Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Vấn đề không chỉ ở cơ chế

Quang Đạo - Nga Hiệp| 14/03/2015 06:52

(HNM) - Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng Chương trình NS&VSMTNT của Hà Nội vẫn vận hành hết sức ì ạch. Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế mới đạt 33,78%, trong khi kế hoạch thành phố giao là 37,5%.


Đầu tư thấp, không đồng bộ

Do mức độ cấp thiết và tính chất quan trọng phải đẩy nhanh tiến độ cung cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn, thành phố Hà Nội đã xây dựng Chương trình NS&VSMTNT từ năm 2009 đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí dự kiến là 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn nên 5 năm qua (từ 2009 đến 2014), tổng cộng các nguồn đầu tư cho chương trình này mới đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng.

Nâng cao chất lượng nước sạch cho người dân vùng nông thôn là hết sức cần thiết.


Theo số liệu của Trung tâm NS&VSMTNT Hà Nội, tính đến hết năm 2014 trên địa bàn nông thôn Hà Nội có 106 công trình cấp nước sạch tại 16 huyện, trong đó có 78 trạm hoạt động ổn định; 28 trạm đang xây dựng dở dang hoặc tạm dừng hoạt động và tạm dừng xây dựng. Năm 2010, UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư cho 15 xã, thị trấn nhưng chưa bố trí được kinh phí và nay với các dự án này, UBND thành phố chủ trương giao cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Tiếp đó, năm 2012 UBND thành phố đã chủ trương đầu tư xây dựng 6 trạm cấp nước tập trung liên xã tại các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mê Linh, Ứng Hòa và Mỹ Đức, mục tiêu cấp nước cho khoảng 225.315 người dân, nhưng đến nay các dự án vẫn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng trong khi lượng kinh phí được cấp mới chỉ đáp ứng khoảng 10% khối lượng công việc đã thực hiện. Năm 2014 các dự án này đều không được bố trí vốn để tiếp tục triển khai làm chậm tiến độ và kết quả của chương trình NS&VSMTNT.

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT thành phố cho biết, trong khi nguồn kinh phí đầu tư thấp và ít, việc đầu tư cũng không đồng bộ, đầu tư dở dang. Với nhiều nguồn đầu tư của các bộ, các tổ chức, chương trình mục tiêu khác nhau theo nhiều phương thức khác nhau dẫn đến không thể kiểm soát được, rất khó quản lý… khi hư hỏng không vận hành được, không ai đứng ra chịu trách nhiệm đã gây lãng phí lớn. Đây chính là hậu quả của việc hàng chục trạm cấp nước bị bỏ hoang, đắp chiếu… trong khi người dân vẫn phải sử dụng nước bẩn, nước ô nhiễm. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng các trạm cấp nước sạch theo hướng xã hội hóa đang gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu cơ sở và người dân phải đóng góp 40% kinh phí đối ứng. Qua tìm hiểu thực tế, các hộ dân đều nêu lên những khó khăn khi đời sống nông thôn còn thấp, họ không có điều kiện nên không thể bỏ tiền tham gia vào việc lắp đường ống, mua đồng hồ nước... Đây là một tồn tại cần xem xét khi thực tế có rất nhiều trạm cấp nước xây dựng xong công trình đầu mối, đường trục chính sau đó bỏ không, hiệu quả sử dụng thấp dẫn đến nhà máy thua lỗ không hoạt động được.

Cũng do khó khăn về nguồn kinh phí nên dự án hỗ trợ xây dựng các bể lọc xử lý nước tại hộ gia đình kết quả còn hạn chế. Theo dự án từ năm 2012 đến 2015 UBND thành phố cấp kinh phí hỗ trợ 40.000 bể lọc cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại các khu vực khó khăn về nguồn nước nhưng đến thời điểm này mới thực hiện hỗ trợ được 10.000 thiết bị xử lý cho 10.000 hộ dân thuộc các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai và Thường Tín. Năm 2014 vừa qua kế hoạch hỗ trợ 30.000 thiết bị xử lý nước cũng không được bố trí vốn càng thêm khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu của chương trình NS&VSMTNT.

