Du lịch

Bài cuối: Lễ hội sen Hà Nội - tại sao không?

Ngọc Thủy - Bạch Thanh 28/07/2023 07:21

Với những nét đặc sắc riêng có lan tỏa nét văn hóa truyền thống đất kinh kỳ ngàn năm của sen, tại sao không sớm có một Lễ hội sen Hà Nội trên những con đường thơ mộng ven hồ Tây lộng gió?

cover-w-5.jpg

Một đêm cuối tháng 5-2023, tôi đứng ở đảo Bồng Lai giữa hồ Tịnh Tâm của kinh thành Huế, xung quanh là thơm ngát hương sen trắng - giống sen quý từ trăm năm trước đã được các vua chúa triều Nguyễn thưởng ngoạn. Đó cũng là đêm khai mạc Lễ hội sen Huế lần thứ 3. 

Và tôi chợt nghĩ, với những nét đặc sắc riêng có lan tỏa nét văn hóa truyền thống đất kinh kỳ ngàn năm của sen Tây Hồ cũng như sự phong phú và hiệu quả kinh tế cao của mô hình trồng, chế biến sen tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, tại sao không sớm có một Lễ hội sen Hà Nội trên những con đường thơ mộng ven hồ Tây lộng gió?

tit5-1(1).jpg

Năm nay đã là năm thứ 3 Lễ hội sen Huế được UBND tỉnh thừa Thiên - Huế tổ chức tại hồ Tịnh Tâm - một trong những danh thắng được vua Thiệu Trị xếp vào hạng “Thần kinh nhị thập cảnh”. Hồ đã được chỉnh trang sau một thời gian dài ô nhiễm, xuống cấp, nhưng điều đáng quý hơn nữa là chính quyền và người dân nơi đây từ năm 2019 đã khôi phục lại được giống sen trắng Huế mọc ở hồ Tịnh Tâm như vốn đã từng có hàng trăm năm trước.

Với chủ đề “Sen tô sắc Huế”, Lễ hội sen Huế năm 2023 đã tôn vinh giá trị của sen trong đời sống tinh thần của người Huế; cũng như giúp du khách trải nghiệm, cảm nhận những giá trị tiềm ẩn và hiện hữu của sen trong đời sống thường ngày. Sự kiện quy tụ khoảng 50 gian hàng, bao gồm các gian hàng ẩm thực làm từ sen và của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia giới thiệu, trưng bày, chế biến, chào bán các món ăn, sản phẩm ẩm thực đặc trưng… Ngoài ra, còn có các hoạt động chèo thuyền chụp hình tại hồ sen; hướng dẫn pha trà sen, thưởng thức trà sen; talkshow “Ẩm thực sen Huế” cùng nhiều hoạt động trên đảo Bồng Lai và đảo Phương Trượng…

Hình ảnh tại Lễ hội sen Huế năm 2023. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế

Lễ hội sen Huế đã tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế; góp phần thực hiện tốt công tác truyền thông xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thừa Thiên - Huế trong năm 2023. Đây cũng là chương trình nhằm hưởng ứng Festival Huế 2023 gắn với định hướng festival bốn mùa, đồng thời là chuỗi các sự kiện, hoạt động du lịch ngày hội mùa hè của tỉnh năm 2023.

Ở nước ta, hoa sen được trồng trải dài khắp mọi miền đất nước, nhiều nhất phải kể đến tỉnh Đồng Tháp. Sen cũng là một trong những loài hoa mang lại kinh tế cao cho người dân Đồng Tháp trong lĩnh vực du lịch, ẩm thực…

Tháng 5-2022, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ nhất. Trong khuôn khổ lễ hội có một sự kiện đặc biệt, đó là nấu 200 món ăn từ sen và xếp trên mô hình hoa sen 10 cánh bung tỏa để xác lập kỷ lục Việt Nam và thế giới về "Sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ sen nhiều nhất". Khởi sắc sau Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ nhất, hiện đã có nhiều đối tác tìm đến với doanh nghiệp, người trồng sen Đồng Tháp để thu mua, xây nhà máy chế biến sản phẩm từ cây sen và cũng đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên ra thế giới.

bai5-sen24.jpg
Cây sen đang hiện diện ở rất nhiều vùng quê của Hà Nội.

