Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Thầm lặng xin tạng cứu người

Tuệ Diễm| 07/11/2015 06:15

(HNM) - Bác sĩ! Bác sĩ ơi! Bác đến nhanh lên. Không xong rồi! Người phụ nữ hốt hoảng khi thấy chồng ôm ngực vì đau tim cấp, người mềm đi. Linh tính điều chẳng lành, gọi xe cấp cứu và gọi bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp đưa chồng đi hiến tạng, theo ý nguyện.


Chiếc xe cấp cứu từ Bệnh viện Chợ Rẫy hú còi, 5 giờ chiều, các trục đường chính tại TP Hồ Chí Minh kẹt cứng. Dòng xe nối đuôi nhau xếp hàng di chuyển một cách chậm chạp. Bụng dạ bác sĩ Thu như lửa đốt. Trên tay chị, điện thoại reo lên lần nữa. Người phụ nữ thều thào "Bác sĩ đến nhanh lên!", bác sĩ Thu nói: "Chị đừng gọi nữa, tiếp tục nhồi ngực cho chồng đi. Sốc càng mạnh càng tốt, để tim ông ấy đập trở lại, xe chúng tôi đang trên đường tới". Hơn một năm đảm nhận nhiệm vụ ở Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chưa bao giờ bác sĩ Thu phải đối mặt với trường hợp đặc biệt như lần này.

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (thứ 2 từ phải sang) trong buổi vận động hiến tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy.


Cách đây 3 tháng, ông X (72 tuổi) ngụ tại Hóc Môn bị đau tim đã nhiều năm, một lần tình cờ xem ti vi, ông thấy có phóng sự nói về những người chết đồng ý hiến tạng cứu được 6-7 người bị bệnh nặng. Nghĩ bệnh tim của mình không qua khỏi, ông nói vợ lên Bệnh viện Chợ Rẫy làm đơn cho ông xin hiến tạng. Người vợ phản đối, lập tức ông chồng bỏ ăn, ôm tim rầu rã. Biết không thể làm trái ý chồng, bà vợ tìm đến bác sĩ Thu. Người vợ bần thần kể về chồng: "Ổng ói, mệt, không ăn uống. Ổng nằng nặc đòi đi hiến tạng, nên tôi mới xuống đây để đăng ký". Lần ấy, bác sĩ Thu xin Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy điều một xe cứu thương theo người vợ về Hóc Môn để xem tình trạng bệnh của ông X. Ông được đưa vào bệnh viện điều trị. Sau một tuần nằm, sức khỏe ổn định, ông được xuất viện. Nhưng các bác sĩ cho biết, ông có thể tử vong bất cứ lúc nào nếu lên cơn đau tim cấp. Trước khi rời viện, ông X không quên sang phòng bác sĩ Thu hoàn thành nốt lá đơn xin hiến tạng khi chẳng may qua đời. Hôm nay, ông X bị đau tim cấp, ngồi trên xe, bác sĩ Thu ruột gan như lửa đốt. "Trước hết là tôi muốn cứu sống bệnh nhân, thứ nữa, nếu chẳng may không cứu được thì phải kịp đến trước lúc ông mất mới có đủ thời gian chuẩn bị tiến hành nhận tạng. Chúng tôi chỉ có thể nhận tạng khi bệnh nhân qua đời dưới 15 phút, nếu lâu hơn thì tạng sẽ bị hư".

Khoảng cách từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến nhà ông X tại Hóc Môn chưa đầy 30km, dòng đường nghẽn tắc vì đúng giờ tan tầm. Chiếc xe chữ thập hú còi inh ỏi nhưng vẫn phải nhích từng chút. Đi được nửa chặng đường, điện thoại bác sĩ Thu rung lên hồi nữa. Lần này là giọng của một bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Hóc Môn buồn bã: "Bệnh nhân chết 30 phút trước khi chúng tôi kịp đến". Thế là mạng người không cứu được, tạng người cũng không thể lấy được, bác sĩ Thu nhớ lại câu chuyện này trong nỗi day dứt: "Trường hợp của ông X, đồng ý hiến toàn bộ tạng quý cho bệnh viện, nhưng chỉ vì xe cấp cứu bị tắc đường, bệnh nhân qua đời quá lâu, chỉ có thể nhận được giác mạc". Đúng 100 ngày ông X mất, bệnh viện tổ chức một đoàn về thắp nhang cho ông. Rút chiếc điện thoại đút trong túi áo, bác sĩ Thu mỉm cười khoe với vợ ông X hình hai người bệnh đã sáng mắt nhờ có giác mạc của chồng. Im lặng một hồi lâu, người vợ bật khóc. Gạt nước mắt, bà đưa bức ảnh chụp tiến gần bàn thờ chồng và nói: "Bác sĩ ơi, vậy cũng được rồi. Lúc ổng sống, nhìn thấy người khiếm thị ổng cũng rất thương họ. Vậy là các bác sĩ đã giúp nhà tôi được toại nguyện".

