng cho rằng, đa số các hộ nông dân trồng lúa bị thiệt hại là do chưa ý thức được hết những khuyến cáo của chính quyền địa phương. Bởi trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã khuyến cáo các hộ không nên gieo lúa sau ngày 15-12-2019 để đề phòng hạn mặn. Trong khi đó, vụ đông xuân rơi vào thời điểm thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất lúa cao hơn, chi phí chăm sóc bỏ ra thấp hơn so với vụ hè thu nên đây là vụ có lợi nhuận cao nhất trong năm... Thành ra, thiệt hại này là rất lớn với nhiều hộ dân...

Tính đến tháng 3-2020, đã có 5 tỉnh miền Tây công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn, gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An. Với tình hình hiện nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang rất gay gắt và tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô năm 2020. Năm 2016 được coi là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới có 1 lần thì năm nay, hạn mặn đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Nỗi lòng người “ngóng trời làm nông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.