Trong dòng chảy này, cây sen Hà Nội, với bề dày văn hóa gắn với cảnh quan đặc sắc của hồ Tây huyền thoại và sự khởi sắc trong đời sống đương đại ở nhiều vùng quê ngoại thành, chắc chắn sẽ có nhiều câu chuyện thú vị, sản phẩm độc đáo để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trên thực tế, cũng đã có một số địa phương của Hà Nội tổ chức các sự kiện nhỏ lẻ nhằm tôn vinh cây sen.

Chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Mỹ Đức) Bùi Văn Chuyện cho hay: Đầu tháng 7-2023, tại đầm sen Quán Mai, thôn Đức Dương, xã đã tổ chức chương trình liên hoan văn nghệ cùng nhiều hoạt động khác nhằm quảng bá cho thương hiệu sen An Phú. Sự kiện tuy nhỏ, nhưng đã đem tới không gian tươi mới cho vùng sen nơi đây, ai cũng thấy yêu và tự hào về vẻ đẹp quê mình khi mùa sen về. Với quy mô khoảng 200ha, sen An Phú trải dài ở nhiều thôn, bám sông, núi, kênh rạch, có những đầm sen sát chân núi rộng vài chục héc-ta, góp phần làm đẹp cảnh quan của Thủ đô, nhưng điều đáng tiếc là vẫn còn được ít người biết đến.

Theo ông Trương Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, từ năm 2014, huyện đã có ý tưởng và được thành phố đồng ý, tiến tới phát triển vùng sen Mỹ Đức quy mô lớn, trên cơ sở đó hình thành Lễ hội hoa sen của địa phương, giúp nâng cao giá trị các vùng sen, gắn với du lịch của địa phương. Ý tưởng đã có, vùng sen đã có, tiếc là Mỹ Đức chưa thu hút được nguồn lực đầu tư xứng tầm để làm nên một Lễ hội hoa sen như kỳ vọng. Vì vậy, huyện mong muốn được tham gia vào một “sân chơi” lớn hơn, tầm cỡ thành phố, để thương hiệu sen Mỹ Đức được biết đến nhiều hơn nữa…

tit5-2(1).jpg

Nói về tương lai cây sen Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, bên cạnh những giá trị văn hóa lịch sử mang tính bảo tồn của sen hồ Tây, thì khu vực ngoại thành Hà Nội, nhất là các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, trong quy hoạch trở thành đô thị vệ tinh cũng như vành đai xanh của Thủ đô gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái…, cây sen phải được đầu tư hướng tới đa giá trị. Vừa bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

anh-27.jpg
Mùa sen ở Hà Nội đang được nối dài và mở rộng.

Muốn vậy, Hà Nội không chỉ “độc bản” có sen Bách Diệp để làm trà, mà phải có đủ bộ giống sen chất lượng cao mang tính chuyên biệt, tối ưu hóa giá trị. Nếu là sen lấy hạt thì năng suất phải cao, chất lượng hạt phải thơm, ngon; đối với sen lấy bông phải to, bền, đẹp, hương thơm đặc trưng, không phải loài hoa "sớm nở tối tàn", mà người thưởng thức có thể cắm chơi vài ba ngày như nhiều loài hoa khác. Hay như các mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm, phải bảo đảm thời gian ra hoa kéo dài tối ưu, có thể tới mùa thu vẫn còn sen đẹp trong đầm, hồ…

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, để hiện thực hóa điều này, Hà Nội đã làm việc với các đơn vị như Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để đưa bộ giống sen mới vào sản xuất từ các giống sen bản địa được bảo tồn đến các giống sen nhập khẩu... Theo đó, các huyện có tiềm năng lớn đối với cây sen sẽ được ngành Nông nghiệp đồng hành xây dựng mô hình điểm, tạo sức lan tỏa.

bai5-sen23.jpg
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam dự định đưa các giống sen mới về Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa.

Sự lan tỏa, thích nghi của cây sen với đồng đất ngoại thành Hà Nội đã được minh chứng rõ nét trong thực tế nhiều năm qua. Điều này cũng khẳng định chủ trương đúng đắn của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong việc định hướng, chuyển đổi giống cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế ở những vùng đồng trũng.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, hiện Thủ đô có tới gần ngàn héc-ta sen rải rác ở khắp các quận, huyện, thị xã, trong đó, sen trồng tập trung theo vùng chuyên canh khoảng gần 400ha. Và tiềm năng để xây dựng vùng sen tập trung quy mô lớn ở các huyện như Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa… dư địa còn rất nhiều.

