(HNM) - Chính sách đã có và phù hợp, nhân dân đã vào cuộc quyết liệt, hệ thống chính trị bước đầu đã có kinh nghiệm… là tiền đề thuận lợi cho công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).
Tuy nhiên, để 40% tổng số xã về "đích" trong năm 2015 như kế hoạch của TP Hà Nội đề ra vẫn còn nhiều gian nan. Tại cuộc rà soát, đánh giá lại các tiêu chí NTM của Ban chỉ đạo (BCĐ) thành phố ở 55 xã trên địa bàn 19 huyện, thị xã vừa qua cho thấy, nếu không quyết liệt triển khai và không được quan tâm tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong cơ chế, chính sách thì chương trình sẽ rất khó hoàn thành đúng hẹn.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) tuy không phải là tiêu chí trong xây dựng NTM nhưng lại có tác động đến rất nhiều tiêu chí. Tuy toàn thành phố đến nay công tác này đã hoàn thành được hơn 95% diện tích nhưng phần còn lại đều thuộc diện khó. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác DĐĐT số diện tích còn lại, giúp nông dân sắp xếp lại sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để nâng cao giá trị đất canh tác. Tại buổi kiểm tra thực tế công tác DĐĐT tại huyện Chương Mỹ mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: Quan điểm của thành phố là kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân để tạo sự đồng thuận cao và sát sao kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ triển khai không đúng quy trình để chương trình về đích đúng hẹn.
Về cơ chế chính sách cho xây dựng NTM, nhiều ý kiến cho rằng cơ bản phù hợp, tuy nhiên, nhiều địa phương đang vấp phải khó khăn về vốn. Theo Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến, thành phố cần có hình thức rút ngắn quy trình đấu giá đất để địa phương dễ huy động nguồn lực xây dựng NTM. Chính sách hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn theo Quyết định 16 cũng nên tiếp tục được thực hiện để tạo cơ hội cho nhiều thôn, xóm hoàn thành tiêu chí giao thông theo chuẩn NTM. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng: Các địa phương cần bám sát các tiêu chí xây dựng NTM, lựa chọn hạng mục đầu tư những công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, tránh phá đi làm lại, lãng phí. Hàng trăm, hàng nghìn công trình xây dựng cơ bản đã và đang hoàn thiện ở các địa phương cũng cần được quản lý bằng các hương ước thôn, xóm để người dân cùng quản lý, bảo quản và khai thác hiệu quả.
Đối với tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, trong đó có mục nhà văn hóa (NVH), khu thể thao trung tâm xã, hiện đa số các địa phương đều "trắng". Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Kiều Bá Thuyên cho rằng: "Quan trọng nhất là NVH phải hoạt động hiệu quả. Nếu không hiệu quả thì NVH to cũng chẳng để làm gì. Vì vậy, các địa phương nên tập trung vào việc bổ sung các trang thiết bị như: Trang âm, bàn ghế, tủ sách, bảng tin, dụng cụ thể thao... nhằm khai thác tốt hơn công năng sử dụng của NVH". Cùng với ông Thuyên, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng NVH và khu thể thao trung tâm xã là chưa cần thiết trong bối cảnh nguồn lực còn khó khăn. "Hiện đa số các thôn làng đều đã xây được NVH quy mô thôn làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa thể thao của địa phương. Vì vậy, không nhất thiết phải có NVH thể thao trung tâm bởi để xây dựng công trình này phải cần vài chục đến cả trăm tỷ đồng, trong khi mỗi năm chỉ sử dụng 1 vài lần" - Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình 02 của thành phố Nguyễn Công Soái: Các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của cán bộ, người dân trong quá trình xây dựng NTM để họ chủ động, tích cực tham gia đóng góp. Bên cạnh đó, từng bước tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là trong khâu đấu giá quyền sử dụng các diện tích đất xen kẹt tạo nguồn thu cho địa phương kiến thiết hạ tầng; cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau DĐĐT; hỗ trợ người dân sản xuất để nâng cao đời sống… |
Đề cao vai trò chủ thể của nhân dân
Xây dựng NTM không dừng lại ở việc hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí mà cần giữ vững, củng cố và phát triển thành quả đạt được, đồng thời đầu tư cho phát triển sản xuất để nâng cao đời sống người dân; bởi với những người nông dân, nếu đời sống vật chất, tinh thần chưa được nâng cao thì NTM chỉ là hình thức.
Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho rằng, ngoài những tiêu chí "cứng" về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn, các tiêu chí "mềm" như môi trường, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo… cần được quan tâm, duy trì thường xuyên nếu không rất khó giữ. "Các tiêu chí văn hóa, an ninh trật tự, hệ thống chính trị… mặc dù không mất nhiều kinh phí nhưng lại tác động rất lớn đến phong trào xây dựng NTM và rất dễ "tuột" mất nếu không được quan tâm thường xuyên, kịp thời" - Bà Huyền nhận định.
Mục tiêu của TP Hà Nội đến năm 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, bởi việc xây dựng NTM cần một lượng vốn lớn. Ước tính mỗi xã cần vài trăm tỷ đồng, trong khi ngân sách thành phố và huyện hỗ trợ có hạn; ngân sách nhiều xã, nhất là đối với các xã thuần nông, vùng sâu, vùng xa còn hạn hẹp. Vì vậy, các địa phương cần tranh thủ các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình khác có liên quan như về y tế, nước sạch… Đặc biệt, cần khơi gợi các cách làm sáng tạo, phù hợp như cung cấp vật tư để người dân tự tổ chức thi công đường giao thông và một số công trình phúc lợi; vận động, nâng cao ý thức người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế gia đình… để nâng cao đời sống. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần tiếp tục khơi gợi sức dân bởi chính người dân mới thực sự là chủ thể để xây dựng thành công NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.