Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Nâng trách nhiệm, tăng giám sát

Nhóm PV NC-VX| 22/08/2014 06:39

(HNM) - Như đã đề cập, dù là nơi có nhiều học viện, nhà trường đứng chân trên địa bàn, nhưng để đáp ứng nhu cầu học tập của người học cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo của Hà Nội cũng đã tổ chức liên kết đào tạo với số lượng học viên không nhỏ.


Nắm thế chủ động trong đào tạo cán bộ

Ngày 18-8-2011, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 01-CTr/TU về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011- 2015". Chương trình đề ra các chỉ tiêu liên quan đến công tác đào tạo cán bộ, cụ thể: Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ chuyên môn sau ĐH đạt trên 35%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 100%; 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ chủ chốt cấp phường, thị trấn và trên 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ ĐH.

Thực hiện Chương trình, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng một số đề án, dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để thực hiện, thành phố đều phải liên kết với các trường để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, thành phố luôn nắm thế chủ động trong công tác tổ chức, quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Đơn cử, thực hiện Đề án 07-ĐA/TU ngày 24-9-2013 "Đào tạo cán bộ nguồn thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020", Thành ủy Hà Nội đã tổ chức 8 lớp cán bộ nguồn với khoảng 800 học viên. Mỗi lớp đều có Ban chỉ đạo do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy hoặc Trưởng ban Tổ chức Thành ủy làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo lớp học thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định từ khâu tuyển chọn học viên, học tập trung tại trường, đi thực tế và sát hạch công chức. Khâu sát hạch công chức đối với học viên lớp cán bộ nguồn được xem xét dựa trên những căn cứ tổng hợp từ kết quả học tập, rèn luyện trong trường ĐH, kết quả học tập lớp cán bộ nguồn và đi thực tế cơ sở. Trong mỗi giai đoạn học tập, Ban chỉ đạo đều có quy định, cơ chế để theo dõi, giám sát và đánh giá học viên. Như đối với lớp cán bộ nguồn Tổ chức, để giám sát học viên đi thực tế, Ban chỉ đạo lớp học ban hành Văn bản số 04-CV/ BCĐLĐTCBNTC ngày 3-7-2014 quy định một số vấn đề về quản lý học viên được phân công công tác thực tế tại cơ sở, trong đó phân công rõ trách nhiệm quản lý, giám sát và báo cáo đối với Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị xã và Đảng ủy các phường, xã, thị trấn tiếp nhận học viên... Để trở thành công chức thành phố, các học viên đều phải phấn đấu cả quá trình trong sự giám sát chặt chẽ như vậy, nên tâm lý chung của học viên là không muốn gian lận, không dám gian lận và nếu muốn cũng khó có thể gian lận.

Coi trọng trách nhiệm

Ngoài các lớp cán bộ nguồn, Thành ủy Hà Nội còn liên kết với các trường mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khác. Chẳng hạn năm 2013, mở 2 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tại chức, 18 lớp trung cấp lý luận chính trị... 6 tháng đầu năm nay, thành phố cũng tổ chức 12 lớp trung cấp lý luận chính trị.

Thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình 01-CTr/TU, một số quận, huyện, thị xã, đảng ủy trực thuộc Thành ủy cũng đã liên kết với các trường ĐH tổ chức các lớp đào tạo ĐH và trung cấp lý luận chính trị như Thanh Trì, Phú Xuyên, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai, thị xã Sơn Tây... Đến nay, một số đảng bộ đã đạt và vượt các chỉ tiêu, nhưng vẫn còn nhiều đảng bộ chưa đạt các chỉ tiêu. Chẳng hạn, các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Mê Linh, Hoài Đức mới đạt từ trên 12% đến trên 15% tỷ lệ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ chuyên môn sau đại học (chỉ tiêu Chương trình là 35%). Các huyện Ứng Hòa, Quốc Oai, Thường Tín, Thanh Oai, Đan Phượng, Mỹ Đức, Sơn Tây mới đạt từ trên 23% đến dưới 50% tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn từ ĐH trở lên (chỉ tiêu Chương trình là 80%)...

Mặc dù theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, đến thời điểm này, tại Hà Nội chưa phát hiện có trường hợp sai phạm nào liên quan đến việc liên kết đào tạo nói trên. Nhưng không ai có thể chắc chắn 100% là sẽ không xảy ra những vụ việc tương tự như ở Thanh Hóa. Vì dù quản lý chặt chẽ đến đâu, nhưng cá nhân con người vẫn quyết định hành vi của họ. Nhất là khi việc liên kết với các trường để thực hiện công tác đào tạo cán bộ của thành phố diễn ra thường xuyên, có quy mô lớn (hàng nghìn, thậm chí hàng vạn học viên), đa dạng và phức tạp.

Rõ ràng, vụ việc nộp tiền "chống trượt" trong kỳ thi tuyển sinh cao học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Hóa là hồi chuông cảnh báo với những đơn vị, địa phương tổ chức liên kết đào tạo. Cùng với cơ quan quản lý chuyên ngành thì cấp ủy, chính quyền các cấp cũng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phòng ngừa những nguy cơ xảy ra sai phạm. Có như vậy hình thức liên kết đào tạo mới giữ được mục đích, chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhất là cán bộ được địa phương cử theo học các lớp đào tạo vừa học, vừa làm, tạo điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Nâng trách nhiệm, tăng giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.