Sen là một trong những cây trồng đa giá trị mà Hà Nội hướng tới để xây dựng một ngành nông nghiệp sinh thái, bền vững. Sen mọc lên ở đâu, ở đó làng quê đẹp hơn, đáng sống hơn. Và để cây sen giúp nông dân làm giàu, Hà Nội đã lựa chọn được ít nhất 16 giống sen chất lượng cao từ các giống bản địa được bảo tồn đến các giống lai tạo, nhập khẩu đáp ứng các phân khúc khác nhau.

Bà VŨ THỊ HƯƠNG
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Theo bà Hương, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình trồng sen trái vụ, trồng sen gắn với cây trồng khác. Cụ thể là mô hình trồng sen xen kẽ trồng súng. Khi hoa sen vào thu tàn, thì hoa súng bắt đầu vào mùa đẹp. Với cách làm này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm cho các địa phương…

Người Hà Nội yêu sen, sen cũng thích nghi với thổ nhưỡng nhiều vùng đồng đất Hà Nội và sinh trưởng tốt, không phụ lòng người. Nhưng để những đầm sen thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô, cũng như tạo cơ hội cho người dân địa phương có thể làm giàu ngay tại quê hương, theo các chuyên gia, Hà Nội cần hình thành mô hình làng nghề sen như nhiều làng nghề truyền thống khác, kết hợp giữa sản xuất và du lịch để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác. Có làng nghề sen cũng thêm một nét độc đáo trong bộ sản phẩm OCOP, trong quá trình xây dựng nông thôn mới của các huyện.

Đích hướng đến là ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng làng nghề sen gắn giữa sản xuất với du lịch, tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm từ sen… Và một lễ hội sen được tổ chức quy mô, bài bản chắc chắn sẽ làm tốt việc quảng bá hình ảnh cây sen Hà Nội ra với bạn bè cả nước và du khách quốc tế. Nâng tầm cho cây sen Hà Nội trong đời sống hôm nay cũng là mong mỏi của những nghệ nhân cả đời đau đáu với cây sen, với các sản phẩm độc đáo từ sen...

bai5-sen26.jpg
Cây sen có thế mạnh để trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều khu vực ngoại thành.

Xin được lấy những chia sẻ tâm huyết của nghệ nhân Phan Thị Thuận để kết thúc loạt phóng sự này: “Sen Tây Hồ là một tài sản quý không chỉ của Hà Nội mà còn được người dân nhiều địa phương khác biết đến. Từ nhiều năm trước, không ít bà con ở Hưng Yên, Hà Nam… đã lặn lội về hồ Tây để xin bằng được giống sen quý Bách Diệp. Bây giờ bà con các vùng ngoại thành Hà Nội không chỉ bảo tồn, phát triển được giống Bách Diệp hồ Tây, mà còn trồng được nhiều giống sen mới, cho năng suất cao, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo.

Vậy tại sao chúng ta không tạo một “sân chơi” cho bà con giới thiệu sản phẩm, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chế biến sen, tạo cơ hội cho du khách thập phương chiêm ngưỡng, tìm hiểu những tinh hoa trong văn hóa ướp trà thủ công, thưởng trà sen của người Hà Nội…

Cây sen Hà Nội đã hội tụ đủ những câu chuyện thú vị để kể, và nếu được kể trong một không gian đẹp, đậm chất văn hóa của đất kinh kỳ ngàn năm như những con phố đi bộ ven hồ Tây thì tôi tin rằng Lễ hội sen Hà Nội sẽ thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo điểm nhấn về du lịch, văn hóa và cả kinh tế cho Thủ đô…”.

BÀI 1: Sen Hồ Tây - Món quà từ trăm năm
BÀI 2: "Bén duyên" nhiều vùng đất mới
BÀI 3: Những sản phẩm độc đáo trong đời sống từ sen

BÀI 4: Nối dài những mùa sen Hà Nội

line.jpg

Thực hiện: Ngọc Thủy - Bạch Thanh
Ảnh: Ngọc Thủy - Bạch Thanh - Lê Long - Hiền Xiêm
Thiết kế: T.P

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Lễ hội sen Hà Nội - tại sao không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.