(HNM) - Qua hơn 7 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy, Hà Nội đã có 640 tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển chung của Thủ đô.
Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành phố Hà Nội khẳng định: Những tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh sẽ là những hạt nhân tiêu biểu, tạo nền tảng vững chắc để Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày càng đi vào cuộc sống.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tại Huyện ủy Mê Linh. Ảnh: Hữu Tiệp |
- Xin đồng chí chia sẻ những nét nổi bật, cách làm sáng tạo trong việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: Hiện trên địa bàn Hà Nội có gần 300.000 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đang hoạt động và là khu vực có tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, chiếm trên 50% số lao động, đóng góp 39% giá trị kinh tế của thành phố. Nói vài con số như vậy để thấy kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có vị trí rất quan trọng, nên việc quan tâm, chăm lo cho kinh tế tư nhân phát triển tốt sẽ có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Hà Nội.
Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU là một trong những mục tiêu nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát triển tích cực, toàn diện về mọi mặt, xây dựng mối quan hệ hài hòa, bảo đảm quyền lợi vật chất, quyền lợi về chính trị của người lao động.
Từ nhận thức đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành phố, các ban Đảng Thành ủy, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã nỗ lực vào cuộc, cùng thực hiện Nghị quyết.
Ban Chỉ đạo các cấp đã bám sát nhiệm vụ của từng địa phương, kịp thời kiện toàn cơ cấu tổ chức; duy trì chế độ giao ban, đề ra nhiều giải pháp mới, sáng tạo, thiết thực để thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng khảo sát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp để phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể tại doanh nghiệp. Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo thành phố đã ban hành Kế hoạch số 41-KH/BCĐTP ngày 18-1-2019, tập trung đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU trước khi tổ chức đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cũng sâu sát, chỉ đạo các Đảng ủy Khối doanh nghiệp, Khối công nghiệp, các Đảng ủy tổng công ty thực hiện việc sắp xếp các tổ chức Đảng sau cổ phần hóa theo Phương án số 2605-PA/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy đã được Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt. Qua làm việc với Đảng ủy một số tổng công ty sau cổ phần hóa, đã kịp thời định hướng đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng ủy tổng công ty trong điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy với chủ doanh nghiệp, hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc...
Mặc dù công tác phát triển tổ chức Đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là nhiệm vụ mới và khó, song tính đến hết quý I-2019, toàn thành phố đã có 640 tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trong đó có 53 tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 8,42%); 534/629 tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 84,9%)… Nhiều chi bộ, Đảng bộ tại doanh nghiệp đã thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ với đảng viên, quần chúng, góp phần củng cố niềm tin của người lao động vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
Bằng những kết quả thiết thực đã đạt được, mục tiêu phấn đấu từ năm 2012 đến năm 2020, “mỗi năm thành lập mới từ 200 đến 300 tổ chức Đảng; 400 đến 450 tổ chức Công đoàn; 250 đến 350 tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên; xây dựng, củng cố tổ chức Hội Phụ nữ trong các doanh nghiệp” được đặt ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU là hoàn toàn khả thi. Kết quả quan trọng này cũng sẽ góp phần triển khai hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân” trên địa bàn thành phố.
- Những kết quả tích cực mà Đảng bộ Hà Nội đạt được trong việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU đã cho thấy tinh thần tiên phong, sáng tạo của Thủ đô trong việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương. Đồng chí có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn nhằm hoàn thành nhiệm vụ mới và khó này?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: Có thể nhận thấy, sự sâu sát của các cấp ủy Đảng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Nghị quyết đi vào cuộc sống. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội, nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý đã được đúc rút. Cụ thể: Muốn thành lập được tổ chức Đảng, đoàn thể, các cấp ủy phải nắm chắc được tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, phải thực sự coi trọng và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động. Từ thực tiễn đó, một số địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, như: Tổ chức hội nghị doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tuyên truyền phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp; giao ban định kỳ để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện; rà soát, khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đề xuất những giải pháp hiệu quả; chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cấp ủy, đoàn thể.
Tại một số quận, huyện ủy, Thường trực, Ban Thường vụ đã thường xuyên dự giao ban với Đảng ủy Khối doanh nghiệp tại chi bộ. Qua đó, đã trực tiếp lắng nghe phản ánh, kiến nghị từ các chi bộ trực thuộc để xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Đối với những cơ sở gặp khó khăn, cấp ủy các cấp đều dành sự quan tâm chỉ đạo sâu sát nhằm hướng tới xây dựng những chi bộ Đảng vững mạnh từ gốc tại các doanh nghiệp.
Với tinh thần kiên trì, đổi mới, sáng tạo, việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU dù là nhiệm vụ mới và khó song đã đạt được những kết quả tích cực trong thực tiễn, góp phần vào thành tích chung của Đảng bộ thành phố.
- Cùng với những kết quả tích cực, Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU cũng còn tồn tại, hạn chế.
Đó là việc một số cấp ủy chưa tập trung và coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của một số tổ chức Đảng chưa tốt. Thêm vào đó, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể của một số bí thư chi bộ, lãnh đạo các đoàn thể trong doanh nghiệp còn yếu…
Những hạn chế, khuyết điểm trên là do công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là công việc khó, trong khi cán bộ, đảng viên còn ít kinh nghiệm. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp và các đoàn thể có nơi chưa rõ, chưa đồng bộ.
Để việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày càng đi vào thực chất, tới đây, Ban Chỉ đạo các cấp sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát ở cơ sở, kịp thời có biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc để các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, sẽ tích cực gặp mặt, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, tạo môi trường, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp. Ban Tổ chức Thành ủy cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo thành phố đề ra các giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn, đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp… qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể và xây dựng được những chi bộ Đảng vững mạnh.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.