Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Triết lý cổng làng và thông điệp hồi sinh

Bằng Giang - Thanh Thủy| 25/04/2016 06:46

(HNM) - Xung đột giữa cũ và mới, giữa tiện ích sinh hoạt với giá trị tinh thần đã và đang

Cổng làng Trinh Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông.


Nhịp sống hiện đại còn khiến không ít địa phương, dẫu giàu truyền thống văn hóa, vẫn phải gồng mình rất lâu để thoát chìm trong hàng loạt bức xúc giữa bảo tồn và phát triển… Nhiều người thừa nhận, giữ được di sản mang tính địa phương này không đơn giản. Và giữ được bản sắc, hồn cốt của làng quê còn nan giải hơn rất nhiều...

Nét xưa còn lại…

Trinh Lương (phường Phú Lương, Hà Đông nổi tiếng với bốn chữ "Trong ấm, ngoài êm" trên bức đại tự, nhưng cũng giống với nhiều ngôi làng khác ở Thủ đô, khó tránh khỏi những tác động dữ dội từ cơn lốc đô thị hóa trong đời sống hiện tại. Sau khi sáp nhập về quận Hà Đông (2009), làng Trinh Lương được chia thành 3 tổ dân phố. Nhiều phần đất của làng chuyển đổi sang dự án khu đô thị khiến diện tích canh tác bị thu hẹp. Cư dân nơi khác chuyển về sinh sống ngày một nhiều hơn.

Từ một làng thuần nông, Trinh Lương "chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại", đưa kinh tế làng đi lên. Người trong làng chia sẻ, đô thị hóa nông thôn, đời sống khấm khá hơn nhưng mối liên kết, gắn bó trong cộng đồng đã bị phôi phai ít nhiều, đặc biệt kể từ khi "làng lên phố". Đất thuộc phạm vi quản lý hành chính rộng hơn nhưng không gian làng cổ thì co lại. Nhiều tập tục đẹp không còn giữ được. Có thời điểm, "bốn chữ vàng" trên cổng làng trở thành đề tài bàn tán do có không ít chuyện không vui đã xảy ra ở nơi đây...

Thế nhưng, làng Trinh Lương vẫn còn không ít giá trị hiện hữu mà lối sống đô thị mới chưa thể "chạm" vào, như lời cụ ông Nguyễn Văn Cương (Tổ 12 - Trinh Lương) khẳng định: "Trong cuộc sống hối hả thường nhật, những giá trị ấy thường ẩn đi. Chỉ khi có việc, nó mới bộc lộ, soi tỏ phẩm chất, cốt cách người làng". Cụ kể chuyện địa phương chung sức trùng tu đình, chùa, quán rồi mở rộng cổng làng: "Lần đó, cũng có người đề xuất đập bỏ cổng cũ, thiết kế hiện đại hơn nhưng lập tức bị tập thể phản đối với lý do phải trân trọng những giá trị truyền thống cũng như gìn giữ cho con cháu sau này".

Tâm nguyện ấy được Ban kiến thiết cổng làng thực hiện nghiêm cẩn với sự góp công, góp của của người dân trong làng cùng con em xa xứ. Cổng làng được mở rộng, nâng cốt nhưng vẫn nguyên mẫu cũ với câu đối và "bốn chữ vàng" thể hiện mong mỏi, khát vọng của người làng. Là thành viên Ban kiến thiết năm xưa, cụ Nguyễn Văn Cương đúc rút: "Có thể có thời điểm trong làng xảy ra chuyện này chuyện kia, nhưng về căn bản, Trinh Lương vẫn giữ được căn cốt làm nên phẩm chất con người nơi đây, nhờ thế mà trong vẫn ấm, ngoài vẫn êm. Thế nên ai muốn tìm đường về đây, chỉ cần hỏi làng "trong ấm, ngoài êm", là sẽ đến được nơi cần đến".

Trinh Lương là một trong số không nhiều ngôi làng còn gìn giữ được những nét đẹp truyền thống, qua một việc tưởng rất đơn giản là bảo vệ cổng làng. Thực tế, không ít nơi, vì nhiều nguyên do, di sản văn hóa mang tính địa phương này không còn được chính người địa phương coi trọng. Nhiều làng phá cổng cũ, xây cổng mới theo phong cách lai tạp, phô trương... Nhiều nơi biến cổng làng thành cổng chào một cách tạm bợ, cẩu thả... Khó có thể trách người dân hành xử vì lợi ích của họ (lợi ích trước mắt, mang tính cục bộ...). Chỉ biết rằng, những chiếc cổng làng, với lối kiến trúc độc đáo, giản dị nhưng không kém phần tinh xảo, đã lưu dấu dâu bể thời gian, đang mất dần như thế!

