Du lịch

Bài 4: Nối dài những mùa sen Hà Nội

Ngọc Thủy - Bạch Thanh 27/07/2023 07:24

Không còn “độc quyền” ở khu vực Tây Hồ, đến hôm nay hoa sen đã hiện diện tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội. Cây sen đã đa dạng hơn về chủng loại cũng như thời gian tăng trưởng, nối dài những mùa sen ở Hà Nội...

cover-w-4-1.jpg

Không còn “độc quyền” ở khu vực Tây Hồ, hôm nay, hoa sen đã hiện diện tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội. Cũng không chỉ có Bách Diệp, giờ thêm sen Quan Âm, sen Nhật Bản, sen lai… Cây sen đã đa dạng hơn về chủng loại cũng như thời gian tăng trưởng, nối dài những mùa sen ở Hà Nội, hình thành nhiều làng trồng sen mang “lợi ích kép” cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

tit4-1.jpg

Bao quanh bởi những dãy đá vôi, đồng đất An Phú của huyện Mỹ Đức xưa kia chỉ cấy được một vụ lúa, giờ đây, nhiều hộ dân chuyển sang trồng sen lấy hạt. Khác với nhiều đầm sen ở Hà Nội, hoa sen ở An Phú nở muộn hơn, đẹp nhất là khoảng thời gian cuối tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Với gần 200ha sen xen giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp, không gian nơi đây càng trở nên đặc biệt. Thời điểm này, có thể nói, An Phú là vựa sen lớn nhất của Thủ đô.

Những ngày này, sen An Phú đang vào mùa thu hoạch chính, từ xa nhìn vào, "thung lũng sen" là không gian bát ngát với thảm hoa bung nở rực hồng. Mô hình trồng sen lấy hoa và hạt của hộ ông Đinh Tiến Hanh, ở xã An Phú, là một trong những mô hình đạt hiệu quả tốt.

Với diện tích 10ha, gia đình ông Hanh tập trung trồng các giống sen mới; cùng với bán hoa, củ, hạt sen, gia đình còn làm trà từ hoa và lá sen. Mỗi vụ trồng sen, trừ chi phí, gia đình ông lãi 3-4 triệu đồng/sào. So với trồng lúa, sen vẫn cho hiệu quả gấp 3 lần mà ít tốn tiền đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc cũng không quá vất vả. Ngoài trồng sen, gia đình ông Hanh thả các loại cá (trôi, mè, trắm...), nguồn thu ổn định quanh năm. Mô hình kinh tế này còn tạo việc làm thời vụ cho 3-5 nhân công với thu nhập 250.000 đồng/người/ngày...

bai4-sen17.jpg
Đầm sen hồng An Phú, Mỹ Đức luôn thu hút khách tham quan.

Đáng nói, vụ sen ở An Phú kéo dài từ đầu hè tới cuối thu, cả vùng quê An Phú được bao phủ bởi hương sen thơm ngát và xanh tươi của lá, màu hồng của hoa. Hoa sen đã làm cho cuộc sống nơi đây "xanh" hơn, tươi hơn, giúp nông dân nhiều lợi ích, vừa trồng sen lấy hạt - vừa phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả. Những năm gần đây, mỗi mùa sen thu hút hàng chục ngàn người đến tham quan, chụp ảnh.

Ông Nguyễn Bá Tuyến (ở thôn Đồng Văn, xã An Phú) - một trong những hộ đầu tiên trồng sen lấy hạt kết hợp du lịch nông nghiệp cho hay: Nhiều người đi qua An Phú thấy vùng sen bạt ngàn nằm dưới những dãy núi đá vôi trùng điệp thì dừng lại chụp ảnh. Sau đó, họ rủ bạn bè, người thân tới rất đông. Dần dần, gia đình đầu tư thêm cầu tre, chòi quán... hỗ trợ người chụp ảnh được thuận lợi, kết hợp bán thêm một số nông sản địa phương và gia tăng dịch vụ đi kèm…

Nhờ hợp thổ nhưỡng, sen trồng ở An Phú có bông to đẹp và hương rất thơm. Ở những vùng sen khác, thời điểm thưởng sen lý tưởng nhất là vào buổi sáng sớm, hương sen ngọt mát, dìu dịu..., song ở núi rừng An Phú, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, thưởng sen đều thú vị bởi thời tiết ôn hòa. Đặc biệt, khi chiều buông, mặt trời nghiêng sau núi, những đàn chim bay rộn ràng khắp những cánh đồng sen càng tạo nên cảnh sắc độc đáo, ít nơi có được.