Sau hơn một năm đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy vận động xin hiến tạng nhân đạo, có hơn 900 lá đơn của người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đồng ý hiến tạng khi qua đời. Nhiều trường hợp bệnh nhân có đơn hiến tạng được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu, nhưng sau đó lại may mắn vượt qua cơn bạo bệnh trở về. Ông X là trường hợp người làm đơn hiến tạng qua đời đầu tiên nhưng lại không thể cho tạng. Sau lần ấy, bác sĩ Thu cứ ngậm ngùi. "Nguồn tạng người chết não hiến tặng quý hơn vàng, một người chết hiến đa tạng có thể cứu tối thiểu 6-8 người sống, vậy mà chỉ vì kẹt đường mà xe cấp cứu không đến được". Bác sĩ Thu lặng đi, chị cảm thấy buồn vì hệ thống giao thông của mình còn nhiều bất cập: "Ở nước ngoài luôn có một làn đường riêng cho xe cứu thương. Nếu nước mình cũng vậy, thì đã không xảy ra chuyện, cũng sẽ không có nhiều bệnh nhân chết trên đường đi cấp cứu".

Những vị bác sĩ kiêm nghề "xin tạng nhân đạo" như luôn phải đối diện với khoảnh khắc sinh tử. Không ít lần bác sĩ Thu hồi hộp đến ngộp thở khi nhận được điện khẩn từ người thân của bệnh nhân: Bác sĩ đến nhanh lên! "Một lần, có cô gái khi đưa mẹ vào phòng cấp cứu, tôi thấy cô ấy rất bình tĩnh đón nhận cái chết sẽ đến với mẹ và liên tục nhắc bác sĩ chuyện mẹ có làm đơn hiến tạng, để bác sĩ biết mà kịp chuẩn bị. Nhưng may mắn, lần đấy kíp trực Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống người bệnh để trở về với gia đình sau 2 tuần điều trị". Theo bác sĩ Thu, đó là trường hợp hiếm mà Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người nhận được sự ủng hộ từ người thân của người muốn hiến tạng. "Con của bệnh nhân đó đi du học ở Châu Âu, nên coi chuyện hiến tạng không xa lạ". Ở nước ta, quan niệm chết phải toàn thây, đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người. Do đó, tập thể nhân viên làm việc tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người và Bệnh viện Chợ Rẫy đều gặp không ít khó khăn trong hành trình xin tạng. Cái khó đầu tiên theo các bác sĩ là do cộng đồng chưa có nhiều thông tin về hiến tạng nhân đạo. Cái khó thứ hai là luật pháp quy định, người cho tạng đồng ý, nhưng chỉ cần một trong các thân nhân của họ gồm vợ, chồng hay các con trên 18 tuổi phản đối thì việc cho tạng sẽ không được thực hiện. Cái khó thứ ba, khi người cho chết não, phải có hội đồng khoa học đánh giá chết não bao gồm bác sĩ hồi sức, bác sĩ thần kinh và bác sĩ pháp y. Các bác sĩ vừa hồi sức tối đa để cứu chữa bệnh, theo dõi đánh giá tình trạng chết não qua diễn tiến lâm sàng và điện não theo luật định, đồng thời cũng hồi sức bảo vệ tạng hiến tặng. Sau 3 lần đánh giá, mỗi lần cách nhau 6 tiếng, tình trạng bệnh không cải thiện và điện não đẳng điện (không có sóng điện não báo có hiện tượng hoạt động của não bộ) thì mới được lấy tạng.

Năm 2010, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một ca cấp cứu cho một nữ bác sĩ bị tai nạn giao thông nguy kịch. Hiểu rõ bệnh nhân là người làm nghề y, các bác sĩ thuộc Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đã đặt vấn đề với người nhà về việc xin tạng cho mục đích cứu người. May mắn, khi vừa đề cập, thì họ nhận được cái gật đầu đồng ý từ người thân. Cô con gái, công tác trong ngành Công an thổ lộ với bác sĩ: "Hồi còn sống mẹ tôi thích làm từ thiện, hay cứu giúp người, giờ đây mẹ mất thì tôi nghĩ tôi thay mẹ quyết định cho tạng, mẹ cũng đồng ý". Nhưng khi hội đồng xác định việc cho tạng được lập nhằm đánh giá tình hình chết não của bệnh nhân thì vấp phải sự phản đối từ em trai của người bệnh. "Việc thiện phải được sự đồng ý, hòa hợp của các thân nhân. Chúng tôi là bác sĩ cứu người, nên rơi vào trường hợp như vậy cũng rất thông cảm cho người nhà", bác sĩ Thái Minh Sâm - Trưởng khoa Thận niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại ca hiến tạng năm xưa. Giữa lúc gia đình bối rối, ê kíp phẫu thuật đã trấn an các thân nhân. May mắn sau đó, cô con gái đã dùng lời lẽ thuyết phục được người cậu đồng ý cho mẹ cô hiến tạng.

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện có khoảng 1.000 bệnh nhân suy thận có chỉ định ghép thận. Rất nhiều trường hợp phải chạy thận suốt đời vì không tìm được nguồn thận phù hợp. Đa số họ còn rất trẻ, người nhỏ nhất 18 tuổi, người lớn hơn chỉ tầm 40 tuổi. Đang trong độ tuổi lao động, vậy mà chừng ấy con người phải từ bỏ công việc, sống phụ thuộc vào tuần 3 bữa chạy thận. Trong khi danh sách chờ được ghép thận ngày càng dài, nhưng số người đồng ý hiến tạng khi qua đời lại rất ít ỏi. Từ năm 2008 đến nay, 12 bệnh nhân chẳng may qua đời đã đồng ý hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đã nhận được 23 quả thận, 2 lá gan, 2 lá phổi, 2 trái tim và 4 giác mạc. Hành trình xin tạng nhân đạo của các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy còn cả một thử thách phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Thầm lặng xin tạng cứu người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.