Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Loại bỏ những "vùng cấm"

Quỳnh Trang| 28/12/2015 06:16

(HNM) - Trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái... sự đồng thuận và thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chỉ khi phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng thời quản lý chặt chẽ ngay từ

Lực lượng chức năng kiểm tra mặt hàng sữa nhập khẩu.


Nhiều bất cập, khó khăn

Nói về những khó khăn trong "cuộc chiến" chống buôn lậu, làm giả tân dược, ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chồng chéo, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động và gây khó khăn, vướng mắc cho công tác điều tra, xử lý.

Chính sách ưu đãi đối với hàng hóa cư dân biên giới, khu kinh tế cửa khẩu còn nhiều bất cập bị các đối tượng vi phạm lợi dụng. Khó khăn thứ hai là việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu bị làm giả đối với cơ quan chức năng chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí không hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để nhận biết hàng thật - hàng giả. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp e ngại nhãn hiệu bị người tiêu dùng tẩy chay, "mang tiếng" là hàng giả nên khó phân phối. Thứ ba là số vụ xử lý hình sự về hành vi buôn bán hàng giả chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số vụ việc vi phạm mà các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: "Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả rất phức tạp, trong khi đó cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện phục vụ cho công tác này đối với lực lượng chức năng còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác". Mặt khác, kinh phí phục vụ đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả từ ngân sách nhà nước còn cấp chưa kịp thời; cơ chế trích thưởng trong đấu tranh chống buôn lậu, kinh phí từ việc xử lý tang vật bị tịch thu còn khó khăn, nhiều thủ tục.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ ra rằng, một nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh với tội phạm là trong một số hoạt động cụ thể, sự phối hợp giữa các lực lượng phòng chống buôn lậu chưa tốt, chưa có sự phân định rạch ròi về vai trò chỉ huy, quyết định xử lý tình huống giữa đơn vị có yêu cầu với đơn vị phối hợp thực hiện. Công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin về các vụ việc và đối tượng bị xử phạt giữa các lực lượng chức năng chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đôi lúc chưa kịp thời.

"Chặt đứt" những đường dây bảo kê

Hàng nghìn gói bột ngọt giả vừa được thu giữ ngày 26-12.


Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Chính phủ xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên và phải tập trung đấu tranh trên cả 3 lĩnh vực: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiên quyết không cho phép có "vùng cấm". Để đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất những giải pháp sau.

Thứ nhất, tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng. Cụ thể, Bộ Công an cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công an các đơn vị, địa phương tổ chức đánh mạnh, đánh đúng, đánh trúng vào các đường dây, đối tượng cầm đầu, tội phạm. Thứ hai, Bộ Công thương cần tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng giả, kém chất lượng.

Bộ Tài chính, chỉ đạo lực lượng hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với các lô hàng là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng được đăng ký mở tờ khai nhập khẩu; bổ sung kế hoạch kiểm tra sau thông quan đối với những doanh nghiệp nhập khẩu có dấu hiệu nghi vấn gian lận. Bộ Y tế chỉ đạo các vụ, cục chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như sản xuất kinh doanh thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hay phân bón là rất quan trọng. "Cần tập trung vào hoàn thiện quy định, chế độ chính sách quản lý, cấp phép, chứng nhận đăng ký kinh doanh, công bố tiêu chuẩn chất lượng đối với các đơn vị được phép sản xuất, kinh doanh. Chấn chỉnh công tác quản lý nghĩa là chúng ta chống hàng giả, hàng kém chất lượng từ gốc, nếu để sản phẩm tung ra thị trường rồi lực lượng chức năng mới đi đấu tranh thì không xuể", ông Hùng cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam, để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cần tích cực hơn trong việc phối hợp với lực lượng chức năng về cung cấp thông tin đối tượng sản xuất, buôn bán, kinh doanh phân bón giả. Mặc khác "chặt đứt" những đường dây bảo kê cho các mặt hàng làm giả, làm kém chất lượng. "Tôi ví dụ, phòng thí nghiệm là nơi người ta tin nhất thì lại có hiện tượng bảo kê cho sản phẩm kém chất lượng, có hiện tượng chứng nhận hàng kém chất lượng thành hàng đủ chất lượng, khi truy tới cùng thì đổ lỗi cho trang thiết bị lạc hậu, lỗi thời…

Thậm chí có địa phương, hàng giả lại còn được quản lý thị trường bao che, dung túng thậm chí cho đổi mẫu vi phạm để "đổi trắng thay đen". Tóm lại, theo tôi chúng ta phải làm quyết liệt và toàn diện. Lợi nhuận từ sản xuất hàng giả là rất lớn, nó đủ sức mua chuộc lòng tham của mỗi con người, bởi vậy rất cần những người thực thi có tài và có tâm" - ông Thúy nói.

Các khoản lợi nhuận từ hàng giả, hàng lậu có thể nói là "siêu" lợi nhuận khiến các đối tượng không từ bỏ một thủ đoạn nào nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Một "cuộc chiến" cam go như vậy rất cần các lực lượng đoàn kết, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp.

Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm và mặt hàng trọng điểm... phải được thực hiện thường xuyên sâu rộng bằng nhiều hình thức. Một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm phòng chống tội phạm hàng giả từ Nhật Bản trong một hội thảo mới đây tại Hà Nội nói: "Một cuộc chiến với những chiếc vòi bạch tuộc từ hàng giả, cần phải kết hợp nhiều sức mạnh, nếu đơn độc sẽ khó thắng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Loại bỏ những "vùng cấm"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.