Sen An Phú đẹp là vậy, ai cũng muốn một lần được đắm mình trong không gian của núi đồi trùng điệp với những thung sen rộng tới vài chục héc ta, "cò bay thẳng cánh" chẳng hết đầm sen, chỉ thấy xa tít, nhỏ xíu rồi ẩn sâu vào trong dãy núi. Khi cảm nhận rõ nét hương thơm tinh khiết của núi rừng mới thấy được tiềm năng - mỏ vàng du lịch vô giá ở mảnh đất này.

sen.jpg

Theo Trưởng ban Quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, trung bình mỗi năm, Hương Sơn thu hút hàng triệu lượt khách, nhưng chủ yếu trong 3 tháng lễ hội chùa Hương. Giờ đây, nếu có thêm những đầm hoa sen và các loài hoa khác cũng như thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn du khách sẽ đến Hương Sơn cả bốn mùa trong năm.

tit4-2.jpg

Tại huyện Phú Xuyên, giống sen Nhật Bản đang mang tới sinh khí cho vùng đất này. Giữa tháng 7, về xã Nam Triều đúng mùa sen nở, chúng tôi ngỡ ngàng bởi sen đã phủ kín một vùng ruộng trũng khi xưa.

bai4-sen22.jpg
Những giống sen mới đã bén rễ trên các vùng đất ngoại thành Hà Nội.

“Người cần đất, đất cần người”, từ năm 2020 mô hình trồng sen Nhật Bản đã hình thành trên những cánh đồng trũng kém hiệu quả ở Nam Triều, Phú Xuyên.

---

Đưa chúng tôi thăm cánh đồng sen, Chủ tịch UBND xã Nam Triều Phan Cao Lạc chia sẻ câu chuyện cách đây đã chục năm. Sau dồn điền đổi thửa (năm 2012), Nam Triều cũng như nhiều vùng quê khác ở Phú Xuyên đã hình thành các vùng sản xuất vườn - ao - chuồng. Tuy nhiên, ruộng trũng cho thu hoạch bập bõm, khiến thu nhập cũng theo đó mà bấp bênh... Trước tình cảnh đó, lãnh đạo xã đã đi tìm hiểu, thăm các mô hình nông nghiệp mới tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc. Mục tiêu được đặt ra là phải tìm mô hình mới đáp ứng 2 tiêu chí: Hiệu quả hơn cấy 2 vụ lúa; đầu ra sản phẩm có doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Mà trên hết, đó phải là mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, giúp xây dựng môi trường trong lành...

Từ cuối năm 2019, qua nhiều kết nối, Công ty HVN AGRI - một doanh nghiệp chuyên trồng và kinh doanh sản phẩm từ giống sen của Nhật Bản đã về xã Nam Triều khảo sát, liên kết với người dân đưa giống sen mới có giá trị cao vào sản xuất, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản. “Người cần đất, đất cần người”, từ năm 2020, mô hình trồng sen Nhật Bản đã hình thành trên những cánh đồng trũng kém hiệu quả ở Nam Triều.

bai4-sen18.jpg
Nụ cười được mùa sen của bà con Phú Xuyên.

Tâm huyết với giống sen mới, bà Phạm Thị Thông, thôn Phong Triều, xã Nam Triều chia sẻ: "Trồng sen không chịu tác động nhiều từ điều kiện bất lợi của môi trường, lại không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào trên đồng ruộng nên nông dân hồ hởi đón nhận. Đối với chúng tôi, hiệu quả kinh tế quan trọng, nhưng quan trọng không kém là môi trường sinh thái của làng quê phải trong lành, sạch đẹp và cây sen Nhật Bản đã làm được điều đó"...

Đi trong thoang thoảng hương sen, cả một vùng trời trở nên tươi mới, dịu ngọt, tinh khôi, chúng tôi mới hiểu, vì sao người dân nơi đây lại chọn cây sen. Rẽ những thân sen mọc cao quá đầu người, ẩn dưới tán lá xanh ngắt là những bông sen hồng thơm ngát, những đài sen màu xanh ngọc mây mẩy hạt, Chủ tịch UBND xã Nam Triều Phan Cao Lạc phấn khởi: "Từ khi đưa cây sen Nhật Bản vào trồng, mỗi độ sen nở, có nhiều du khách đến thăm, tận hưởng vẻ đẹp và hương thơm của hoa. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã tạo dựng được nhiều tuyến đường hoa, đường cây xanh, làm đẹp quê hương và đồng sen nở rộ từ tháng 6 đến tháng 9 - như một điểm nhấn về môi trường sinh thái của địa phương"…

bai4-sen19.jpg
Thu hoạch đài sen lấy hạt ở Phú Xuyên.

