Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Lối đi nào cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa?

Nguyễn Mai - Ngọc Quỳnh| 05/10/2016 05:48

(HNM) - Tìm một

Gỡ bất cập về chính sách

Thừa nhận những bất cập trong chính sách đối với phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 4-6-2010 sau đó sửa đổi sang Nghị định 210/2013/NĐ-CP (NĐ 210) ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn một số nội dung chưa đi vào cuộc sống. Ví dụ, NĐ 210 áp dụng trên mọi vùng miền nhưng điều kiện phát triển ở mỗi vùng miền mỗi khác... Hơn nữa, theo NĐ 210, mức hỗ trợ sau đầu tư tối đa chỉ 2,5 tỷ đồng trong khi đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao, một số ngành hàng yêu cầu vốn lớn... Tháo gỡ vấn đề này, Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan khảo sát, đánh giá, tiếp tục có kiến nghị và đề xuất sửa đổi để NĐ 210 sát thực tiễn hơn nhằm khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình sản xuất rau hữu cơ của Tập đoàn TH True Milk đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Khánh Huy


Thực tế cho thấy, một trong những hạn chế thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề đất đai. Theo Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993, đất nông nghiệp được giao cho nông dân nên câu chuyện đáng bàn là phải làm gì để tháo gỡ được nút thắt này nhằm thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nhiều tỉnh đã có cách làm sáng tạo. Ví như ở Hà Nam, trên cơ sở giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, khi người dân tự nguyện cho thuê đất, tỉnh đứng ra làm đại diện giao lại đất cho DN. Trong đó, quyền sử dụng đất vẫn là của nông dân và người dân chỉ chuyển quyền sử dụng đất cho DN trong thời gian nhất định. Hay tại Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề này bị bó hẹp bởi hạn điền vì theo quy định hiện hành, hạn điền cho phép DN tiếp nhận chuyển nhượng chỉ trong mức 20-50ha, vì vậy cần phải nghiên cứu để có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra cách tích tụ ruộng đất khác là hình thành các hợp tác xã (HTX), trong đó nông dân sản xuất trên cơ sở chỉ đạo của HTX, đúng luật nên khả thi.

Thực tế ở khá nhiều địa phương, mặc dù có những vùng đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, nông dân không mấy quan tâm đến nông nghiệp nhưng vẫn có tâm lý giữ ruộng không muốn cho DN thuê. Hiện nay, cơ chế chính sách để khuyến khích tích tụ ruộng đất chưa có, chủ yếu là tích tụ tự phát; việc định giá thuê đất, thanh toán của mỗi hộ nông dân với cá nhân, DN vào thuê đất hoàn toàn do thỏa thuận nên còn nhiều bất cập.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, chính quyền cơ sở cần tích cực vào cuộc, làm tốt vai trò khâu nối, tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu và từ bỏ thói quen giữ ruộng đất, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhà nước cần có hành lang pháp lý, hướng dẫn việc thuê và cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp ở các địa phương nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ tháo gỡ về đất đai, vốn có vai trò quan trọng để DN, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp TS Đào Thế Anh đề nghị: Nhà nước nên hình thành quỹ đầu tư, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các dự án nông nghiệp. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín, Hà Nội) Đào Quang Vinh cũng đề xuất, ngoài hỗ trợ 100% xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, Nhà nước cần hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng cho DN từ 50% đến 60% và hỗ trợ lãi suất ngân hàng 50% thì DN nông nghiệp mới có khả năng đầu tư đưa công nghệ cao vào sản xuất.

Đẩy mạnh liên kết

Về phía DN, để từng bước xây dựng nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các DN cần phải đổi mới tư duy trong xây dựng và triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh. Trao đổi về vấn đề này, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, các DN cần phải đổi mới cả về tư duy kinh doanh lẫn tổ chức sản xuất. Theo đó, DN cần thực hiện tốt mô hình liên kết với các hộ nông dân, trang trại thông qua các HTX để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tập trung xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết chặt chẽ với nông dân để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ cần tập trung vào khai thác thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng tính cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu.

Sản xuất hàng hóa quy mô lớn đang là nhu cầu thiết yếu để từng bước thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, muốn thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp cần phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, hợp lý. Việc tổ chức sản xuất phải theo hướng quy mô lớn, tập trung hàng hóa và áp dụng đồng bộ cơ giới hóa. Hiện các DN mới chỉ quan tâm đến hoạt động phối hợp tiêu thụ sản phẩm của DN mà ít quan tâm đến hoạt động phối hợp tiêu thụ nông sản cho nông dân nên lợi ích giữa các bên chưa hài hòa làm liên kết thiếu bền chặt. Vì vậy, DN phải thay đổi phương thức liên kết, chính quyền địa phương phải làm tốt vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ cho người dân ký kết bằng các hợp đồng kinh tế có điều kiện ràng buộc rõ ràng. Từ đó chấm dứt tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng và DN buộc phải cam kết trả tiền đúng thời hạn cho người dân khi vào vụ thu hoạch để sản xuất hàng hóa lớn không chỉ dừng lại ở mô hình mà còn phát triển mạnh và trở thành phong trào thi đua sản xuất ở các tỉnh, thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Lối đi nào cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.