Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Yếu tố cốt lõi và quyết định thành công

Thiện – Hà| 01/04/2023 06:30

(HNM) - Quá trình xây dựng tuyến phố văn minh, kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hà Nội dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương của Thủ đô vẫn quyết liệt và bền bỉ triển khai suốt nhiều năm qua. Thành quả dù có thể chưa như mong muốn, nhưng là bài học quý để mỗi địa phương tiếp tục theo đuổi mục tiêu. Và trong hành trình ấy, không thể không nói đến ý thức của cộng đồng dân cư - một trong những yếu tố cốt lõi và quyết định làm nên nét văn minh...

Phố Quang Trung (quận Hà Đông) được xây dựng là tuyến phố văn minh đô thị. Ảnh: Đỗ Tâm

Việc làm cần thiết

Nhìn nhận sự phát triển các tuyến đường, phố của Hà Nội theo chiều dài thời gian, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - một trong những tác giả thường xuyên viết về Hà Nội nhận định, từ khi đổi mới, phố nào ở Hà Nội cũng thành phố thương mại, dịch vụ, nhất là khu vực phố cổ, phố cũ. Thói quen “tiện đâu mua đấy”, khát vọng làm chủ nhỏ đã thúc đẩy thương mại phố phát triển. Ngày trước, trong một số nhà chỉ có một hộ, nhưng do biến động lịch sử, hiện trong một số nhà có nhiều hộ, rồi số nhân khẩu dần tăng... Thời bao cấp, Hà Nội nghèo khó, phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu xe đạp và nhà nhiều cũng chỉ hai chiếc. Song ngày nay, gần như cứ 18 tuổi trở lên là có xe máy nên nhà nào cũng vài cái, nhà thì chật, xe không để vỉa hè thì để ở đâu? Nhà bán hàng lại thêm xe của khách, vậy còn đâu vỉa hè cho người đi bộ?

Lâu nay, có luật bất thành văn, vỉa hè công cộng trở thành nơi “sở hữu” của các nhà mặt phố. Không chỉ vỉa hè, ai đó đỗ ô tô ở lòng đường trước cửa hàng của họ thì thế nào cũng có chuyện. Không phải thiếu quy định, nhưng “trăm cái lý cũng phải có tý cái tình”, khiến chính quyền cơ sở không bất lực, song nhiều khi cũng phải "bỏ qua" vì mưu sinh của người dân...

Cũng nhìn xuyên suốt sự văn minh của đường, phố Hà Nội trong quá trình phát triển, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long chia sẻ, Hà Nội là “Kẻ Chợ” nên pha trộn nhiều nét văn hóa xưa - nay. Những phố như: Hàng Thiếc, Hàng Bạc, Hàng Thùng... đều do những người ở các làng nghề tụ họp về đây. Vì hình thành ra những phố chợ như vậy, nên họ bán hàng ngay tại nơi ở, nơi sản xuất. Dần dần, cách thức sinh sống trở thành tập tục, bám rễ; có những thứ vẫn giữ như ngày trước, nhưng cũng có những thứ thay đổi, nhất là khi gặp thời buổi kinh tế thị trường, không ai bỏ vỉa hè dù vỉa hè “không của riêng ai”.

“Để có một xã hội trật tự, về nguyên tắc và chiếu theo quy định pháp luật, việc sắp xếp để đường, phố văn minh là việc làm luôn đúng và cần thiết. Tuy nhiên, Hà Nội cần phải tính đến việc hài hòa lợi ích của mọi thành phần trong xã hội và các quy định phải thật sự phù hợp với thực tế phát triển của Thủ đô”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Phải trở thành nhận thức

Khái niệm “Tuyến phố văn minh đô thị” bản thân đã nói lên đầy đủ những yêu cầu cần có. Nét văn minh cần bao trùm toàn diện ở nhiều khía cạnh và Tiêu chí công nhận tuyến phố văn minh đô thị theo Quyết định số 68/2005/QĐ-UBND ngày 13-5-2005 của UBND thành phố quy định về công nhận tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội là một “yêu cầu” khắt khe và đúng đắn.

Dưới mắt nhìn của một người làm nghề xây dựng, kỹ sư xây dựng Võ Quang Huy, Công ty cổ phần Tư vấn và Thiết kế ICEB Solutions Việt Nam (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, nhìn ra thế giới, không riêng Hà Nội đông dân, nhiều phương tiện, hạ tầng chưa đầy đủ..., nhưng nhiều nước vẫn xây dựng thành công những tuyến phố văn minh, đáng để chúng ta học tập. Hà Nội còn hạn chế về nguồn lực đầu tư nên nếu ý thức của người dân được nâng cao thì các tuyến đường, phố cũng dần trở nên văn minh. Do đó, chỉ đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật; vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng... thôi là chưa đủ, mà điều quan trọng là ý thức của người dân sống trong đô thị văn minh đó. Mỗi người cần tự giác tuân thủ quy định về an ninh trật tự; vệ sinh môi trường; không lấn chiếm không gian chung; không gây tiếng ồn, không xả rác bừa bãi; dừng, đỗ xe đúng nơi quy định…

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần lưu tâm hơn trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ họ vừa có trách nhiệm trong việc xây dựng tuyến phố văn minh, vừa là đối tượng thụ hưởng những giá trị từ đó. Đồng thời, các cơ quan quản lý phải có đủ lực lượng, chính sách rõ ràng để có thể quản lý triệt để, sâu sát và duy trì văn minh bền vững...

Liên quan đến ý thức của cộng đồng trong xây dựng tuyến đường, phố văn minh đô thị, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, trong khi tốc độ phát triển đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển của hạ tầng xã hội thì để xây dựng được những tuyến đường, phố văn minh đô thị, ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng và quyết định. Cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông để người dân nâng cao ý thức, tôn trọng những giá trị chung của cộng đồng. “Mỗi người cần coi các hoạt động ở vỉa hè, lòng đường là hoạt động của cộng đồng. Việc xây dựng tuyến đường, phố văn minh đô thị phải trở thành nhận thức sâu sắc, chứ không phải chỉ là việc chạy theo phong trào”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng khẳng định.

Những phân tích trên tuy chưa thực sự đầy đủ, nhưng là những “lát cắt” mang tính gợi mở để các cơ quan chức năng, mỗi người dân cùng suy nghĩ, chung sức hành động, hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Yếu tố cốt lõi và quyết định thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.