Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Những ký ức sâu nặng

Bảo Nga, Chí Đạo| 02/10/2014 06:11

(HNM) - Đi trên con đường rộng thênh thang về với

LTS: Trong những ngày đồng bào cả nước và Hà Nội hướng tới kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã trở về Thủ đô kháng chiến (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), nơi cách đây 69 năm được Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng. Điều khiến chúng tôi xúc động nhất là dù thời gian đã đi qua hàng chục năm nhưng trong ký ức của mỗi người dân nơi đây, những câu chuyện, những tình cảm thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về cách mạng vẫn còn vẹn nguyên và tươi mới.

Bài đầu: Những ký ức sâu nặng

Đi trên con đường rộng thênh thang về với "trái tim" của Thủ đô kháng chiến Tân Trào, trong lòng chúng tôi là cảm giác xốn xang xen lẫn niềm tự hào khó tả. Khi gặp, trò chuyện cùng người dân nơi đây, chúng tôi hiểu hơn những tâm tư, tình cảm của các thế hệ người Tày, người Nùng, người Dao... một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ.

Khách tham quan lán Nà Lừa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945.


"Người đi rừng núi trông theo bóng Người..."

Căn nhà đơn sơ của ông Ma Văn Chước ở ngay trước Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào, gần với địa điểm đình Tân Trào, nơi diễn ra cuộc họp lịch sử: Đại hội Quốc dân vào tháng 8-1945. Ông Chước vui vẻ nói với chúng tôi: "Cứ đến những ngày thu lịch sử, nhìn nhiều đoàn người về Tân Trào, trong lòng tôi lại rạo rực, bồi hồi nhớ Bác, nhớ Thủ đô kháng chiến năm xưa, đây là niềm tự hào của người dân Tân Trào nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam".

Ông Chước năm nay sang tuổi 84, những bước đi đã chậm hơn nhưng mỗi khi hồi tưởng về một thời "Thương nhau chia củ sắn lùi...", ông vẫn nhớ rành rọt từng câu chuyện, từng việc làm của bản thân, của cả bản làng với cách mạng. Nhớ lại những ngày đầu, khi mà Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng về Tân Trào, ông Chước xúc động: "Bắt đầu từ đầu năm 1945, người dân Tân Trào đã trèo đèo lội suối lấy về hàng triệu cây nứa, hàng vạn tàu lá cọ để dựng trụ sở cho các cơ quan Trung ương làm việc, như lán làm việc của Bác Hồ (lán Nà Lừa), cơ quan Đồng minh quốc tế, Nhà xuất bản Sự thật, Hội Nông dân toàn quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, nhà Bưu điện, nhà Y tế, nhà Thư viện trung ương, nhà Việt - Miên - Lào...".

Trong tâm trí của ông Chước và những người cùng thế hệ ngày ấy, khi lần đầu gặp Bác cũng chỉ biết đó là ông Già Ké có đôi mắt sáng ngời. Ông Chước nói, để bảo đảm giữ bí mật cho Bác Hồ và các đồng chí cách mạng làm việc, trong khu vực Tân Trào chỉ những người dân trong xã mới được đi lại, hoạt động trong khu vực, người ngoài vào được kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, những năm tháng Bác Hồ và các cơ quan Trung ương làm việc ở đây, nhiều gia đình người dân tộc đã tăng gia sản xuất để trồng lúa lên đến trăm mẫu ruộng; đồng thời nuôi lợn, nuôi gà cung cấp thực phẩm cho cách mạng.

Ông Ma Văn Chước cùng một số người trong bản lo chuyện hậu cần phục vụ Bác Hồ và các đồng chí cách mạng. Về sau, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ làm giao liên. Ông Chước nói rằng: "Để bảo đảm bí mật thông tin, chúng tôi thường nhét thư vào ống nứa, làm như vậy địch không thể ngờ đến và khó lòng phát hiện". Trong những ngày làm giao liên, ông Chước cùng các đồng chí của mình thường cưỡi ngựa băng rừng thâu đêm chuyển thư sang các cơ quan đóng ở Định Hóa (Thái Nguyên) để các cán bộ chủ chốt kịp xử lý thông tin. "Những lần đi như thế chúng tôi phải chuẩn bị 2 đến 3 bó đuốc dài hơn 2m để soi đường" - ông Chước hồi tưởng.