Những mong muốn của chính quyền và người dân về cây sen cũng đang có lời giải trên mảnh đất Mê Linh. Thời gian qua, những đầm sen trồng trái vụ do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thí điểm tại 2 xã: Đại Thịnh, Mê Linh với quy mô 10ha đã cho kết quả khả quan. Với 2 loài sen lấy bông được người Hà Nội yêu thích là Quan Âm và Bách Diệp, năng suất, chất lượng của giống sen trái vụ này đang mở ra hướng mới hiệu quả cho nghề trồng sen ở Thủ đô.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Giống sen Bách Diệp có nguồn gốc từ Tây Hồ với ưu thế vượt trội về mùi hương, màu sắc. Còn giống sen Quan Âm được du nhập từ nước ngoài, sức bền tốt. Qua nghiên cứu, tìm tòi, lai tạo, chúng tôi đã cho ra bộ giống sen mới chất lượng cao, có thể đáp ứng thời gian kéo dài vụ cũng như tăng năng suất, chất lượng. Qua mô hình trình diễn tại 2 điểm của huyện Mê Linh cho thấy, năng suất cao hơn 1,5-2 lần, hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần so với các giống sen khác, thời gian thu hoạch kéo dài tới tháng 9 và tháng 10. Ngoài bông sen, việc thu hoạch các phụ phẩm từ sen cũng đem tới một nguồn thu lớn cho nông dân".

bai4-sen20.jpg
Những giống sen mới bung nở tại Mê Linh.

Anh Lã Quang Khanh (xã Mê Linh), người có 50ha chuyên trồng sen và đang tham gia mô hình trồng sen trái vụ với quy mô 7,6ha, cho biết, vào tháng 4, nhiều diện tích sen của gia đình chuẩn bị thu hoạch thì giống sen Bách Diệp mới lai tạo mới được xuống giống và cho thu hoạch vào mùa thu, thay vì mùa hè như các giống khác. Sen trái vụ tiêu thụ khá thuận lợi, có thể kéo dài thời gian thu hoạch sen lấy bông và ướp trà.

Trong khi đó, qua nhiều vụ trồng thử nghiệm, quy mô 2,4ha trồng sen Quan Âm của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Đại Thịnh đã cho thu hoạch, bông to, đẹp. Anh Dũng cho biết năm tới sẽ mở rộng hơn diện tích loại sen trái vụ này để giảm áp lực cho thị trường chính vụ, đồng thời tăng thu nhập… Đây cũng là hướng đi của gia đình anh và nhiều hộ khác trên địa bàn xã thời gian tới.

Chia sẻ về mô hình sen trái vụ, ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) thông tin: "Nắm bắt được giống sen mới của Viện Nghiên cứu rau quả, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để triển khai ngay. Với nhiều nỗ lực, mô hình đã thành công, làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn huyện Mê Linh và nhiều vùng trồng sen lớn của Hà Nội. Ngoài trồng sen lấy bông bán theo thời vụ, đây cũng là cách giúp các khu du lịch sinh thái thêm sự lựa chọn để kéo dài thời gian phục vụ khách du lịch".

bai4-sen21-1.jpg

Hà Nội có nhiều diện tích trũng canh tác kém hiệu quả, nếu mở rộng mô hình 2 giống sen mới này sẽ đem tới hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông NGUYỄN VĂN HÀ
Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt

Sản phẩm đa dạng, giống cây phong phú, số lượng người tham gia trồng sen ngày một tăng và hơn hết là kinh tế cũng như cảnh quan đều nhờ cây sen mà phát triển, vì sao chúng ta chưa có Lễ hội sen Hà Nội?

line.jpg

Thực hiện: Ngọc Thủy - Bạch Thanh
Ảnh: Ngọc Thủy - Bạch Thanh - Lê Long - Hiền Xiêm
Thiết kế: T.P

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Nối dài những mùa sen Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.