Đời sống

Thông điệp từ cổng làng

Thuận An 30/08/2024 - 10:56

Dù đi trên những con phố hiện đại, bóng dáng những chiếc cổng làng, cổng xóm luôn “kéo” người ta về những điều xưa cũ.

Điều mà không phải ai cũng chú ý, đó là những đại tự, câu đối được viết ở cổng làng phần nhiều đều mang thông điệp răn dạy đạo làm người, về cách ứng xử. Tuy nhiên, những thông điệp ấy nhiều khi bị bỏ quên trong cuộc sống hiện đại...

cong-lang.jpg
Cổng làng Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Nina May

Trong lịch sử phát triển của Hà Nội, “làng lên phố” gần như là một quy luật. Ngay cả ở những quận nội thành cũ của Hà Nội như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, không ít nơi xưa kia vốn là làng.

Ở quận Ba Đình, ngay bên những con phố sầm uất, vẫn dễ dàng tìm thấy dấu tích của làng cổ. Chỉ cách đường Hoàng Hoa Thám một quãng ngắn, sự tồn tại của cổng làng Đại Yên nhắc người ta về một nét xưa. Ngay bên chiếc cổng ấy, vẫn còn vài người bán các loại lá thuốc nam - nghề chính ở làng Đại Yên đã tồn tại mấy trăm năm.

Quận Tây Hồ còn có một “phố cổng làng”, đó là phố Thụy Khuê nằm ngay bên hồ Tây. Những chiếc cổng có lẽ đều đã đứng đó hàng trăm năm tuổi, nhuốm màu thời gian: Cổng Hầu, cổng Xanh, cổng làng Đông Xã...

Những quận hình thành sau này, mật độ cổng làng còn dày hơn, đó là các cổng làng Tương Mai (quận Hoàng Mai), Giáp Nhất (quận Thanh Xuân), Gia Thượng (quận Long Biên)...

Vùng ngoại thành, nhất là mạn xứ Đoài, xứ Sơn Nam Thượng, xứ Kinh Bắc xưa, không mấy ai không biết đến cổng làng Mông Phụ (thị xã Sơn Tây), cổng làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai), cổng làng Phương Viên (huyện Hoài Đức), cổng làng Dục Tú (huyện Đông Anh)...

Văn hóa làng là đặc điểm nổi bật của người Việt xưa. Làng nọ có thể sát làng kia, nhưng phong hóa rất khác nhau. Cánh cổng làng dường như là thứ góp phần “phân chia” những thế giới ấy, góp phần tạo nên những lề thói khác biệt. Người đi xa, thấy cổng làng là thấy quê hương. Tuy nhiên, lâu nay, người ta thường chỉ nói đến những nét đẹp kiến trúc của cổng làng mà quên mất những thông điệp từ các đại tự.

Dù kiến trúc khác nhau, nhưng cổng làng thường có hai loại chữ. Thứ nhất, là đại tự, nằm ở trên cao, được nhiều người gọi là “trán” cổng. Mặt ngoài thường ghi tên làng, mặt bên trong ghi các thông điệp. Đại tự cổng làng thường có ba, bốn chữ, hiếm khi nhiều hơn. Xưa kia, khi xây dựng, các bậc cao niên trong làng thường bàn bạc, nhờ thầy chọn chữ sao cho phù hợp với phong hóa, với ước vọng của dân làng; hoặc cũng có thể là những lời răn dạy được gửi gắm cho cộng đồng. Chọn chữ rồi mới viết, đắp chữ ấy lên.

Chữ “Nhân vi mỹ” được nhiều làng chọn. Ý nghĩa sâu xa được hiểu là ngôi làng lấy những phẩm chất tốt đẹp của con người làm trọng. Cổng làng Hà Trì (quận Hà Đông) mong muốn những phong tục tốt đẹp của làng luôn được duy trì, phát triển nên các cụ viết bốn chữ “Mỹ tục khả gia”. Làng Nhị Khê (huyện Thường Tín) có một cổng mà mới nhìn bốn chữ lớn “Như lễ đại tân” người ta đã thấy sự hiếu khách. Tuy không đồ sộ như cổng làng Ước Lễ, nhưng cổng làng Mông Phụ là một trong những cổng làng đẹp nhất hiện nay, với dòng chữ “Thế hữu hưng nghi đại”, nghĩa là muốn được hưng thịnh, cần phải thích nghi. Đó là thông điệp mà người xưa gửi gắm.

Hai bên cổng làng thường có những đôi câu đối. Cổng làng Ước Lễ không chỉ ấn tượng bởi sự bề thế, là một trong những cổng làng đẹp nhất cả nước, mà còn ấn tượng bởi đôi câu đối rất thú vị khi các cụ trong làng kết hợp cả chữ Hán lẫn chữ Nôm: “Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kỳ thị/ Xôn xao trước thầy sau tớ, mã xa phục quá thử kiều”. Người làng Ước Lễ thường đi xa buôn bán, nên câu đối này là lời cầu chúc người làng ra đi kinh doanh sẽ may mắn, thuận lợi, người theo con đường công danh cũng thành đạt để rồi trở về qua cây cầu làng (trước cổng làng có một cây cầu).

Làng càng hiếu học, có truyền thống khoa bảng thì càng có những câu đối hay, có chiều sâu về ý nghĩa. Làng Đại Từ (quận Hoàng Mai) xưa có truyền thống nhận con nuôi, được triều đình nhà Nguyễn phong tặng danh hiệu “Đại Từ nghĩa dân”. Cách đây hơn 20 năm, người dân xây lại cổng làng cho to, rộng để phương tiện hiện đại lưu thông thuận lợi. Trên cổng, người dân cho đắp một đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ: “Chính nghĩa tự nghìn xưa với chữ vua ban càng rực sáng/ Đại Từ thời đổi mới theo lời Bác dạy mãi vươn cao”. Trong khi nhiều cổng làng mới lai căng, đủ mọi hình dáng thì cổng làng Đại Từ có thể coi là một đại diện tiêu biểu cho cổng làng mới có sự kế thừa, phát huy những giá trị xưa cũ. Mang kiến trúc cũ, nhưng đại tự, câu đối được dịch ra chữ quốc ngữ nên ai cũng có thể đọc được.

Có một thời gian, do vị trí “chơi vơi”, rất hiếm cổng làng được công nhận là di tích nên nhiều cổng làng bị phá đi, xây mới, hoặc bị đập bớt cột cho rộng ra. Giờ thì cổng làng được quan tâm gìn giữ hơn, song, thông điệp trên cổng làng chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết cổng làng cổ đều viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, nên nhiều người không hiểu. Do đó, bên cạnh những chữ viết cổ, cần có sự chú thích rõ ràng bằng chữ quốc ngữ. Khi xây cổng mới, nên dùng kiến trúc truyền thống, sử dụng chữ quốc ngữ, hoặc song ngữ. Chỉ như vậy thì thông điệp từ cổng làng mới tới được với thế hệ hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp từ cổng làng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.