Chia tay ông Chước, chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Mai (74 tuổi), hiện là chủ nhân và đang trông coi ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Tiến Sự (ông Sự là bố chồng bà Mai), nơi Bác Hồ đã ở và làm việc trong những ngày đầu Bác từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (từ ngày 21 đến cuối tháng 5-1945). Bác đã ở ngôi nhà ông Sự trước khi rời lên lán Nà Lừa ở gần đó. "Ngôi nhà sàn đặc biệt" này cũng là nơi ở và làm việc của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam, Lê Giản, Trần Thị Minh Châu, Du Phong trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9-1945. Bà Mai bồi hồi nhớ lại: "Bố chồng tôi là ông Nguyễn Tiến Sự, nguyên là Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long (nay là thôn Tân Lập) có kể lại rằng, Bác Hồ thường dậy từ 5h sáng, tập thể dục rồi làm việc. Giờ nghỉ, Bác Hồ đến thăm hỏi mọi người trong nhà, trong làng. Bác còn mua bút, vở tặng những người thân trong gia đình và khuyến khích bố tôi cho con đi học.

Khi Bác Hồ về Tân Trào, bà Mai mới là một đứa trẻ 5 tuổi, những câu chuyện về Bác, về cách mạng, bà được bố mẹ, ông bà kể lại. Bà Mai cho biết: "Ngôi nhà vừa là một Di tích lịch sử Cách mạng, vừa chứa đựng một giá trị kiến trúc tiêu biểu kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày ở Tuyên Quang nên đại gia đình tôi rất trân trọng và tự hào". Từ nhà bà Mai, đi bộ theo con đường đã được bê tông hóa rộng rãi của thôn Tân Lập, chúng tôi đến thăm ngôi nhà của ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8-1945. Một sự trùng hợp là bà Hoàng Thị Mai chính là con gái ông Hoàng Trung Dân. Bà Mai nói: "Căn nhà cũng là nơi đánh máy bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc (Lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước) vào tháng 8-1945 nên được anh chị em trong gia đình lưu giữ rất cẩn thận". Vào bên trong ngôi nhà, chúng tôi thấy những hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng được các thế hệ trong gia đình đặt ở nơi trang trọng nhất của căn nhà.

Làng quê Tân Trào hôm nay.


"Cách mạng thành công, các cháu phải đi học nhé!"

Xóm núi Tân Lập nay đã thành Làng Văn hóa với hàng chục nếp nhà sàn khang trang, sạch đẹp, nhưng nét hồn hậu, hiếu khách của người dân vẫn nguyên vẹn như thuở nào. Trong nếp nhà sàn, câu chuyện giữa chúng tôi và ông Hoàng Ngọc kéo dài như không muốn dứt. Ông Hoàng Ngọc là con trai cả của cụ Hoàng Trung Nguyên, một "tự vệ đỏ" năm xưa tham gia đón Bác Hồ về ở và làm việc tại Tân Trào (từ ngày 21-5-1945) và bảo vệ Bác đến cuối tháng 8-1945. Đã bước sang tuổi 78 nhưng ông Ngọc vẫn sở hữu một trí nhớ "đặc biệt". Ông kể vanh vách từng cột mốc lịch sử của Tân Trào, thuộc làu làu từng bài hát cách mạng, từng bài thơ của Bác... Đặc biệt là ký ức về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Ông kể, khoảng 16h ngày 21-5-1945, ông Ngọc đang cùng đám trẻ con trong làng chơi quay trước sân nhà ông Nguyễn Tiến Sự - Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long như mọi bận. Đúng lúc ấy, ông thấy một đoàn 7-8 người lặng lẽ đi vào nhà ông Sự, trong đó có một ông già dáng gầy gò, khoác trên người bộ quần áo màu chàm giản dị. Thấy có người lạ, đám trẻ đứng dạt cả vào một góc sân. Thấy đám trẻ con, ông già dừng lại, hỏi:

Các cháu đang làm gì thế? Tất cả đồng thanh: - Chúng cháu đang chơi quay ạ! - Các cháu có đi học không? - Chúng cháu không có trường, không có thầy để dạy ạ!

