Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Ôn lại lịch sử, vững tiến tới tương lai

Hà Phong| 06/01/2016 06:25

(HNM) - 70 năm qua, Quốc hội (QH) đã trải qua quá trình hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng nước nhà.

Gắn bó chặt chẽ với nhân dân

Thực tiễn tổ chức và hoạt động của QH ngay trong những nhiệm kỳ đầu tiên đã rút ra những kinh nghiệm rất có giá trị đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của QH hiện nay. Còn nhớ, ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc Tổng tuyển cử QH khóa đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra tiêu chuẩn của ĐBQH, đó là: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà"; "Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc". Sau đó, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được QH thể hiện đầy đủ trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1992 và mới đây là Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức QH, Luật Bầu cử ĐBQH và Đại biểu HĐND.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sỹ Dũng, kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên chính là cơ hội quý để các ĐBQH, các nhà khoa học, các bộ, ban, ngành hữu quan đánh giá về những đóng góp to lớn của QH vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Từ đó, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất phương hướng nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của QH trong những nhiệm kỳ tiếp theo, để QH luôn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.

Với kinh nghiệm thực tế và hoạt động nghị trường sôi động, Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Viết Nhiên (ĐBQH Đoàn Hải Phòng) cho rằng, QH khóa XIII với việc xây dựng và thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp 2013 và hàng loạt các đạo luật sẽ là tiền đề khá vững chắc cho hoạt động lập pháp của QH các khóa tiếp theo. Niềm tin, sự ủng hộ to lớn của nhân dân đối với QH trong suốt thời gian qua là cơ sở quan trọng để QH khóa mới phát huy mạnh mẽ vai trò trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nhân dân đã ủy quyền.

Đòi hỏi cao hơn nữa

Cũng khẳng định sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân chính là sợi dây liên kết bền chặt giữa ĐBQH và cử tri, theo ông Đoàn Ngọc Nam, cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), từ khi cách mạng Việt Nam có Đảng lãnh đạo, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Mối quan hệ này tạo thành sức mạnh vô địch, trường tồn cho cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam, là bài học thực tiễn sinh động, vô giá. Trong QH, quan điểm này cần cụ thể hóa hơn, để mỗi ĐBQH thấm nhuần tư tưởng, bài học này trong mối quan hệ với cử tri, trong hoạt động của đại biểu.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Ngọc Nam, cử tri vẫn mong muốn ở QH nhiều hơn những phát triển "chiều sâu". Đó là kỹ năng hoạt động nghị trường của ĐBQH (thảo luận, tranh luận, chất vấn, giám sát...) phải nâng lên nữa. Thứ hai là cơ chế chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ.

Nhìn thẳng vào những vấn đề của ngành Giáo dục, có thể thấy, Việt Nam luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhưng chất lượng chưa như mong muốn, nền giáo dục hiện nay vẫn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Trong lĩnh vực nội vụ, vẫn còn hiện tượng "lách" chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ bằng cách giảm cán bộ biên chế, tăng cán bộ hợp đồng. Với ngành Nông nghiệp, mấy chục năm qua, sản xuất kinh doanh còn rất manh mún. Hiện tượng thịt lợn chứa chất cấm, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định cho phép đang có chiều hướng gia tăng... Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về vấn đề nêu trên, ĐBQH Đoàn Hải Phòng Trần Ngọc Vinh đã phải thốt lên "con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế". Vì vậy, chính sách của QH nhất thiết phải nhanh, mạnh chứ không dừng lại ở mức "rách" đâu "vá" đó. Với yêu cầu ngày càng cao, khối lượng công việc ngày càng lớn, để làm tròn nhiệm vụ của người đại diện của nhân dân trong QH cần tăng số ĐBQH chuyên trách gắn với nâng cao tiêu chuẩn về năng lực, trình độ. Mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu phải được hiểu và chú trọng đúng mức.

Đề cập cụ thể hơn, ĐBQH Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách 35% là ít. ĐB Nguyễn Văn Tuyết đề nghị nâng tỷ lệ này lên ít nhất là 45% với mục đích để QH có điều kiện hoạt động tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của QH. ĐB Nguyễn Văn Tuyết cũng cho rằng, về Đoàn ĐBQH, cần xác định rõ ràng vị trí pháp lý của Đoàn ĐBQH có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để có thể chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát và tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ở địa phương. Hai điểm yếu căn bản ấy nếu được khắc phục, chắc chắn sẽ phát huy cao độ vai trò của QH trong cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Ôn lại lịch sử, vững tiến tới tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.