(HNM) - Song song với việc nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách, các cơ quan, đơn vị chức năng đang tiến hành sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn bộ máy, tăng cường tự chủ... Việc triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo đà thúc đẩy các trường nghề phát huy tốt sức mạnh nội lực để phát triển.
Yêu cầu bức thiết
Không thể phủ nhận, giáo dục nghề nghiệp đang tăng trưởng cả về chất và lượng, góp phần cung cấp cho thị trường lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước lên 60% vào cuối năm 2018. Năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề cũng nhờ đó được tăng lên.
Tuy vậy, ở nước ta hiện nay, lực lượng lao động đang làm việc có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên mới đạt khoảng 24%; công nhân có trình độ kỹ thuật cao mới chiếm 19%. Đáng lưu ý, cả nước còn gần 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp, nhưng các doanh nghiệp lại khó tuyển lao động.
Theo “Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến nửa đầu năm 2019 tại Việt Nam” do Trang thông tin tuyển dụng trực tuyến, thuộc Tập đoàn Navigos Group (VietnamWorks) vừa công bố, có tới 79% doanh nghiệp ở nước ta đang thiếu hụt các vị trí nhân sự. Nhiều ngành, nghề đang cần như bảo trì, sửa chữa, bán hàng, cơ khí… đứng trước nguy cơ khó tuyển dụng lao động, do nguồn cung khan hiếm.
“Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nói chung, đào tạo nghề nói riêng. Đặc biệt, từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có hướng phát triển bứt phá để khẳng định chất lượng, tránh tình trạng đào tạo theo chỉ tiêu, số lượng, gây lãng phí”, Giám đốc điều hành Tập đoàn Navigos Group Nguyễn Phương Mai khuyến nghị.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, ngoài những giải pháp đang triển khai, Bộ đã xây dựng dự thảo và đang trình Chính phủ xem xét phê duyệt “Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030” theo hướng tinh gọn bộ máy, mở rộng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo.
Phấn đấu đến năm 2025, quy mô tuyển sinh của mạng lưới giáo dục nghề nghiệp đạt 4,6 triệu người/năm, trong đó có ít nhất 85% số người học nghề có việc làm, đạt năng suất lao động cao hơn và đến năm 2030, quy mô tuyển sinh sẽ tăng lên 6,3 triệu người/năm, đại đa số người học nghề có việc làm với thu nhập khá.
Để đạt được những mục tiêu đó, trong thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, cao đẳng công lập hoạt động kém hiệu quả hoặc không đủ tiêu chí, điều kiện để hoạt động; sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng nhau. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đang hoạt động hiệu quả sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động tự chủ từng phần hoặc toàn phần.
Riêng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục được khuyến khích thành lập mới, doanh nghiệp có nhu cầu thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được ưu tiên, bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trong hoạt động tuyển sinh, đào tạo nghề.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết thêm: Chúng tôi đang nghiên cứu để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định khác liên quan, nhằm động viên, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; từng bước đưa công tác đào tạo nghề theo sát nhu cầu của thị trường lao động...
Tạo đà bứt phá
Trên thực tế, trong những năm vừa qua, nhiều địa phương đã tiến hành rà soát, đánh giá, sắp xếp lại hệ thống các trường nghề, đồng thời thí điểm hoạt động theo cơ chế tự chủ tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tương tự như giải pháp đề ra tại dự thảo “Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030”. Điều đáng mừng là các đơn vị, địa phương đã triển khai theo hướng này, đều thu được những kết quả khả quan, tạo đà cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bứt phá.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: Thực hiện “Đề án rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2025” (UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 25-2-2019), hiện tại, Hà Nội cơ bản không còn các trường trung cấp, cao đẳng công lập trong tình trạng “cửa đóng, then cài”.
Các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề đã được các quận, huyện, thị xã sáp nhập thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc chuyển đổi mục đích hoạt động. Nhờ đó, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề trên địa bàn thành phố luôn vượt chỉ tiêu đề ra, với số lượng 200.000 lượt người/năm.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Hằng khẳng định, khi hoạt động theo cơ chế tự chủ, nhà trường và doanh nghiệp là hai thành tố của thị trường lao động. Theo đó, mối quan hệ giữa hai đơn vị này không dừng lại ở mức độ hợp tác cùng có lợi, mà đó là đối tác chiến lược, mang lại lợi ích tối đa cho tất cả các bên, trong đó có người học.
Còn theo sinh viên Nguyễn Thái Phương, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II - người vừa đạt Chứng chỉ xuất sắc tại kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019, chi phí học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động tự chủ cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, chính là một trong những yếu tố thôi thúc học sinh, sinh viên nỗ lực học tập. Bởi, nếu không cố gắng phát huy tối đa những kiến thức được học, sẽ lãng phí tiền bạc, công sức của bản thân, gia đình.
Với giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng tự chủ, gắn kết với thị trường được đúc rút từ những mô hình đã thành công trong thực tế, hy vọng chất lượng nguồn nhân lực của nước ta sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.