... và câu chuyện bảo tồn

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã khiến không gian cổ kính ở nhiều ngôi làng cũng bị thu hẹp một cách "chóng mặt". Chung số phận với không gian xưa cũ là cổng làng, dẫu chiếm diện tích rất nhỏ, nhưng không thể đứng ngoài những xung đột văn hóa... Và, những thông điệp nhân văn từ thiết chế văn hóa này cũng đang bị lãng quên như chính khối kiến trúc lưu giữ nó. Nhiều nơi, người dân, thậm chí cả những người gánh trọng trách trưởng thôn, trưởng khu phố chỉ biết cười trừ khi được hỏi về ý nghĩa những chữ khắc trên cổng làng - một thời là lẽ sống, niềm tự hào riêng có của cha ông mình.

Nhịp sống mới với không ít tác động tiêu cực đã và đang làm phôi phai, đứt gãy những nét đẹp văn hóa được trao truyền từ bao đời ở nhiều ngôi làng. Có nơi, tệ nạn xã hội len lỏi vào từng nếp nhà mang theo những điều bất hạnh, gây hoang mang bất ổn cho cả cộng đồng; nơi khác tình trạng sinh con thứ ba, thứ tư diễn ra dai dẳng tới mức mười mấy năm không đạt danh hiệu làng văn hóa. Có làng nổi tiếng về lối sống đẹp buộc phải phiền lòng vì chuyện kiện tụng, mâu thuẫn, tranh chấp đất đai từ gia đình, dòng họ… Những câu chuyện buồn này không chỉ phản ánh mặt trái của đời sống mà còn là tác nhân thúc đẩy nhanh hơn sự tan biến những giá trị cốt lõi của cộng đồng làng, xã.

Nhiều người biết chúng tôi tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của cổng làng, đã gửi gắm tâm tư và cả kiến nghị tới các cơ quan chức năng như: Cần có một cuộc thống kê, khảo sát toàn diện về những cổng làng có niên đại hàng trăm năm tuổi, từ đó đưa ra những quy định thống nhất xét công nhận cổng làng thành di sản văn hóa, di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng như đưa ra giải pháp bảo tồn hiệu quả với sự đầu tư kinh phí hợp lý cho hạng mục này.

Cùng với đó, đưa nội dung bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó có cổng làng, vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đồng thời huy động sức mạnh cộng đồng từ việc giáo dục ý thức, tư vấn chuyên môn để người dân hiểu cũng như có những ứng xử phù hợp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản…

Trong khi chờ đợi những động thái tích cực từ các cơ quan chức năng, người cao tuổi ở nhiều ngôi làng đã chủ động đề xuất với chính quyền địa phương, các trường học trong làng đưa nội dung giáo dục truyền thống, lịch sử làng, xã vào chương trình giáo dục ngoại khóa bắt đầu từ việc hướng dẫn con em tìm hiểu giá trị, ý nghĩa nhân văn từ những chiếc cổng làng mình như làng Hòa Xá (Chương Mỹ); làng Cao Lãm (Ứng Hòa)… Việc làm này, như lời cụ Nguyễn Văn Sinh người làng Cao Lãm, Ứng Hòa là nhằm gìn giữ ký ức cho làng, bởi đơn giản, làng cần ký ức như một cách khẳng định giá trị bản địa.

Không chỉ là chứng nhân lịch sử, cổng làng còn là nơi lưu giữ những mong mỏi, khát vọng của một cộng đồng. Di sản văn hóa này cần một tư duy nhất quán trong quy hoạch với những giải pháp đủ sức dung hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển; giữ lại "nét làng, hồn làng" mà không làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển đô thị (câu chuyện di tích cổng làng Trung Nha, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, nằm án ngữ giữa tuyến đường mới mở suốt một thời gian dài vừa qua để lại không ít vấn đề cần suy nghĩ).

Làm được như vậy, cổng làng - thiết chế văn hóa gắn với sự ra đời và tồn tại của làng Việt cổ Bắc Bộ - biết đâu sẽ có cơ hội hồi sinh, tái xác lập những giá trị vốn có chứ không chỉ là bảo tồn những gì còn lại. Hơn hết, những việc làm trên đều không nằm ngoài ước vọng xây dựng một Hà Nội hiện đại và văn hiến. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Triết lý cổng làng và thông điệp hồi sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.