Ông già lặng đi giây lát rồi cất giọng ôn tồn: - Bao giờ Cách mạng thành công, các cháu phải đi học nhé! Đám trẻ lại đồng thanh: - Vâng ạ!

Đúng như lời Bác căn dặn sau Cách mạng tháng Tám, đời sống văn hóa của nhân dân được chú trọng. Trong kháng chiến, các lớp bình dân học vụ vẫn được duy trì và phát triển bà con học tập ngày một đông. Các lớp bình dân do ông Kim Bảng, ông An Nghiệp đảm nhiệm, dạy cả buổi trưa, buổi tối cho thanh niên, phụ nữ. Đến năm 1948, nhân dân Tân Trào đã căn bản xóa xong nạn mù chữ. Đầu năm 1948, lớp học vỡ lòng đầu tiên được thành lập tại Tân Trào, do thầy giáo Nguyễn Thái Tích giảng dạy. Lớp học ban đầu chỉ có 10 học sinh, sau tăng lên thành 3 lớp, gồm lớp vỡ lòng, lớp một và lớp hai.

Trong thời gian Bác Hồ sống và làm việc tại Tân Trào, ông Hoàng Ngọc nhiều lần được nhìn thấy Bác. Sau khi Bác về Tân Trào, tất cả người dân trong xã, từ người già đến trẻ con, ai vào việc nấy, nhộn nhịp chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa đang cận kề. Đám trẻ con như ông Ngọc được tham gia đội Nhi đồng cứu quốc, có "nhiệm vụ" đi chăn trâu, bò, hễ thấy người lạ thì chạy về báo ngay cho người lớn...

Những ngày ở lán Nà Lừa, do điều kiện làm việc hết sức khó khăn, gian khổ, bữa cơm đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh, cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng khiến sức khỏe Bác giảm sút. Cuối tháng 7-1945, giữa lúc tình hình trong nước và quốc tế đang tiến triển theo hướng có lợi cho cách mạng thì Bác ốm, sốt liên miên, lúc tỉnh, lúc mê. Tất cả mọi người đều lo lắng. Có người lặn lội vào rừng tìm lá thuốc về sắc cho Bác uống, có người ra sông Phó Đáy bắt cá, tôm cua, đem về có thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn, cầu mong Bác sớm khỏi bệnh. Nhờ sự mách bảo của bà con, cuối cùng mọi người cũng tìm được một cụ lang già đến chữa bệnh. Sau khi xem mạch, cụ lang đốt cháy một thứ củ rừng, hòa vào cháo loãng mời Bác uống. Chỉ sau một vài lần như vậy, Bác đỡ dần và lại lao ngay vào làm việc...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, phong trào tình nguyện tham gia bộ đội đánh giặc được các tầng lớp thanh niên các dân tộc xã Tân Trào hưởng ứng mạnh mẽ. Đến tháng 10-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, trong đó có đóng góp công sức, của cải và xương máu không nhỏ của nhân dân các dân tộc Tân Trào.

Theo ông Hoàng Ngọc, ở Tân Trào còn ẩn chứa một điều kỳ lạ ít ai biết, đó là trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, (tính từ năm 1945 đến năm 1975), cả xã có hơn 200 lượt thanh niên lên đường nhập ngũ, tất cả đều lành lặn trở về. "Người dân quê tôi tin rằng ở nơi trồng cây đa Tân Trào có một vị thần phù hộ. Nhưng cũng nhiều người lại nói, Tân Trào là nơi Bác Hồ từng sống và làm việc, nơi đã chở che cho Người trong giai đoạn cách mạng còn trứng nước, nên đức sáng của Người đã bao bọc con dân Tân Trào khi xông pha lửa đạn..." - ông Ngọc tự hào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Những ký ức sâu nặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.