Vướng cơ chế, chậm tiến độ

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu NS&VSMTNT, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ để xã hội hóa đầu tư nhằm tăng nhanh số người dân được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều vướng mắc chậm được tháo gỡ đã làm chậm tiến độ xây dựng, cải tạo các trạm cấp nước sạch. Sự phối hợp giữa các sở, ngành trong quá trình triển khai chưa đồng bộ, nên kết quả đạt thấp. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư không được quy định rõ ràng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư các công trình cấp nước tập trung dở dang, đang đắp chiếu. Đơn cử, nhiều trạm cấp nước bỏ hoang bao nhiêu năm nay đầu tư hàng chục tỷ đồng nay kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khôi phục lại bắt họ phải mua lại vốn đầu tư cũ trong khi đường ống nước cũ đã hư hỏng. Theo ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Hà Nội, tiến độ bàn giao các công trình trạm cấp nước hư hỏng, chưa hoạt động cho các doanh nghiệp đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương còn rất chậm so với yêu cầu tiến độ đặt ra. Đa số các doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục quyết toán, xác định giá trị còn lại của công trình xây dựng dở dang, về đất đai, thủ tục đầu tư, xác nhận ưu đãi trong đầu tư tiếp theo... Trạm cấp nước thị trấn Phùng huyện Đan Phượng đã chuyển giao thủ tục qua 3-4 chủ đầu tư nên khi bàn giao rất phức tạp, Công ty cổ phần Đầu tư NS&MT Hùng Thành tiếp nhận phải bỏ vốn tự có để xây lắp. Hơn nữa, việc chuyển giao các trạm cấp nước trước đây đã đắp chiếu cho doanh nghiệp mới vào khôi phục xây dựng cũng có nhiều vấn đề, khâu quyết toán, bàn giao mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chưa được chính quyền địa phương cấp huyện và các sở ngành liên quan hỗ trợ, tháo gỡ. Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, sau khi tiếp nhận cải tạo trạm cấp nước thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, công ty đã hoàn thành xây dựng trạm đầu mối và đường ống dịch vụ cung cấp nước cho 800 hộ dân nhưng chủ đầu tư chưa quyết toán phần tài sản đã đầu tư, vì vậy chưa định giá được tài sản của trạm cấp nước và chưa thể bàn giao chính thức cho doanh nghiệp gây khó khăn cho việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tiếp theo. Đặc biệt, mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND ngày 4-8-2014 "Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2020" nhưng đến nay rất ít doanh nghiệp làm được thủ tục hỗ trợ. Chia sẻ khó khăn này, đại diện Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Toàn Linh cho biết, công ty đã xây dựng trạm đầu mối, giếng khoan, hệ thống đường ống chính, lắp đặt hệ thống đường ống phân phối và đã cấp nước cho 725 hộ của xã Tam Hiệp nhưng chưa có được bất kỳ một sự hỗ trợ nào về tài chính theo cơ chế của thành phố.

Đâu là giải pháp?

Theo Nghị quyết HĐND thành phố giao, năm 2015 phải đạt mục tiêu 40% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế. Đây là mục tiêu rất khó có khả năng hoàn thành. Bởi lẽ, hiện tại nông thôn Hà Nội mới có 33,78% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, trong khi những năm qua bình quân mỗi năm ngoại thành Hà Nội chỉ có thêm từ 2,2 đến 3% số người dân được sử dụng nước sạch thì mục tiêu này quả là quá sức trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn hiện nay. Bài toán đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm cấp nước ở nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề và cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổng hợp báo cáo thống nhất trình UBND thành phố phê duyệt các thủ tục pháp lý, cơ chế tài chính để doanh nghiệp tiếp cận và triển khai đầu tư công trình nước sạch. Với chủ đầu tư và UBND các huyện có trạm cấp nước dở dang cần quyết toán giá trị tài sản đã đầu tư để làm cơ sở cho việc định giá tài sản bàn giao cho các doanh nghiệp. Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, các địa phương cần vận động người dân cùng tham gia góp kinh phí đối ứng để nâng cao hiệu suất của các trạm cấp nước; đẩy mạnh chương trình nước sạch theo phương thức xã hội hóa, khuyến khích và huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho chương trình nước sạch nông thôn; kiểm tra, rà soát lại quy hoạch nước sạch nông thôn để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với từng địa phương và thực tế nhu cầu. Các huyện, và các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ chương trình NS&VSMTNT để đạt mục tiêu đã đề ra.

Trao đổi thêm về các giải pháp, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, sau điều tra, dự kiến giai đoạn 2 của dự án, Trung tâm TNN sẽ kiến nghị để tìm kiếm giải pháp nhằm cung cấp nguồn nước sinh hoạt an toàn cho sức khỏe của người dân. Với những nơi khan hiếm nước, Trung tâm TNN sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ tìm kiếm nguồn nước thay thế. Đối với những địa phương có nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn do môi trường sản xuất độc hại, thói quen sinh hoạt của bà con, thì song song với các giải pháp, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp cho người dân các phương thức lọc nước phù hợp với điều kiện sống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Vấn đề không chỉ ở cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.