(HNM) - LTS: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo việc triển khai thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn tại tỉnh Thái Bình và Hà Nam. Qua đó, giải quyết những câu hỏi đang bỏ ngỏ trong tích tụ ruộng đất, như: Manh mún, nhỏ lẻ, nông dân không hợp tác với doanh nghiệp...
Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Tiền Lệ (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền |
Chủ trương này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, bảo đảm quyền - lợi ích hợp pháp của nông dân và công tác quản lý đất đai trong tình hình mới.
Việc tích tụ ruộng đất thời gian qua gặp khó khăn từ chính sách nên doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu khó tiếp cận. Trong khi đó, tâm lý nông dân sợ mất đất, thiếu việc làm khi cho thuê đất cũng gây trở ngại cho quá trình này.
Quy định thiếu rõ ràng
Sau hơn 3 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số vướng mắc, cản trở quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn ở nước ta. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Bất cập lớn nhất hiện nay là quy định về hạn mức giao đất. Theo đó, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm đối với các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long không quá 3ha và không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với hộ gia đình, cá nhân các tỉnh còn lại. Riêng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua nhận chuyển nhượng không quá 10 lần… nên chưa khuyến khích được việc tập trung đất đai để phát triển sản xuất quy mô lớn. Hơn nữa, việc tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp còn khó khăn do công tác công bố, công khai quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp chưa rõ ràng.
Ngoài ra, Luật Đất đai hiện hành cũng chưa xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nhân dân, nên việc triển khai dự án đầu tư của doanh nghiệp gặp vướng mắc. Ông Chu Văn Tráng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Đức, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết: Hiện hợp tác xã đang thuê 30ha đất nông nghiệp để trồng lúa chất lượng cao, gồm đất công ích do xã quản lý và đất ruộng của nông dân. Tuy nhiên, thời gian thuê đất chỉ từ 3 đến 5 năm nên không thể đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất.
Theo điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Diện tích đất bình quân của một hộ sản xuất nông nghiệp ở nước ta chỉ vào khoảng 0,46ha với 2,83 thửa. Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) Đinh Cao Khuê cho biết: Chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng mẫu lớn hiện mới dừng ở quy mô nhỏ và mô hình điểm, nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp thực hiện. Mức phí và phí chuyển nhượng đất nông nghiệp áp dụng chung như các bất động sản khác nên chi phí cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Không những thế, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ… ở mức cao dẫn đến suất đầu tư cho dự án nông nghiệp luôn ở mức cao.
Hai chủ thể chưa tìm được tiếng nói chung
Có nghịch lý là, trong khi các doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án nông nghiệp thì nông dân có ruộng lại không mặn mà với sản xuất, thậm chí nhiều nơi bỏ ruộng hoang. Bên cạnh đó, tâm lý chung của nông dân là muốn giữ đất để khi có quy hoạch thực hiện các dự án hoặc công trình công cộng sẽ được đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tránh được mối lo biến dạng ruộng đất, mất đất sau khi giao cho doanh nghiệp.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai (Hà Nội) Dương Bá Mẫn: "Nếu tích tụ được từ vài chục héc ta trở lên, thì việc phát triển các mô hình kinh tế sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, người dân chưa đồng thuận, muốn Nhà nước đứng ra thuê lại đất của nông dân sau đó cho doanh nghiệp thuê, vì sợ sau khi cho doanh nghiệp thuê đất sẽ không có việc làm".
Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ngô Mạnh Ngọc cho rằng: Các doanh nghiệp đều băn khoăn về tính pháp lý khi ký hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất đối với chính quyền, vì hiện Luật Đất đai chưa quy định cụ thể, trong khi người dân muốn cho chính quyền thuê đất chứ không muốn cho doanh nghiệp trực tiếp thuê vì chưa đủ lòng tin...
Theo ông Trần Kiên Cường, Giám đốc phát triển Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam (Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco): Công ty đang thuê gần 200ha đất tại tỉnh Hà Nam, nếu để đơn vị làm việc với hàng nghìn hộ dân có đất rất phức tạp, vì chỉ một vài hộ không đồng ý với phương án thuê đất thì dự án không được triển khai sớm. Vì vậy, tỉnh Hà Nam đã đứng ra thuê đất của nông dân sau đó cho doanh nghiệp thuê lại nên thuận lợi hơn trong quá trình triển khai dự án.
Ông Phạm Hữu Dũng, thôn Minh Kha, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội): "Nếu doanh nghiệp thuê đất trong 5 năm hoặc 10 năm thì chúng tôi đồng ý. Nhưng nếu thuê với thời hạn 20-30 năm sẽ gặp khó khăn trong thu hồi đất về sau này. Hơn nữa, đất ruộng của chúng tôi là đất hai lúa, khi doanh nghiệp thuê đất làm trang trại sẽ làm biến dạng đất. Sau này doanh nghiệp trả lại, ai sẽ hỗ trợ nông dân cải tạo đất". |
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.